“Cất giữ” bản sắc văn hóa địa phương vào ký ức của du khách
     

Những ngày đầu năm Quý Mão, du thuyền triệu đô Victoria Mekong đã đưa 60 du khách châu Âu từ Cần Thơ ngược dòng Mekong qua Campuchia trong chuyến du lịch bồng bềnh sông nước. Trên hành trình thú vị này, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ mà còn được trải nghiệm văn hóa bản địa qua hoạt động trình diễn các loại hình diễn xướng dân gian ÐBSCL. Ðặc biệt, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng đã đồng hành cùng hành trình với tư cách là diễn giả giới thiệu văn hóa bản địa.

 

Chia sẻ với phóng viên Báo Cần Thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết:

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng diễn thuyết trước các du khách châu Âu trên du thuyền Victoria Mekong. Ảnh: NVCC

 

- Ngay từ khi nhận lời mời làm diễn giả của hành trình, tôi hào hứng nhưng cũng băn khoăn. Giới thiệu về vẻ đẹp của miền Tây sông nước là việc làm rất thú vị, nhưng với một vùng đất giàu bản sắc, đa dạng văn hóa, tôi cân phân xem mình sẽ nói gì, giới thiệu gì với du khách châu Âu khi thời lượng chỉ hơn 30 phút.

 

Sau khi khái lược về lịch sử vùng đất, tôi đã tập trung giới thiệu về những nét văn hóa sông nước đặc trưng, mà tôi tạm gọi là “văn hóa nổi”. Trước nhất và trùm phủ là mùa nước nổi. Sau đó là cồn nổi, lúa nổi, chợ nổi và cả những thích ứng của người đồng bằng sau này như căn cứ nổi, sân khấu nổi, trạm y tế nổi... Mỗi loại hình “nổi” đó, tôi dừng lại cắt nghĩa ngắn gọn, đưa vào những ví dụ thú vị để làm rõ nét.

 

* Ðón nhận của du khách với phần giới thiệu này ra sao, thưa ông?

 

- Rất hào hứng! Các du khách rất chăm chú lắng nghe, theo dõi từng câu của diễn giả. Họ còn đặt câu hỏi với tôi. Vấn đề họ quan tâm nhiều nhất là bảo vệ môi trường trên sông, rạch ở miền Tây. 

 

Tôi cố gắng tránh kiểu giới thiệu theo lối giáo khoa, mà là kể chuyện, dẫn dắt người nghe vào không gian văn hóa miền Tây. Ít số liệu thôi, vì chỉ cần một thuật tìm kiếm trên Google đã có rất nhiều, thay vào đó là câu chuyện, là thực tiễn sinh động, đầy ắp thông tin. Du khách đã được khơi gợi trí tò mò về vùng đất và con người nơi đây để tiếp tục khám phá.

 

* Qua sự kiện này, ông có suy nghĩ gì về tiềm năng du lịch văn hóa ở khu vực ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, với tư cách là người có thâm niên trong lĩnh vực văn hóa, du lịch?

 

- Du lịch văn hóa có dư địa trù phú. Vấn đề là làm sao để tìm tòi, tạo ra sản phẩm đủ sức hấp dẫn. Yếu tố văn hóa phải song hành với du lịch, đây không chỉ là đòi hỏi mà còn là xu thế. Tuy vậy, khi đưa văn hóa làm thành sản phẩm du lịch phải nhuần nhuyễn, làm mới, không gượng ép.

 

Ví dụ, để đờn ca tài tử trở thành sản phẩm du lịch, ngoài trình diễn còn phải có giới thiệu, thuyết minh, cả về nhạc cụ, lịch sử hình thành, bài bản... Bài bản chọn lựa phải vui tươi, hào hùng, trình diễn phải kết hợp giữa yếu tố nghe và yếu tố nhìn - tức trang phục, điệu bộ. Với các di sản khác như Hò Cần Thơ, Hát ru Cần Thơ, Hát bội... cũng cần làm mới như vậy, để có được sản phẩm du lịch thu hút.

 

Nói chung, trong chuyện bảo tồn di sản kết hợp du lịch, cần xác định cái nào bảo tồn nguyên gốc, cái nào cần làm mới, phát triển, dĩ nhiên là không để mất gốc. Làm được chuyện này, cũng là cách để giữ gìn di sản văn hóa trong đời sống hiện đại, hiệu quả và đầy sức lan tỏa. Kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hội An... minh chứng cho điều này.

 

Ðiều rốt cùng tôi muốn nói, Cần Thơ cần quan tâm đẩy nhanh xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa. Bản sắc văn hóa Cần Thơ rất phong phú, tiềm năng du lịch cũng dồi dào. Bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả không phải là “cất” trong tủ mà là cất giữ trong ký ức của mọi người.

 

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Nguồn: baocantho.com.vn

 

TIN LIÊN QUAN