Tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh
     

Làn sóng Omicron ở một số nước đã có dấu hiệu đạt đỉnh và số ca nhiễm đang bắt đầu giảm xuống, mang lại tín hiệu tích cực về dịch bệnh.

Vượt qua “cơn bão Omicron”

Theo AFP, Thủ tướng Micheál Martin của Ireland hôm 21.1 tuyên bố đất nước đã vượt qua “cơn bão Omicron” và thông báo dỡ bỏ phần lớn các biện pháp chống Covid-19 từ 6 giờ ngày 22.1. Quyết định này được đưa ra sau khi số ca nhiễm của Ireland giảm đáng kể trong những tuần gần đây.

Người dân xếp hàng để nhận bộ xét nghiệm Covid-19 ở Canada

Cuối tháng 12.2021, Ireland ghi nhận đến gần 10.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 6.500 người hôm 21.1. Ireland hiện chỉ có 88 bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trên cả nước.

Tình hình tích cực cũng đang được ghi nhận ở một số quốc gia khác. Reuters dẫn lời bà Theresa Tam, Giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Canada, ngày 21.1 cho biết làn sóng lây nhiễm Omicron ở nước này đã có dấu hiệu đạt đỉnh. So với tuần trước, số ca bệnh mới mỗi ngày ở Canada đã giảm 28%. Tuy vậy, số người trở nặng và phải nhập viện vẫn tăng mạnh trong bối cảnh các bệnh viện ở Canada đang chịu nhiều áp lực.

Số ca Covid-19 mới do biến thể Omicron gây ra trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã giảm 5% trong tuần qua, theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky. Dữ liệu của Reuters đến ngày 20.1 cũng cho thấy 19 bang ở Mỹ có số ca nhiễm giảm so với tuần trước. Đặc biệt, vùng Đông Bắc nước Mỹ - nơi có số ca bệnh cao nhất trong đợt lây nhiễm gần đây - có số trường hợp dương tính giảm đến 40% so với 7 ngày trước đó.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mới công bố ngày 21.1 của CDC cũng tiếp tục chứng minh rằng vắc xin có hiệu quả rất cao trong việc ngăn người nhiễm biến thể Omicron trở nặng và tử vong. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi Omicron chiếm ưu thế ở Mỹ, hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn nhập viện từ 14 - 179 ngày sau khi tiêm liều thứ hai là 81%. Sau hơn 180 ngày kể từ liều thứ hai, con số này giảm còn 57% nhưng đã tăng thành 90% kể từ 14 ngày sau khi tiêm liều tăng cường.

Cần tiếp tục thận trọng

CNN đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18.1 thừa nhận làn sóng lây nhiễm mới nhất đang có dấu hiệu được kiểm soát ở một số nước. Tuy nhiên, tổ chức này cũng kêu gọi tiếp tục thận trọng vì đại dịch còn lâu mới kết thúc và chưa quốc gia nào thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo Reuters, TP.Tokyo (Nhật Bản) ngày 22.1 ghi nhận hơn 11.000 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm tại đây phá kỷ lục và đẩy số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên cả nước Nhật Bản trong 24 giờ qua lần đầu tiên vượt mốc 50.000 kể từ đầu đại dịch.

Nga hôm 22.1 có hơn 57.000 ca nhiễm mới, ngày thứ hai liên tiếp con số này phá kỷ lục. Tương tự, nước láng giềng Ba Lan ngày 22.1 cũng ghi nhận kỷ lục hơn 40.000 ca Covid-19 mới. Trước đó một ngày, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết Omicron đã trở thành biến thể chiếm ưu thế trong khu vực và đang gây ra 78% số ca bệnh mới.

Tình hình này khiến Ủy viên Y tế Liên minh Châu Âu (EU) Stella Kyriakides ngày 21.1 thông báo bộ trưởng y tế các nước thành viên chuẩn bị cho việc tiêm liều thứ tư ngay khi có đủ dữ liệu cho thấy điều này là cần thiết. Hiện Hungary, Đan Mạch và Thụy Điển là các nước EU đang tiêm liều thứ tư cho nhóm người bị suy giảm miễn dịch và dễ bị tổn thương.

https://thanhnien.vn/

TIN LIÊN QUAN