Tại Diễn đàn Kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 – năm 2022 ở Đồng Tháp vào sáng nay (20/5), các đại biểu cho rằng: Để du lịch ĐBSCL phát triển cần tháo điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và chú trọng du lịch nông nghiệp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu - Ảnh: Hòa Hội |
Đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, TP HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, mà Diễn đàn Kết nối Du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là một minh chứng cụ thể. Qua lần đầu tổ chức tại TP. HCM năm 2019 và nhiều hoạt động tiếp nối đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Sen hồng là lợi thế nổi bật cho du lịch tỉnh Đồng Tháp |
Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang nỗ lực phục hồi và đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong thời gian gần đây, các địa phương đã nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra. Đặc biệt, ĐBSCL đã đón nhận những tín hiệu rất vui khi vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành NQ 13 về phát triển .....vùng ĐBSCL và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QH phát triển Vùng đầu tiên, trong đó đã chuyển dịch nguồn đầu tư, nhất là tập trung xoá điểm nghẽn hạ tầng giao thông của Vùng và dành nhiều chính sách đặc thù để tạo đột phá, phát huy lợi thế từng lĩnh vực của Vùng mà trước nay Vùng ĐBSCL chưa có. Bên cạnh đó, sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của đầu tàu TPHCM đối với sự liên kết Vùng... là điều kiện rất thuận lợi để TPHCM và 13 tỉnh trong Vùng cùng đi, cùng phát triển.
Phát triển hạ tầng giao thông
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa ĐBSCL và TPHCM được các địa phương chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua các liên kết hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP cũng đã được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và TP.HCM.
Để du lịch ĐBSCL phát triển, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề xuất, các địa phương tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm tạo động lực để doanh nghiệp hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó có hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm. Ngoài ra, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.
Khách trải nghiệm đi cầu khỉ tại cồn Sơn, TP Cần Thơ. - Ảnh: Hòa Hội |
Chú trọng du lịch nông nghiệp
Chị Lê Thị Bé Bảy, thành viên Câu lạc bộ du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Bình Thủy, TP Cần Thơ) nói rằng, du lịch nông nghiệp là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Bởi biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, khiến cho thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nông nghiệp. Chưa kể, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh sẽ dần không còn nhiều cánh đồng mẫu lớn chuyên canh nữa, mà thay vào đó là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nằm ven các đô thị. Vì thế, bà con nông dân nên chuyển hướng sang làm du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế ổn định và thu nhập cao hơn. “Khi làm du lịch, bà con sẽ được tiếp cận nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm giao tiếp và nâng cao giá trị nông sản của mình. Điển hình ở Cồn Sơn, nhà vườn phục vụ khách tham quan và bán trái cây tại vườn, thu nhập cao hơn nhiều lần so với chưa làm du lịch.
Khách trải nghiệm làm bánh dân gian tại nhà vườn Cồn Sơn. - Ảnh: Hòa Hội |
Chị Bé Bảy nêu thực tế mô hình du lịch cộng đồng mà chính chị đã tư vấn hơn 7 năm qua. Đó là du lịch Cồn Sơn hình thành thông qua việc định hướng của chính quyền địa phương, cụ thể là Đoàn thanh niên của phường và đoàn thanh niên khu vực. Sản phẩm ban đầu chỉ là tham quan vườn cây ăn trái (vườn chôm chôm). Sau đó người dân được tư vấn chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian đầu, sau đó người người dân tự suy nghĩ ra ‘tuyệt chiêu’, sản phẩm mới để làm phong phú thêm sản phẩm của mình.
Ngoài ra, chị Bé Bảy cho rằng 2 yếu tố để đạt kết quả tốt là sự cố gắng nổ lực của bà con nông dân chiếm tỷ lệ 70% thành công trong chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp. Người dân phải quyết tâm chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp sang mô hình du lịch nông nghiệp. Đồng thời, việc định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền chiếm 30% trong thành công của du lịch nông nghiệp, thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách, trang bị chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ xúc tiến sản phẩm cho bà con nông dân.
Hòa Hội
Nguồn: tienphong.vn
- Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh (22/11/2024)
- Đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh (22/11/2024)
- Những điểm mới của chợ nổi Cái Răng (14/11/2024)
- Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (14/11/2024)
- Để bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng (14/11/2024)