Từ lâu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nổi tiếng với các đặc sản: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, bột Long Sơn, bún Mỹ Lệ,... Và sẽ thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến lạp xưởng và bánh in Long Hựu - 2 đặc sản làm nổi danh xứ Cần Đước.
Bà Ngô Thị Thanh cho biết: “Lạp xưởng phơi nắng ngon và thơm hơn lạp xưởng sấy bằng máy”
Giữ nghề truyền thống
Cứ vào mùa gió chướng, người dân ở khu phố 5, thị trấn Cần Đước lại tất bật làm lạp xưởng phục vụ thị trường tết. Vừa nhanh tay trở những chiếc lạp xưởng, bà Ngô Thị Thanh - chủ Cơ sở lạp xưởng Chín Thanh, vừa nói: “Mùa này, nhà nhà tất bật làm lạp xưởng mới có đủ hàng bán trong mấy ngày tết. Mỗi lò có cách làm khác nhau nên hương vị cũng khác nhau. Tôi không dùng phẩm màu, chỉ ướp thịt bằng gừng, tiêu, tỏi và rượu - loại gia vị không thể thiếu khi làm lạp xưởng. Lạp xưởng được phơi dưới nắng tốt sẽ ngon và thơm hơn lạp xưởng được sấy khô bằng máy”.
Để làm nên những chiếc lạp xưởng thơm ngon, nhất là tạo được thương hiệu lạp xưởng Cần Đước thì những người theo nghề phải có cái tâm, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Và lạp xưởng Chín Thanh tạo được sự tin tưởng của khách hàng bởi những điều như thế! Chị Trịnh Thị Hương (ở TP.HCM) cho biết: “Mỗi dịp về Cần Đước, tôi mua hàng chục kilôgam lạp xưởng để dành ăn và tặng người thân. Mùi vị lạp xưởng Cần Đước đậm đà, có vị chua chua, ngọt ngọt, rất thơm, nhất là có thể để lâu mà không sợ hư”.
Tết đến, nhiều hộ dân tại Long Hựu (xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây) lại tất bật làm bánh in không chỉ để bán mà còn để giữ nghề truyền thống của quê hương. Là một trong những gia đình có truyền thống làm bánh in lâu đời, chị Hồ Thị Minh Tuyền, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, chia sẻ: “Vào 25 tết, gia đình tôi tạm gác tất cả công việc sang một bên để cùng làm bánh in. Đây còn là dịp các thành viên trong gia đình họp mặt sau một năm tất bật chăm lo cho cuộc sống. Năm nào tôi cũng làm hơn 500 cái bánh in làm quà biếu cho người thân. Truyền thống này được gia đình tôi gìn giữ qua nhiều thế hệ”.
Để thương hiệu bay xa
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hựu Tây - Nguyễn Thị Cẩm Loan chia sẻ: “Hầu như nhà nào ở đất Long Hựu cũng biết làm bánh in. Tuy nhiên, xã Long Hựu Tây chỉ có gần 10 hộ làm bánh in để bán”. Theo sự giới thiệu của chị Cẩm Loan, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Quá, ngụ ấp Mỹ Điền, một trong những người làm bánh in nhiều nhất xã. Vừa loay hoay nhồi bột, bà Quá vừa cho biết: “Đa số công đoạn đều phải làm thủ công. Từ giữa tháng 11 âm lịch, không khí làm bánh in ở các hộ gia đình bắt đầu sôi động. Riêng gia đình tôi nhận nhiều đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Mỗi dịp tết, gia đình tôi làm gần 1 tấn bột”.
Mỗi dịp xuân về, tết đến, gia đình bà Nguyễn Thị Quá lại nhận nhiều đơn đặt hàng bánh in của khách trong và ngoài tỉnh
Ngày 17-12-2015, UBND tỉnh có quyết định công nhận 4 nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nghề làm bánh in Long Hựu Tây và Long Hựu Đông. Tuy nhiên, hiện nay, bánh in Long Hựu vẫn chưa phát triển, nhiều hộ còn kinh doanh nhỏ, lẻ, không có nhãn mác rõ ràng, đồng thời mạnh ai nấy làm và bán nên thương hiệu bánh in Long Hựu chưa “bay” xa.
Còn lạp xưởng Cần Đước có thương hiệu từ bao đời nay nhưng mỗi người một cách làm, giá bán cũng chênh lệch. Chị Nguyễn Hoàng Thanh Lan, ngụ khu phố 5, thị trấn Cần Đước, cho biết: "Ngày thường tôi bán 120.000 đồng/kg, tết bán 170.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bán lạp xưởng dao động từ 170.000-350.000 đồng/kg. Gia đình tôi làm lạp xưởng hơn 3 đời nay. Tôi mong ước mở được cơ sở làm lạp xưởng trên TP.HCM để thương hiệu lạp xưởng Cần Đước được "bay" xa hơn. Dự kiến tết năm nay, gia đình tôi làm trên 2 tấn lạp xưởng phục vụ thị trường tết".
Một mùa xuân nữa lại về! Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làm bánh in và lạp xưởng góp phần mang mùa xuân đến sớm hơn với mọi người, mọi nhà.
Nguồn: LÊ NGỌC (Báo Long An)