Phát huy giá trị di sản trong du lịch từ Văn hóa chợ nổi Cái Răng
     

Văn hóa chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Chợ nổi Cái Răng cũng là điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế. Quá trình gìn giữ và phát huy di sản trong du lịch vẫn đang được nỗ lực thực hiện.

 

Thực trạng và góc tiếp cận mới

 

Chợ nổi Cái Răng hiện là chợ nổi lớn ở ĐBSCL đang hoạt động tấp nập bởi sự gắn kết đặc biệt trên cơ sở phát triển kinh tế gắn với du lịch. Tuy nhiên hiện chợ nổi Cái Răng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, đáng lo ngại là số lượng thương hồ giảm dần. Ông Tiêu Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, quận Cái Răng, cho biết: “Hiện nay ở chợ nổi Cái Răng chỉ còn khoảng 200 ghe của thương hồ. So với trước kia đã giảm đáng kể”.

 

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

 

Chia sẻ về nguyên do thương hồ dần rời chợ, bà Trần Thị Phương Thúy, chủ bè Sắc màu chợ nổi, nói: “Khi giao thông đường bộ phát triển thì việc vận hành, chuyên chở hàng hóa bằng ghe bị ảnh hưởng lớn về chi phí. Thêm vào đó, khi bờ kè xây xong, giao thương hàng hóa trên bờ và dưới sông bị ảnh hưởng rất lớn”. Thực tế, nếu trước đây chỉ tốn 2-3 nhân công để vận chuyển 7-8 tấn hàng nông sản, thì nay phải cần đến 8-9 nhân công và phải vận chuyển một quãng đường xa từ ghe đến vựa, xe tập kết.

 

Vấn đề gìn giữ chợ nổi Cái Răng đã được bàn thảo qua nhiều hội thảo, hội nghị. UBND TP Cần Thơ cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” (Đề án) từ năm 2016. Theo đó, việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, khi đề án đi vào thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Đề án chưa tập trung chủ thể cần bảo tồn là “Văn hóa chợ nổi Cái Răng”. Trong đó, thương hồ là nhân tố chính và cốt lõi.

 

Không gian chợ nổi Cái Răng hiện phân chia thành 3 khu vực. Khu vực chính, đoạn giữa là không gian sinh sống và giao thương của thương hồ. Tại đây, hoạt động chính là mua bán nông sản và bán sỉ. Đây là khu vực nguyên sơ, bản thể của Văn hóa chợ nổi, là không gian du khách sẽ thấy cây bẹo (hình thức quảng bá sản phẩm bằng cách treo lên sào tre), các hình thức giao hàng thảy chụp đặc trưng… Khu vực đầu chợ là một bộ phận thương hồ thích ứng làm du lịch. Tại đây đa phần là ghe khóm, có trang trí, đầu tư cho du khách trải nghiệm. Ở khu vực cuối chợ là các tiểu thương và các dịch vụ phục vụ ăn uống, tham quan làng nghề. Như vậy khi có sự hiểu rõ về cơ cấu của chợ nổi thì mới có những định hướng cụ thể để bảo tồn và phát huy di sản gắn với du lịch hiệu quả. Theo đó, Cần Thơ đang định hướng xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tên tạm gọi).

 

Chung tay tìm giải pháp phát huy di sản gắn kết du lịch

 

Văn hóa là yếu tố quan trọng (cùng với môi trường, kinh tế) khi xác định bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng gắn với phát triển du lịch. Báo cáo về Di sản văn hóa và Phát triển du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) có xác định, văn hóa và du lịch có mối quan hệ cộng sinh đặc biệt. Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch, còn du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa. Ông Tiêu Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, nói: “Giữ thương hồ mới giữ được chợ nổi. Do đó, tôi đề nghị nên có các cơ chế chính sách đặc thù cho chợ nổi Cái Răng, cũng như quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp, làm sao để du khách có thể kéo dài thời gian khám phá và trải nghiệm lâu hơn ở chợ nổi”.

