Đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy còn có tên là Long Tuyền Cổ Miếu nằm trên tuyến quốc lộ 91 thuộc địa phận phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5km. Đình được dựng vào năm 1844, ban đầu có tên là Long Tuyền, nhưng do đình tọa lạc tại phường Bình Thủy nên người dân quen gọi là Đình Bình Thủy.
Đình thờ Thành hoàng và nhiều danh nhân ở tòa chính điện, chính giữa là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu bang và Tả bang. Phía ngoài đình có hai miếu lớn thờ Thần Nông và Thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Sau này người dân đưa thêm những người có công với nước vào thờ như Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa…
Thường niên, Đình Bình Thủy có hai lễ lớn là lễ Thượng điền kéo dài trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng tư âm lịch, có rước thuyền, hát bội… Lễ Hạ điền vào hai ngày 14 và 15 tháng chạp, chuẩn bị đón năm mới… Cách thờ thần đa dạng, phong phú như thế cho thấy sự hỗn dung văn hóa, đồng thời phản ánh tính cởi mở, phóng khoáng, bao dung mọi sự khác biệt, hội tụ tinh hoa một cách chân thành của người dân nơi đây. Nơi đây được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.
Chùa Nam Nhã
Tọa lạc tại số 612, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, chùa Nam Nhã là một trong các địa điểm tham quan không thể không ghé thăm khi về miền sông nước Cần Thơ.
Nằm cách trung tâm thành phố 5km về phía Bắc trong khuôn viện rộng, Chùa Nam Nhã gây ấn tượng cho khách hành hương bởi lối kiến trúc cổ kính bề thế, ẩn mình giữa vườn cây xanh cổ thụ được chăm chút kỹ lưỡng, đem lại cảm giác thư thái thoát tục. Chùa do Nguyễn Giác Nguyên xây năm 1895, theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi chùa Minh Sư. Chùa bao gồm ba khu chính: nhà Chính Điện, nhà Đông Lan và nhà Tây Lan. Nhà Chính Điện là nơi đặt điện thờ cúng, gồm ba pho tượng Phật được đúc bằng đồng, bên cạnh ra chùa còn lưu giữ tương đối rộng rãi cổ vật quý hiếm, đặc thù là những bộ bàn ghế gỗ trong chùa với đường nét khắc họa tinh tế đậm nét Nam Bộ xưa. Không giống những ngôi chùa ở nước ta, Chùa Nam Nhã chỉ ăn chay, không cạo đầu, không mặc nâu sòng, lấy việc tu tâm tích đức làm kim chỉ nam, bởi thế không khí trong chùa luôn giản dị và gần gũi. Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử năm 1991.
Nhà cổ Bình Thủy
Nhà thờ họ Dương hay còn gọi là nhà cổ Bình Thủy được xây dựng vào năm 1870 theo kiến trúc kiểu Pháp, tọa lạc số 142/144 đường Bùi Hữu Nghĩa - phường Bình Thủy - quận Bình Thủy - thành phố Cần Thơ.
Đây là một trong số ít những căn nhà cổ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc nội và ngoại thất, nhà có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật, hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long thời kì giao thoa giữa hai thế kỉ. Ngôi nhà được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 6.000m2 mang đậm dấu ấn Đông - Tây kết hợp, được thiết kế chia thành 5 gian. Nhà trước dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa, 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, cùng với đó là các tiểu cảnh trong và ngoài. Nhà cổ Bình Thủy trở nên nổi tiếng hơn vì được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh chính cho các bộ phim nổi tiếng như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Người tình (L’amant). Nơi đây được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2009.
Mỹ Trinh - TTPTDL