Thơm ngon bánh bò thốt nốt
     
Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang) được người dân sử dụng và chế biến thành nhiều món ăn, trong đó có bánh bò thốt nốt. Bánh bò thốt nốt không chỉ là món dân dã hấp dẫn du khách gần xa, mà còn là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc trưng của người dân vùng đất nơi đây.
 
 
Thốt nốt là loài thực vật thuộc họ Cau, cây thân thẳng, tuổi thọ có thể trên 100 năm và có thể vươn cao 30m. Cây có 1 vòm lá rộng 3m theo chiều ngang. Thân cây to, trông giống thân cây dừa, được bao quanh bởi các sẹo lá. Cụm hoa là những bông mo. Thốt nốt cái cho từ 50-60 trái/cây, thốt nốt đực không có trái. Thốt nốt có khả năng chịu khô hạn, ngập nước, ưa sáng nhưng không chịu rét. Thốt nốt non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Cây thốt nốt cho cuộc sống con người nhiều sản vật. Nước thốt nốt tươi được dùng như một loại nước giải khát hấp dẫn. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, to tròn cỡ quả dừa xiêm, vỏ màu tím sậm, bên trong có cơm dày màu trắng, mềm dẻo giống như cơm dừa nước, nhưng thơm ngon, có vị ngọt, bùi. Cây thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng mọi người với những món ăn dân dã như: cơm thốt nốt, nước thốt nốt, bánh lá thốt nốt, đường thốt nốt, chè thốt nốt…
 
Theo người dân vùng Bảy Núi, cách làm bánh bò thốt nốt không đơn giản mà phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Từ khâu xay, trộn bột, mài trái thốt nốt, ủ bột lên men cho đến hấp bánh. Phải là người quen tay và biết công thức làm thì mới cho ra món bánh bò ngon có màu vàng tự nhiên, mùi thơm lừng cộng vị ngọt của đường thốt nốt.
 
Chị Nguyễn Thị My (ngụ Tịnh Biên), người làm bánh bò thốt nốt cho biết, để làm nên bánh bò thốt nốt ngon thì cần các nguyên liệu chính, như: bột gạo, đường thốt nốt, bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn và phải tuân thủ theo đúng quy trình làm bánh. Đầu tiên, gạo ngon đem ngâm nước khoảng 5 tiếng cho mềm, sau đó đem gạo đã ngâm xay mịn và cho vào túi vải. Dùng vật nặng đè lên để bột gạo ráo nước. “Trái thốt nốt được chọn là trái già chín, lột vỏ, chẻ đôi rồi mài trái thốt nốt gạn lấy bột. Đây là thành phần quan trọng để làm nên màu vàng và mùi thơm đặc trưng của bánh bò thốt nốt…” - chị My chia sẻ.
 
 
Điểm đặc biệt ở bánh bò thốt nốt là thông thường các loại bánh bò đều làm bằng đường cát trắng hoặc cát vàng. Riêng bánh bò thốt nốt, một loại bánh làm bằng bột gạo nhưng dùng hoàn toàn bằng đường thốt nốt nên mùi vị đặc trưng, thơm ngon quyến rũ vì đường thốt nốt có vị ngọt thanh, beo béo, không ngán. Tùy thuộc vào khẩu vị của từng nơi và người làm bánh, nếu thích bánh bò thốt nốt béo một chút có thể thêm dừa nạo hoặc nước cốt dừa vào bột. Thêm một ít nước theo tỷ lệ vừa đủ và trộn đều hỗn hợp các thành phần nguyên liệu lại với nhau. Sau đó, ủ bột ở nhiệt độ khoảng 60C, thời gian ủ kéo dài từ 2-3 tiếng. Trung bình 1 kg bột và 1kg đường thốt nốt có thể làm được khoảng 40 cái bánh bò thành phẩm. Khi bột lên men, dùng vá đổ bột vào khuôn hoặc sử dụng lá chuối cắt miếng to khoảng bằng bàn tay. Chập 2 góc lá lại với nhau rồi đổ bột vào. Gấp 2 góc lá còn lại để cố định miếng bánh. Sau đó cho vào xửng hấp khoảng 20 phút, lúc xửng bánh bò tỏa mùi thơm ngào ngạt, bột bánh bò nở xốp, có màu vàng đặc trưng của đường thốt nốt, bánh đã chín. Nếu thích, người làm bánh có thể rắc thêm ít dừa nạo thành sợi nhuyễn lên trên mặt bánh bò thốt nốt để trang trí thêm hấp dẫn.
 
Chiếc bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm đặc trưng của đường thốt nốt, bánh nở mềm, xốp trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của bột được mài từ trái thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được, khiến ai đã từng thưởng thức một lần không bao giờ quên được hương vị chỉ có ở vùng đất quê hương Bảy Núi.
 
Nguồn: Báo An Giang
TIN LIÊN QUAN