 

Nhiều chuyên gia, các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất rằng bên cạnh việc bảo tồn nên phát triển không gian theo hướng du lịch. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho biết: “Văn hóa chợ nổi Cái Răng chỉ tồn tại khi chợ nổi còn, nên xem du lịch là một đầu ra để tạo thêm sinh kế cho người dân chợ nổi. Gìn giữ Văn hóa chợ nổi Cái Răng cần sự chung tay tổng hòa của nhiều bên, dựa theo đặc thù của chợ nổi hiện nay thì yếu tố quan trọng là kinh tế nông nghiệp và du lịch. Do đó, khi tiếp cận Văn hóa chợ nổi Cái Răng theo hướng di sản, chúng tôi có 2 hướng khai thác. Một là bảo vệ giữ nguyên, hai là linh hoạt thích ứng thị trường, dựa trên yếu tố văn hóa bản địa để ứng dụng, xây dựng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách”. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Thúy, chủ bè Sắc màu chợ nổi, cũng cho rằng: “Nên quan tâm gìn giữ và đầu tư cho phần nguyên sơ của chợ nổi. Bên cạnh đó nên có không gian cho phát triển du lịch, có thể là mô hình chợ đêm trên sông”. Theo bà Phương Thúy, mô hình chợ đêm này có thể do địa phương đầu tư, quản lý (khoảng 20-30 ghe xuồng tam bản) cho người dân thuê lại, đăng ký các sản phẩm, dịch vụ; hoặc kêu gọi đầu tư. Như vậy sẽ tạo ra sản phẩm tiêu điểm thu hút du khách lưu trú.

 

Thực tế, du khách có xu hướng du lịch để trải nghiệm lối sống, các hoạt động gắn liền với sinh kế và phong tục tập quán hằng ngày của cộng đồng cư dân bản địa tại điểm đến. Do đó, việc phát triển một không gian du lịch để du khách có thể tham gia vào quá trình tương tác, trải nghiệm cuộc sống như người chợ nổi (tái hiện không gian di sản) là cần thiết và nên cân nhắc trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cho chợ nổi Cái Răng.

 

Việc gìn giữ chợ nổi Cái Răng là cộng đồng trách nhiệm chung, mỗi đơn vị cần chung tay. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lý nhà nước về di sản văn hóa), Sở Công Thương (quản lý về chợ) và UBND quận Cái Răng (quản lý về địa bàn hành chánh) là 3 đơn vị đầu mối để kết nối với các sở, ngành hữu quan, tổng hợp các đề xuất để tham mưu, kiến nghị trình UBND tìm giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng gắn với hoạt động du lịch. Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng đề án Sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó lấy trọng tâm là chợ nổi Cái Răng. Đồng thời cũng đang rà soát lại những phần việc đã làm được, chưa được của đề án Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng để tìm những giải pháp phù hợp cho hiện trạng của chợ nổi. Sở cũng thực hiện nhiều đợt khảo sát để lắng nghe và ghi nhận nguyện vọng, đề xuất từ địa phương, các chủ thể ở chợ nổi để có tờ trình kiến nghị về UBND thành phố”.

 

Việc khai thác di sản gắn với du lịch cần hết sức cẩn trọng, vì tính nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản văn hóa. Nếu các hoạt động du lịch không phù hợp dễ phá vỡ hiện trạng của di sản. Do đó, khi đưa di sản văn hóa vào du lịch nên cân nhắc trên nhiều khía cạnh giá trị về vật chất, tinh thần, quá khứ, hiện tại và tương lai. Đặc biệt, chợ nổi Cái Răng lại có tính chất đặc thù về nhiều mặt, tác động lớn đến cộng đồng dân cư trên sông.

 

Bài, ảnh: ÁI LAM

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

TIN LIÊN QUAN