Thờ tổ nghề là một dạng tín ngưỡng dân gian thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Dân gian quan niệm, nghề nào cũng có người khởi xướng, sáng tạo, rồi trao truyền dần cho các thế hệ. Người đầu tiên được gọi là tổ nghề. Những thế hệ sau theo nghề phải nhớ công ơn của vị tổ nghề này và hằng năm phải làm lễ, gọi là cúng tổ nghề. Trong nhiều nghề thủ công truyền thống ở Cần Thơ, nghề kim hoàn có lịch sử hình thành lâu đời và có tín ngưỡng thờ tổ nghề còn sâu đậm đến ngày nay.
Gian chính điện nhà thờ tổ kim hoàn ở Cần Thơ.
Tổ nghề kim hoàn có rất nhiều vị: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền, Lưu Xuân Tín, Nguyễn Kim Lâu, Cao Đình Độ, Đoàn Tài, Phạm Đôn Lễ, Trần Ứng Long… Riêng tại Cần Thơ, tín ngưỡng thờ tổ nghề chỉ thờ các vị Cao Đình Độ, Cao Đình Hương, Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền.
Theo các tác giả Thu Huyền- Ái Phương trong sách “Danh nhân Việt Nam- các vị cụ tổ ngành nghề Việt Nam” (NXB Lao Động, 2011), ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng nhưng không nguôi niềm đam mê trở thành người thợ kim hoàn xuất sắc. Để học được nghề, ông cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội).
Sự hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm kim hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo, đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác.
Năm 1783, ông đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng sự thông minh của cha, con trai ông- Cao Đình Hương, trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, ông Cao Đình Độ có thu nhận đệ tử, truyền nghề cho họ.
Làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn từ đó. Dưới thời vua Quang Trung, danh tiếng ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một vài thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập cơ vệ Ngân Tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung điện. Những đóng góp lớn lao của ông được triều đình ghi nhận, phong chức Lãnh Binh, cùng gia đình sống tại làng Cao Hậu, huyện Hương Trà, Huế.
Đến khi chúa Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục nghề kim hoàn trong cung điện. Năm 1810, ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Bằng nhạy bén của người trong nghề, ông Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ quanh quẩn phục vụ trong cung vua. Vì thế, ông quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Nghề kim hoàn ở miền Trung từ đó được nhân rộng.
Cảm phục tài nghệ và danh tiếng ông Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ròng rã suốt 11 năm truyền dạy cho các học trò, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò đem nghề kim hoàn truyền rộng rãi trong dân gian.
Theo di chúc của thầy, ba anh em Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền ngược ra Thăng Long (Hà Nội) mở lò thu nhận đệ tử. Riêng anh em họ Huỳnh theo dòng người lập nghiệp xuôi vào phương Nam, đến Phan Thiết thì dừng chân, vừa thu nhận đệ tử truyền nghề, vừa để tưởng nhớ một người anh em của mình đã qua đời tại đây. Nghề kim hoàn ở Phan Thiết được khai sinh từ đó.
Ở miền Nam, nghề kim hoàn lúc ấy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Theo ước nguyện của thầy, từ Thăng Long, anh em họ Trần bắt đầu cuộc hành trình xuôi vào Nam. “Đất lành chim đậu”, điểm dừng chân của họ là Gia Định- Chợ Lớn, nơi có thương cảng sầm uất, hội tụ thương hồ từ các tỉnh lân cận, kể cả các quốc gia láng giềng, đến buôn bán náo nhiệt. Ba ông chọn địa điểm cách Chợ Lớn khoảng một dặm (cảng Bình Đông ngày nay) mở lò thợ bạc tại đây để có điều kiện phát triển rộng khắp.
Sau khi truyền nghề cho 36 lò thợ bạc ở Chợ Lớn, anh em họ Trần lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh miền Tây, ngược qua Campuchia, Thái Lan… rồi qua đời ở đâu không ai rõ. Nếu như tiền tổ họ Cao có công khai sáng nghề kim hoàn, thì họ Trần, Huỳnh chính là những người có công phổ biến nghề kim hoàn trên khắp đất nước, suốt từ Bắc vào Nam. Họ được người trong nghề tôn vinh là tổ sư đời thứ hai của ngành kim hoàn Việt Nam.
Để tưởng nhớ công lao của các vị tổ nghiệp, hằng năm, các thợ kim hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ tổ ông Cao Đình Độ vào ngày 27 tháng 2 (âm lịch). Tại làng Định Công (Hà Nội), giỗ tổ sư họ Trần, Phan Thiết giỗ tổ sư họ Huỳnh.
Cũng cùng ý nghĩa là ghi nhớ công lao của các bậc tiền bối và cũng là để bán buôn cho có hội có thuyền, ở Cần Thơ, năm 1953, ông Đỗ Minh Châu mới khởi xướng lập hội thợ bạc để những người cùng nghề có dịp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm buôn bán, giúp đỡ nhau. Trụ sở của hội lúc bấy giờ được đặt tại số 26 đường Cao Bá Quát, tỉnh Phong Dinh, nay là đường Điện Biên Phủ, gọi là chùa Tổ Thợ Bạc.
Qua thời gian dài hoạt động, các vị trong Ban trị sự nhận thấy cơ sở này quá chật hẹp nên năm 2009, Ban trị sự mới tổ chức quyên góp để dựng lại cơ sở mới cho khang trang hơn. Cơ sở mới này được xây tại lô 14 khu biệt thự Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, với tên gọi là Nhà thờ tổ kim hoàn thành phố Cần Thơ.
Nhà thờ tổ này được xây dựng trên diện tích 800m2, gồm ba gian thờ chính: Gian chính điện ở giữa thờ ông tổ nghề kim hoàn Cao Đình Độ và Cao Đình Hương, bên phải (nhìn từ ngoài vào) là gian thờ Tiền Hiền, thờ các ông Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền, bên trái là gian thờ Hậu Hiền, thờ các ông Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.
Phía sau gian thờ chính còn có bàn thờ của Kim Ngân tổ sư- nghĩa là tổ sư qua các đời. Xung quanh gian thờ chính còn có rất nhiều hình ảnh trưng bày về các hoạt động nghề nghiệp và đặc biệt phía trên gian thờ chính còn treo bảng sắc phong của vua Khải Định và vua Bảo Đại phong cho ông tổ nghề kim hoàn là Cao Đình Độ, Cao Đình Hương.
Nhà thờ tổ kim hoàn thành phố Cần Thơ tổ chức giỗ tổ hằng năm vào các ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Đây là dịp để những người làm nghề thợ bạc bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vị tổ nghề đã có công trao truyền cho họ nghề để mưu sinh, đồng thời qua đó cũng mong các vị tổ nghề luôn phù hộ độ trì cho họ được bình an, mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, suôn sẻ. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các vị trong hội gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong nghề, cũng như phổ biến các quy định của nhà nước liên quan đến nghề nghiệp của mình.
Tín ngưỡng thờ tổ nghề kim hoàn là tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề thợ bạc, đá quí, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng tạo cho hội nghề nghiệp sự liên kết để hỗ trợ nhau phát triển.
Nguồn; Trần Phỏng Diều - http://baocantho.com.vn