Trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, có khoảng 6 triệu người đi du lịch. Tại nhiều trung tâm du lịch lớn, lượng khách đến từ các địa phương lân cận tăng cao, chủ yếu là khách tự đi bằng xe cá nhân, tự sắp xếp chuyến du lịch thay vì mua tour.
Công suất sử dụng phòng khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp tại nhiều điểm đến như Quảng Ninh, Sapa, Quảng Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc… đạt từ 70% trở lên. Nhiều nơi thậm chí kín phòng trong những ngày nghỉ Tết.
Tỉnh Khánh Hòa đón du khách đến trong ngày đầu năm mới Nhâm Dần. Ảnh: VNA cung cấp
Nhiều nơi thu hàng trăm tỉ đồng trong 9 ngày Tết
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, ước tính trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ 29-1 đến 6-2-2022), đã có 6 triệu lượt khách đi du lịch. Tổng thu từ du lịch của nhiều địa phương tăng cao, nhiều nơi thu được hàng trăm tỉ đồng từ du lịch trong 9 ngày xuân.
Tỉnh Khánh Hoà đón 98.610 lượt khách, tăng 2,5 lần so với Tết trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 524 tỉ đồng. Công suất phòng bình quân tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ước đạt 72,8%, riêng phân khúc từ 4-5 sao gần như “cháy phòng”.
Tỉnh Quảng Ninh đón 289.661 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất phòng bình quân của khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%. Tổng thu từ du lịch khoảng 400 tỉ đồng.
Bình Định đón khoảng 155.730 lượt khách, tăng 40% so với Tết năm 2021. Tổng thu du lịch ước đạt 117,45 tỉ đồng, tăng 35% so với Tết trước.
Đà Nẵng đón 35.939 lượt khách, tăng gần 17%, trong đó khách nội địa là 35.204 lượt, tăng 16% so cùng kỳ, khách lưu trú là 25.500 lượt, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ.
Bà Rịa – Vũng Tàu đón khoảng 419.735 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 358 tỉ đồng, tăng 81% so với Tết trước. Công suất phòng các khách sạn 3-5 sao đạt 97%.
TPHCM đón 280.000 lượt khách. Trong đó, lượng khách đến các điểm tham quan là 200.000 lượt, còn lại là khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú và đi tour của doanh nghiệp lữ hành. Về doanh số, chỉ riêng doanh thu tại các khu điểm du lịch đã đạt khoảng 140 tỉ đồng.
Một số tỉnh, thành chưa thống kê doanh thu nhưng cho biết lượng khách tăng tốt. Trong đó, Bình Thuận đón khoảng 75.000 lượt, công suất phòng bình quân là 65-80%, riêng khối 4-5 sao đạt 85-95%.
Kiên Giang đón 98.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng khoảng 56,3%, riêng Phú Quốc có 79.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng bình quân 71,3%.
Thủ đô Hà Nội đón ít khách du lịch, chỉ 105.000 lượt. Công suất phòng bình quân rất thấp, chỉ 22,4%.
Du khách chơi hô hát bài Chòi trong Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh:TL
Du khách đã thay đổi, doanh nghiệp vẫn khó khăn
Đánh giá về tình hình du lịch Tết Nhâm Dần, Tổng cục Du lịch cho rằng hoạt động du lịch trên toàn quốc đã sôi động trở lại. Lượng khách quay lại một số trọng điểm du lịch tốt nhờ độ phủ vaccine ngừa Covid-19 rộng và thông tin kiểm soát dịch tốt hơn trước.
Tuy nhiên, xu hướng du lịch của du khách trong Tết năm nay đã thay đổi. Bên cạnh một bộ phận khách hàng vẫn đặt tour trọn gói từ các công ty lữ hành và khởi hành theo lịch định sẵn để tránh khó khăn khi đặt dịch vụ vào mùa cao điểm thì có rất nhiều khách tự sắp xếp chuyến đi.
Tại nhiều trung tâm du lịch lớn, hầu hết khách đến thuộc nhóm thứ hai. Phần lớn du khách đến từ các địa phương lân cận, chủ yếu là tự đi du lịch bằng phương tiện cá nhân, đi theo nhóm gia đình, người quen.
“Tết nay, khách tự đi là chủ yếu. Xu hướng cho cả năm 2022 cũng sẽ là như vậy cho nên doanh nghiệp lữ hành cần tính lại sản phẩm để phù hợp hơn với xu hướng mới”, một quan chức của Tổng cục Du lịch nói.
Ông cũng cho rằng, tuy lượng khách Tết Nhâm Dần rất tốt nhưng ngành du lịch vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn. Thực tế, còn nhiều khách sạn, doanh nghiệp lữ hành vẫn đang đóng cửa vì không có khách du lịch hoặc không có nhân lực để phục vụ.
Nhiều khách sạn báo kín phòng nhưng chỉ là kín với cơ số phòng mà chủ khách sạn có thể mở ra trong dịp này chứ không phải là kín toàn bộ phòng của khách sạn.
Chủ khách sạn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa mở cửa hết khiến nhiều điểm du lịch quả tải, không đủ chỗ cho khách du lịch trong dịp Tết.
Hiện tại, doanh nghiệp đang rất cần vốn để chỉnh trang lại cơ sở vật chất đã xuống cấp do 2 năm không hoạt động và để kinh doanh, tìm kiếm nguồn nhân lực vốn đang rất khan hiếm do nhiều lao động đã chuyển nghề.
Vì vậy, quan chức trên cho rằng Chính phủ và các địa phương cần thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành du lịch ít nhất là đến hết năm 2023 để ngành kinh tế này có thể vững vàng hơn.
Đào Loan
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/sau-trieu-nguoi-di-du-lich-tet-nhung-du-khach-da-thay-doi-rat-nhieu-vi-dich-benh