Bánh bột lọc, bánh lá mơ, bánh khọt... là những bánh truyền thống, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người con miền Tây Nam Bộ.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh tằm khoai mì là đặc sản quen thuộc với người miền Tây. Bánh hơi dai, có vị bùi thơm của khoai mì (củ sắn) và dừa nạo, kết hợp cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa và thơm của mè rang, tạo nên một món ăn khiến ai ăn thử một lần đều khó mà quên được.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh cuốn ngọt hay còn gọi là bánh ướt có thể xem là đặc sản Bến Tre. Bánh ướt ngọt thực chất là bánh tráng dừa khi mới tráng xong, chưa đem phơi, còn ướt, cuốn thêm ít nhân đậu xanh, dừa bào để cho ra món ăn chơi thú vị.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh tét lá cẩm đặc sản của Cần Thơ thuộc top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam và là một trong các món ăn dân dã đã được Martin Yan chọn để quay chương trình thực tế "Taste of Vietnam".
Ảnh: Sưu tầm
Bánh lá mơ là đặc sản của vùng sông nước miền Tây, bánh được làm từ bột gạo, lá mơ và nước cốt dừa. Bánh lá mơ có vị ngọt bùi, dẻo mịn của bột gạo, chấm với nước cốt dừa.
Ảnh: Sưu tầm
Bánh hỏi là món ăn phổ biến ở khắp các tỉnh miền Nam và miền Trung. Bánh được làm từ gạo thơm vo kỹ, ngâm nước một đêm, trải qua nhiều công đoạn rồi hấp chín. Bánh được dùng để ăn thay cơm ngay cả trong khi cưới hỏi, cúng giỗ, lễ lạt...
Ảnh: Sưu tầm
Bánh “ka-tom”, còn gọi bánh “kà-tum”, tiếng Khmer có nghĩa là gói kín trong lá thốt nốt. Đây là loại bánh chỉ hiện diện trong những dịp lễ hội lớn, ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, Ok-Om-Bok, Dolta…
Ảnh: Sưu tầm
Bánh cúng là một món ăn dân dã cùng với bánh cấp của người dân Nam Bộ, nhất là người miền Tây. Bánh được làm từ bột gạo (gạo nguyên hạt đem xay nước), pha với nước cốt dừa, đường, nước cốt lá dứa. Bánh có vị dai, béo, ngọt, mặn vừa miệng, ăn không ngán và nhất là màu sắc phải bắt mắt, mùi vị hấp dẫn.
Nguồn: http://news.zing.vn