Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL
     

(CT) - Ngày 20-9, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL phối hợp Báo Công lý tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ÐBSCL.

 

Cần Thơ Eco Resort (TP Cần Thơ) là 1 trong 6  Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024.

 

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường đào tạo, các doanh nghiệp du lịch của 13 tỉnh, thành cùng dự.

 

Hội thảo nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch tại ÐBSCL đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và vấn đề thực thi pháp luật về du lịch tại khu vực ÐBSCL. Từ đó đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời nâng cao, cập nhật kiến thức pháp luật về du lịch, đảm bảo phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và đúng quy định của pháp luật.

 

Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cả nước hiện có hơn 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó có 42% được đào tạo chuyên ngành. Tại ÐBSCL, có khoảng 150.000 lao động du lịch, trong đó có đến 51% lao động chưa qua đào tạo. Thực trạng này cho thấy nguồn nhân lực du lịch tại vùng ÐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thị trường. Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất những giải pháp thay đổi, nâng chất nguồn nhân lực du lịch vùng ÐBSCL, tập trung vào một số nội dung: xây dựng chiến lược nguồn nhân lực du lịch cho vùng, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng liên kết đào tạo quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực du lịch số…

 

Về thực trạng thực thi pháp luật trong hoạt động du lịch tại ÐBSCL, đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa sát sao; các chế tài chưa phù hợp, chưa có tính chất răn đe; công tác thanh, kiểm tra chưa thường xuyên; hành lang pháp lý cho du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế... Do đó, cần tăng cường quán triệt Luật Du lịch, triển khai hiệu quả, xây dựng cơ cở pháp lý cho du lịch nông nghiệp, nông thôn...

 

Dịp này, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL trao quyết định và bảng công nhận Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL năm 2024 cho 6 khu, điểm du lịch thuộc TP Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu.

 

Tin, ảnh: ÁI LAM

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

TIN LIÊN QUAN