Phát triển hệ sinh thái du lịch Việt Nam toàn diện và bền vững
     

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn qua Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ. Thời gian qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, vừa diễn ra ngày 15-11, nhận diện những thách thức mới, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển đột phá toàn diện, bền vững.

 

Khó khăn và thách thức

 

Tính đến hết tháng 10-2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 582.600 tỉ đồng. Du lịch Việt Nam còn nhận 54 giải từ Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật có giải “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Tuy nhiên, sự phục hồi và phát triển vẫn chưa như kỳ vọng.

 

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ:  “Tuy khách quốc tế và nội địa tăng nhanh nhưng tốc độ hiện đang suy giảm”. Ông Vũ Thế Bình cho rằng việc kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng giá tăng cao, không xây dựng được sản phẩm cạnh tranh. Công tác xúc tiến du lịch còn chậm, chưa đúng trọng điểm và kém hiệu quả. Các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi như lễ hội, các sự kiện văn hóa hay kinh tế gắn với du lịch. Tuy nhiên, khách du lịch ít quan tâm các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ đông người, thay vào đó họ quan tâm bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện nay các loại hình đang được quan tâm là du lịch văn hóa, thể thao, ẩm thực, MICE, nông thôn... Tuy nhiên chưa có chính sách cụ thể, nên những sản phẩm này chưa được đầu tư đúng nghĩa. Hiện nay, ngành Du lịch mới chỉ thu hút đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động trong ngành. Nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác.

 

Thị trường khách quốc tế đang được ngành Du lịch Việt Nam quan tâm phục hồi và mở rộng. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Holdings, chia sẻ: “Ngành Du lịch nỗ lực đạt kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây là giai đoạn đầy thách thức. Hàng không chưa có lợi nhuận. Còn khách sạn, nhà hàng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Các dịch vụ giải trí ngưng trệ. Chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại”. Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, thông tin: “Đến hết 10 tháng năm 2023, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã đạt 97% so với trước dịch bệnh. Còn khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt mức 73%, Việt Nam đang ở mức 72%”.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm; xu hướng lựa chọn điểm đến của du khách có sự thay đổi; chậm khôi phục các đường bay quốc tế; công tác quản lý điểm đến còn hạn chế... Các chính sách, cơ chế, khung pháp lý cho hoạt động du lịch vẫn còn chồng chéo.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Việt Nam có các nền tảng quan trọng để phát triển du lịch: hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự được giữ vững; vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và có sự liên kết cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; thiên nhiên đa dạng; nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc; người dân hiền hậu, mến khách. Nhưng thực tế du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế trong liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực. Hiện nay vẫn chưa hình thành được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu tầm cỡ quốc gia. Sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm thể hiện sự khác biệt. Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tầm quốc tế. Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ. Công tác xúc tiến, quảng bá chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến còn hạn chế, phân tán, dàn trải. Vì thế, cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và hành động trong phát triển du lịch.

 

Định hướng phát triển du lịch toàn diện và bền vững

 

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đề xuất 5 việc: cập nhật Chiến lược phát triển du lịch quốc gia; xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có chiều sâu và rõ ràng; xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững; đẩy mạnh kết nối dữ liệu du khách và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không và du lịch để đẩy nhanh hoạt động phục hồi trong năm 2024. Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), đề nghị hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch; cập nhật chiến lược phát triển du lịch phải có sự phát triển bền vững. Lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… kiến nghị Trung ương sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2045. Bên cạnh đó, có các đề xuất về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu thị trường trọng điểm...

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng ngành Du lịch Việt Nam và các đơn vị hữu quan phải có sự đổi mới về tư duy, cách làm, cách tiếp cận và tầm nhìn chiến lược. Phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển du lịch nhanh, bền vững. Đây là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị của du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững có tính hiệu quả; xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên bản địa; xây dựng chuỗi giá trị liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu; phối hợp liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các chủ thể, giữa các ngành, các cấp; xây dựng mô hình quản trị tích hợp đáp ứng theo nhu cầu tình hình mới về công nghệ số; xây dựng thể chế thông thoáng quản lý thông minh, đảm bảo nguồn lực cho phát triển du lịch đột phá, đồng bộ, hiệu quả.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp... thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”. Trong đó, thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình...). Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau  - Kiên Giang). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Giao thông vận tải tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam. Các bộ ngành hữu quan tích cực phối hợp; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các địa phương phát huy vai trò lãnh đạo... Ngành Du lịch chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng môi trường du lịch thân thiện - an toàn và văn minh; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới; nghiên cứu tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao quốc tế; tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn

 

TIN LIÊN QUAN