Phường Tân Lộc - TP. Cần Thơ xây dựng thương hiệu du lịch qua sản phẩm OCOP
     
Phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có tổng diện tích trên 32 km2, dân số trên 30 ngàn người được xem như một trong những đơn vị hành chính cấp phường lớn nhất TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, việc biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn du khách không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi tầm nhìn của chính quyền khi hoạch định chính sách lẫn cái tâm của cư dân bản địa trong việc tạo dấu ấn đặc sắc địa phương trong từng sản phẩm kinh doanh.
 
Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn dựa vào nội lực và gia tăng giá trị đã kích thích được tính sáng tạo của người dân Tân Lộc trong tạo dựng sự khác biệt cho đặc sản địa phương. Chính điều này đã góp phần xây dựng nền tảng nhận dạng thương hiệu du lịch qua các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
 
Rượu mận Sáu Tia được công nhận “Top 100 sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL- 2014”.
 
Từ câu chuyện “con cá tra… chết chìm”
 
Tân Lộc trước đây được xem như một vùng cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho các nhà máy chế biến cá da trơn xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL. Với lợi thế nguồn nước sạch, giàu dinh dưỡng được lấy trực tiếp giữa dòng sông hậu nên con cá tra nuôi ở đây mau lớn, giá thành đầu vào thấp hơn nơi khác nên nhiều người nuôi đã thực sự đổi đời nhờ con cá tra. Vào thời hoàng kim của nó, ở Tân Lộc “nhà nhà nuôi cá tra, người người nuôi cá tra”. Ai không có vốn thì vay ngân hàng, không có đất thì thuê đất đào ao nuôi cá. Thế cho nên khi thị trường xuất khẩu cá tra bị đình trệ do chính phủ Mỹ áp thuế chống phá giá dẫn đến việc giá bán cá tra dưới giá thành sản xuất thì không ít người đổ nợ, trắng tay vì nó.
 
Ông Chương Văn Khanh - chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm khô, mắm từ con cá tra “Út Anh” ở Tân Lộc nhớ lại: Khi ấy con cá tra đến lứa xuất ao mà giá thu mua của các nhà máy thấp dưới giá thành sản xuất, thậm chí không bán được khiến người nông dân chúng tôi như đứng ngồi trên lửa. Nằm đêm trăn trở, trong đầu tôi bỗng bật ra ý nghĩ: “Nếu xuất nguyên liệu thô không được thì tại sao mình không nghĩ cách chế biến nó thành những sản phẩm đặc sắc để tiêu thụ ở thị trường nội địa? Làm theo cách này vừa tăng được lợi nhuận, vừa giảm bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài vốn khó tính, đỏng đảnh”.
 
Thế là cơ sở chế biến khô mắm từ con cá tra, cá ba sa mang tên Út Anh ra đời, mỗi tháng tiêu thụ được hàng tấn thành phẩm, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương (lúc cao điểm từ 40-50 công nhân). Khi được hỏi bí quyết để tạo ra thành phẩm ngon, được thị trường đón nhận, ông Khanh chia sẻ: Chúng tôi chỉ sử dụng nguyên liệu là cá phải còn sống, khỏe mạnh, rõ nguồn gốc để chế biến (cá chết rất tanh). Ngoài ra khâu trụng nước sôi, cạo nhớt, khử mùi đặc trưng, tẩm ướp muối, gia vị là cả một quá trình mày mò, tích lũy kinh nghiệm.
 
Hiện tại, cơ sở Út Anh có 4 mặt hàng đủ tiêu chuẩn OCOP: mắm cá tra, khô cá tra 1 nắng, khô cá tra tẩm ướp và nước mắm cá linh. Du khách khi đến Tân Lộc thường ghé cơ sở Út Anh mua các loại khô, mắm về làm quà về biếu người thân góp phần quảng bá cho thương hiệu. “Sau khi có những mặt hàng được công nhận OCOP, doanh số của cơ sở chúng tôi tăng khoảng 30% so với trước đây”- Ông Chương Văn Khanh cho biết.
 
Ông Nguyễn Phú Tia - người đã nghiên cứu thành công qui trình chế biến “Rượu mận Sáu Tia”.
 
Đến “ổi mặc áo”, “mận ngủ mùng”
 
Ngoài con cá tra, Tân Lộc còn nổi tiếng với những vườn cây trái lúc lỉu, bạt ngàn như: nhãn Idor, ổi hồng đào, mận An Phước… làm mê đắm lòng du khách gần xa. Thế nhưng điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã khiến người nông dân rất chật vật. Lại thêm nạn ruồi vàng (một loại côn trùng có hình dáng tựa con ong nhưng kích thước nhỏ hơn, chích vào làm thối trái) hoành hành thành nỗi ám ảnh cho nhà vườn. Để đối phó, bà con nông dân phải bỏ công trùm áo lưới, trùm bao ni-lon cho từng trái mận, trái ổi, trái xoài… khi nó mới tượng hình.
 
Vất vả là thế, nhưng có khi thu chẳng bù nổi chi. Khi trái cây bị rớt giá, tiền bán sản phẩm chẳng đủ trả công mướn người thu hoạch. Bức xúc trước nghịch lý này, từ trái mận có giá trị thấp ở quê nhà, ông Nguyễn Phú Tia (Sáu Tia) - một lão nông trên 80 tuổi ở Tân Lộc đã dày công nghiên cứu thành công qui trình chế biến “Rượu mận Sáu Tia” vang danh trên thị trường hàng chục năm nay.
 
Theo ông Sáu Tia, rượu mận của ông được chế biến theo phương pháp thủ công, nồng độ rượu là 33 độ và đã loại bỏ tối đa chất Adehyde nên không gây nhức đầu, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên liệu đầu vào “Rượu mận Sáu Tia” là các loại mận hồng đào, an phước trồng theo qui trình canh tác hữu cơ, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã được công nhận “Top 100 sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL- 2014”.
 
“Khi đưa sản phẩm của mình tham gia và đủ tiêu chuẩn chương trình OCOP, tôi ý thức được rằng mình đang góp phần quảng bá cho du lịch địa phương. Và ngược lại, khi du lịch địa phương phát triển thì đây cũng chính là kênh tiếp thị rất hiệu quả cho sản phẩm của mình đến người tiêu thụ trong và ngoài nước.”- ông Nguyễn Phú Tia tâm sự.
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt thì tính đến thời điểm hiện tại Tân Lộc đã chiếm 7/10 sản phẩm OCOP tại địa phương gồm các mặt hàng: mắm cá tra, khô cá tra 1 nắng, khô cá tra tẩm ướp gia vị, nước mắm cá linh, nước ép ổi lên men, rượu mận, nhãn Idor. Chính điều này đã góp phần kích thích sự phát triển của ngành du lịch cù lao này.
 
Ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết: Tính riêng năm 2021, lượng du khách đến Tân Lộc tham quan, thưởng thức đặc sản địa phương ước khoảng 20.600 người, chủ yếu là du khách nội địa (do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng được ghi nhận trong thời điểm khó khăn chung này là lượng du khách đến Tân Lộc nghỉ ngơi cuối tuần tăng mạnh; nhiều công ty du lịch lớn đã đến đây để khảo sát, đầu tư tour, tuyến… góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm đặc thù địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP.
 
giadinhonline.vn
TIN LIÊN QUAN