Nằm ở ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, cách trung tâm TP. Long Xuyên, An Giang, không xa “Làng dâu tằm” là địa chỉ thích hợp cho những ai muốn du lịch (DL) sinh thái, hòa mình với thiên nhiên. Đến đây bạn có thể tha hồ hái dâu tằm ăn tại chỗ mà không tốn phí; được câu cá, chèo xuồng, thưởng thức những món ăn đậm chất miền Tây và tận hưởng không khí trong lành vùng sông nước.
Nhiều sản phẩm mới
Sau hơn 2 năm “ra mắt”, đến nay, các vườn dâu tằm Mỹ Khánh đã được nâng chất từ cơ sở vật chất cho đến chất lượng sản phẩm. Theo đó, hệ thống giao thông đã được địa phương quan tâm nâng cấp, thay thế 2 cây cầu sắt bằng cầu bê-tông. Do đó, du khách có thể đến đây bằng cả đường bộ lẫn đường sông một cách thuận tiện.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, ngoài phục vụ các thức uống được chế biến từ trái dâu tằm, các vườn còn có thêm dịch vụ ăn uống, với các món đồng quê; xây dựng các tum trên ao để du khách ngồi chơi; bơi xuồng, câu cá và nhiều dịch vụ khác.
Vườn dâu tằm du khách thường đến là vườn dâu tằm: 2 Thuận, Út Tuấn, Bảy Núi. Trong đó, vườn dâu thu hút khách nhiều nhất là vườn “2 Thuận” của nông dân Nguyễn Văn Thuận (tổ 3, ấp Bình Hòa 2): “đam mê làm vườn, qua nhiều năm kinh nghiệm trồng theo “truyền thống” với nhiều loại trái cây (xoài, ôi, chuối, mãng cầu…). Sau đó, tôi chuyển qua trồng nhãn khoảng 10 năm, nhưng do nhãn bị bệnh chổi rồng, lại thêm không có giá".
"Năm 2007-2008, một lần tình cờ dự hội thảo, đi học tập kinh nghiệm ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), tôi gặp ông Hải, quê ở Đà Lạt vào đây lập nghiệp. Khi vào đây, ông có mang gần 20 gốc dâu tằm Đà Lạt. Sau khi thưởng thức nước cốt và được biết công dụng của cây, trái dâu tằm (lá, thân cây, rễ, trái đều là vị thuốc quý)".
"Tôi xin vài gốc cây giống về trồng thử. Từ 5-6 cây giống, tôi trồng xen kẽ với cây nhãn. 3 năm sau, những gốc dâu tằm phát triển tốt và cho trái nhiều nên tôi đốn nhãn trồng dâu tằm. Cây dâu cho trái từ 2-3 vụ/năm. Với diện tích trên 4.000m2, đến nay, tôi đã có trên 300 gốc dâu tằm, thu hoạch trên 1 tấn trái/vụ”.
Khu trưng bày sản phẩm từ dâu tằm.
Địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng
So với dâu tằm Đà Lạt thì trái dâu tằm ở đây nhỏ hơn nhưng ngọt, nhiều trái hơn, do đất có nhiều phù sa. Du khách vào đây nhìn trái trên cây thấy “mê mẩn”.
Ngoài trồng cây dâu tằm, chú 2 Thuận còn trồng cây hồng quân, bưởi ngọc, bưởi da xanh, quýt, nhãn, cây chúc… đồng thời, bố trí 2 chiếc xuồng để phục vụ du khách (giá cho thuê 20.000 đồng/chiếc, bơi thoải mái, không tính giờ; hoặc 5.000 đồng/khách).
Năm 2016, có cả cánh đồng hoa sen, khách vào đây tha hồ chèo xuồng, chụp hình, nhưng năm nay người dân chuyển sang trồng lúa. Nơi đây còn như một khu sinh thái mini với hồ câu cá, mương nước, bạn có thể hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên trong lành.
Có thể nói, “làng dâu tằm” Mỹ Khánh là một trong những điểm đến lý tưởng để du khách trải nghiệm, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh khi đến TP. Long Xuyên du lịch.
Không có điều kiện đi Đà Lạt, du khách vẫn có thể đến TP. Long Xuyên để thưởng thức dâu tằm và các thức uống được chế biến từ trái cây sạch này. Giá cụ thể: mứt dâu 40.000 đồng/hũ, rượu dâu 40.000 đồng/chai, nước cốt dâu 50.000 đồng/chai, dâu tươi 40.000 đồng/kg.
Đa số khách thích uống món “sirô chúc” (sirô làm từ trái dâu tằm, nặn thêm lát chúc cho thơm), giá chỉ 7.000 đồng/ly; sinh tố dâu tằm 15.000 đồng/ly. Du khách đến đây chủ yếu là muốn trở về đồng ruộng, tận hưởng hương đồng, gió nội.
"Ngày trước, mình trồng chủ yếu vì kinh tế. Bây giờ, hưởng ứng phong trào nông thôn mới nên tôi cũng muốn góp phần nhỏ của mình để làm đẹp quê hương, thêm địa điểm DL phục vụ du khách. Tháng 3, dâu tằm ngọt, trái to, còn tháng 7 thì trái chua nhưng đây là mùa DL nên du khách nhiều. Hiện, trong ngày thường, vườn tôi đón từ 30-40 khách/ngày; thứ bảy, chủ nhật khoảng 70-100 khách/ngày”- chú 2 Thuận cho biết.
Tại các vườn dâu, du khách có thể thưởng thức các món đồng quê (cá, ốc, cua...) với giá cả phải chăng, phục vụ chuyên nghiệp. “Đây là lần thứ 7 em đến với vườn dâu tằm. Vào đây chủ yếu là dẫn bạn bè vào chơi, hái dâu tằm. Sau đó, vào nhà sàn nghỉ mệt, uống nước là các món làm từ trái dâu tằm và gọi món ăn ngồi nhâm nhi trò chuyện” - bạn Phan Mỹ Mỹ cho biết.
“Không khí ở đây yên tĩnh, rộng, thoáng mát, có mái che lá mát, giăng võng đưa giấc ngủ trưa ngon lành. Hái dâu tại chỗ miễn phí và tự do; giá bán dâu mang về cũng rẻ, chỉ 40.000 đồng/kg. Thức ăn tự chọn, giá cả phải chăng. Thức uống mang về làm từ dâu đa dạng và dễ chọn theo túi tiền. Lần thứ 3 đến vườn dâu Mỹ Khánh, mình rất vui khi thấy các hộ trồng dâu tằm ở đây đã hiểu và làm DL một cách chuyên nghiệp hơn. Đây là nơi đáng để đến nếu đi DL ở An Giang” - Anh Trần Văn Chánh (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) nhận xét.
Nguồn: Báo An Giang