Liên kết kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của cả 2 khu vực. Với nhiều tuyến nội dung đa dạng, Diễn đàn Mekong Connect 2023 tập trung khơi mở những hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như những kiến nghị chính sách. Đặc biệt, trong bối cảnh mối liên kết và kết nối trở thành yếu tố quan trọng giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, diễn đàn nhấn mạnh vào sự cần thiết của hành động để nâng cao chuỗi giá trị trong những lĩnh vực mà 2 vùng kinh tế này tương tác…
Kết nối, liên kết - vấn đề bức thiết
ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, chủ yếu là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực như thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng "bẻ kèo" hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Một số hình thức liên kết chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng; nông dân thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý; hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.
ĐBSCL cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận kênh bán lẻ. Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp…
Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là cần thiết, hạn chế việc mất đồng bộ về cung - cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong đó, liên kết kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL là một yếu tố quan trọng. Sự kết hợp này tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, cung cấp nguồn lực và hàng hóa, thúc đẩy hợp tác đầu tư và phát triển của cả 2 vùng.
Tọa đàm về tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Tận dụng "đòn bẩy" chính sách
Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai được xem là những nhiệm vụ quan trọng của vùng. Ngày 28-2-2022, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg. Đây là quy hoạch tích hợp cấp vùng lần đầu tiên được thực hiện trong cả nước. Quy hoạch với 5 lĩnh vực trọng tâm: hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch - dịch vụ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng, kết quả nổi bật đáng ghi nhận từ sau khi phê duyệt Quy hoạch là vùng đã triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên kết vùng; huy động nguồn lực đầu tư công, điển hình là hàng loạt các công trình đầu tư, đặc biệt lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; triển khai thực hiện các giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đó là năng lực triển khai. Bài toán "công dồn" luôn có số dư, thiếu sự tham khảo và đúc kết từ các địa phương trong vùng quy hoạch; các nhiệm vụ được giao trong triển khai quy hoạch còn giản đơn, chỉ mới xác định "làm gì", còn việc "làm thế nào", thời điểm kết thúc chưa rõ ràng, mờ nhạt; kết quả thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất; quy hoạch mang tính khuôn khổ nhưng thực thi và giám sát thì thiếu cơ chế vận hành… Chẳng hạn, chưa có được sự liên kết chặt chẽ ở 3 lĩnh vực: sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Thực tế, những thành tựu kinh tế mà TP Hồ Chí Minh đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP Hồ Chí Minh ra cả vùng là không thể phủ nhận. TP Hồ Chí Minh được Quốc hội trao cơ chế đặc thù, đó là vận hội mới của TP Hồ Chí Minh và cũng chính là vận hội cho vùng ĐBSCL. Sự phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả vùng và tới cả phía Bắc. Đó là kỳ vọng của Trung ương, kỳ vọng của Quốc hội khi ban hành cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, hy vọng 13 tỉnh, thành ĐBSCL, cùng với TP Hồ Chí Minh cùng đón vận hội của mình.
Quy hoạch và liên kết, điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng, giúp giải quyết các xung đột trong phát triển, tránh được sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu nhiều bất ổn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai quy hoạch tích hợp, ĐBSCL đã, đang và sẽ gặp phải nhiều thách thức, cần đến sự chung tay của các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc nhận diện cũng như tháo gỡ những khó khăn, thách thức đó.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa 2 thành phố trực thuộc Trung ương trở thành cấp thiết để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy tiềm năng. Đặc biệt, Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ (Trung tâm liên kết) được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho cả vùng và TP Cần Thơ.
Tuy nhiên, để đề án nhanh chóng được triển khai, Cần Thơ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và định hướng các tỉnh ĐBSCL cùng phối hợp triển khai đề án. Hỗ trợ Cần Thơ các giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại…
UBND TP Cần Thơ mong muốn được hợp tác với UBND TP Hồ Chí Minh kết nối và nâng tầm ảnh hưởng những ngành hàng có tính dẫn dắt. Hai bên cùng liên kết vận dụng cơ chế đặc thù, mở ra hệ sinh thái thuận lợi hóa cho những ý tưởng thúc đẩy thế mạnh đặc thù và kinh nghiệm đặc biệt từ các địa phương để cùng nhau phát huy tiềm năng tốt nhất mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài.
Khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2023
(CT) - Sáng 16-11, tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Mekong Connect 2023 chính thức bước vào phiên toàn thể, với chủ đề chính: Liên kết giữa vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế; doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược. TP Hồ Chí Minh cùng 38 tỉnh, thành trên cả nước ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2025 với mục tiêu phát huy thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước. Hôm nay, TP Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, cho thấy thành phố xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.
Tại Diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, bày tỏ mong muốn, với tinh thần xây dựng, cởi mở, hệ thống các giải pháp được gợi ý tại Diễn đàn năm nay, các nhóm liên kết, cụm liên kết, vùng liên kết, đặc biệt là Mạng lưới liên kết ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh cùng thống nhất hợp tác nhằm phát huy thế mạnh tổng thể trên cơ sở của từng địa phương, cùng chia sẻ, hợp tác, liên kết cùng phát triển.
Tại Diễn đàn, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và một số địa phương ĐBSCL cùng các chuyên gia phân tích về liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; những thách thức trong việc triển khai Quy hoạch tích hợp ĐBSCL; tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL…
Cũng tại Diễn đàn, TP Hồ Chí Minh phát đi định hướng hành động của Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh. Thực hiện ký kết hợp tác triển khai một số nội dung trọng tâm ngành Công Thương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025. Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao trao giấy chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao chuẩn hội nhập cho 18 doanh nghiệp (8 doanh nghiệp thực phẩm, 10 doanh nghiệp phi thực phẩm). |
Bài, ảnh: NAM HƯƠNG
Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn
- Người Việt tìm kiếm điểm du lịch nào nhiều nhất năm 2024? (19/12/2024)
- “Du lịch Cồn Sơn Cần Thơ” là xu hướng tìm kiếm hàng đầu trên Google của người Việt (19/12/2024)
- Du lịch đường sông mở ra cơ hội phát triển cho vùng ĐBSCL (12/12/2024)
- Cần Thơ: Sắp diễn ra liên hoan ′′Ca nhạc, Ca cổ, Tiểu phẩm Xuân′′ lần thứ XV năm 2025 (12/12/2024)
- Hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024 (10/12/2024)