1. Nùm Bon.
Nùm Bon là một loại bánh dân gian đặc biệt của người Khmer tại thành phố Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố số lượng người khmer còn biết cách làm loại bánh này rất ít. Vừa qua Nùm Bon được chọn là một trong số những món ăn tham gia cuộc thi ẩm thực khmer tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dồng bào khmer nam bộ lần thứ VII tại tỉnh Bạc Liêu của đoàn Cần Thơ, bánh được sự quan tâm của du khách và báo chí các tỉnh bạn.
Bánh Nùm Bon - Ảnh: CT
Nùm Bon được làm từ gạo, nếp, đường thốt nốt và nước cốt dừa. Điều đặc biệt của loại bánh này là ở chỗ bột bánh phải giã nhuyễn hoàn toàn bằng thủ công, không thể dùng bột công nghiệp vì bánh sẽ không phồng khi chiên. Bột sau khi giã nhuyễn sẽ được trộn cùng hỗn hợp nước cốt dừa và đường thốt nốt đã được đun sôi từ trước. Sau đó bột được nặng thành hình tròn và chiên trong chảo dầu nóng, khi chiên bánh sẽ phồng to như bánh cam và có thể dùng dần trong 5 ngày.
Nghệ nhân đang chiên những chiếc bánh căng phồng - Ảnh: CT
Bánh khi ăn có cảm giác bùi bùi, thơm đường thốt nốt và vị béo của nước cốt dừa. Nùm Bon được người dân Khmer xưa dùng làm vật cúng trong các dịp như lễ Cưới hay cúng chùa.
2. Bánh Ống.
Bánh ống là món ăn vặt phổ biến của người Khmer, bánh được xem như một món ăn sáng vội của người dân lao động.
Bánh Ống - Ảnh: CT
Bánh được làm từ bột gạo và nước cốt dừa, nhiều người còn cho thêm lá dứa để bánh có màu xanh đẹp mắt và mùi thơm. Sau khi gạo được xay nhuyễn sẽ được trộn chung cùng nước cốt dừa. Bí quyết khi trộn bột là tỉ lệ bột và nước cốt dừa sao cho khi hấp xong bánh tơi xốp như mạc cưa. Một số người sẽ cho đường vào trộn chung ở giai đoạn này, người khác lại thích rắc muối đường và đậu phộng lên bánh sau khi bánh đã chín.
Nồi và khuôn hấp bánh Ống - Ảnh: CT
Bột bánh được hấp cách thủy trong một ống hình trụ có thể là ống kim loại hoặc ống tre. Ở giữa có một que dài để lấy bánh ra khi bánh chín.
3. Bánh gừng.
Bánh Gừng là loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ, được làm vào dịp lễ tết cổ truyền của đồng bào Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta,... hay đám hỏi, đám cưới. Bánh được trưng trên bàn thờ tổ tiên, với ý nghĩa nhớ đến sự cực khổ của ông bà ngày xưa đã làm ra hạt lúa, hạt nếp cho con cháu ngày nay.
Bánh Gừng - Ảnh: Sưu tầm
Bánh gừng được làm từ trứng gà, bột nếp và đường. Bột nếp được trộn chung cùng trứng gà đã được đánh dậy sau đó nắn bột thành hình củ gừng và chiên trong chảo dầu nóng, sau khi chiên vàng bánh được nhúng vào nước đường trắng và để ráo. Người thợ làm bánh khéo léo chiên bánh bằng nồi chứ không phải bằng chảo, vì khi chiên bằng nồi bánh sẽ trơn bóng và không bị cong. Bánh có vị giòn tan và béo của trứng và vị ngọt của đường.
Ảnh: Sưu tầm
Nguồn: Công Tràng