Bánh miền Tây
     
(TBKTSG) - Tại buổi giao lưu ra mắt cuốn Hương vị bánh miền Tây (*) ở Cần Thơ, người chủ biên cuốn sách, anh Đoàn Hữu Đức, thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club, cho biết đây là chuyện kể về hàng trăm loại bánh ở miền Tây Nam bộ gắn với tinh hoa ẩm thực của cộng đồng người Việt - Hoa - Khmer - Chăm từ mấy trăm năm trước, thuở cha ông ta đi mở cõi phương Nam.
 
 
Nhóm tác giả đã dành hơn một phần ba tập sách ở phần sau, biên soạn hẳn một chương đề tên là “Các loại bánh ở miền Tây và ca dao”. Ở đây, có hơn một trăm loại bánh được giới thiệu tóm tắt về cách làm kèm những mẩu chuyện địa phương, đặc biệt đã sống đời với năm tháng qua những câu ca dao, câu hò, điệu lý.
 
Thí dụ về bánh bò: Ghe không tay sao kêu ghe vạch? Bánh không cẳng sao gọi bánh bò? Anh đà đối đặng, hãy chèo đò theo em. Với bánh bầu, có câu: Má bánh bầu xem lâu muốn chửi. Mặt chữ điền trăm rưỡi muốn mua. Bánh canh: Bánh canh con vắn con dài. Lòng thương cha mẹ không nài công lao. Hay là: Vắt vai chạy ngay vô chợ. Kiếm ba đồng tiền trả nợ bánh canh. Với bánh giá chợ Giồng ở Tiền Giang thì có câu: Từ khi em gái lấy chồng. Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai? Còn bánh tét miền Tây lại gắn với câu đố này: Bánh gì trong trắng ngoài xanh. Trồng đậu trồng hành mà thả heo vô?
 
Bánh hỏi ở miền Tây, được cho là “tương truyền có ở miền Nam từ xưa; khởi thủy gọi là bánh xổi, hấp nóng vừa thổi vừa ăn, lâu ngày đọc trại thành bánh hỏi” thì gắn với câu ca dao: Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi. Qua thương nàng mòn mỏi mấy năm. Hoặc là: Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ. Em thương người có mẹ không cha. Bánh xèo bánh đúc bánh hoa. Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn. Riêng ở Sóc Trăng, “ăn bánh hỏi cuộn tôm sang chảnh hơn gỏi cuốn, bì cuốn, vì chẳng cần cái bánh tráng để giữ mấy miếng thịt hay tép lụn vụn rớt ra ngoài”, cho nên có câu: Ai về thẳng tới Năm Căn. Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu. Mắm nêm chuối chát khế rau. Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên.
 
Hay như với bánh tằm ngọt khoai mì ở Cần Thơ, có câu rằng: Bánh tằm se cọng dài cọng vắn. Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong. Còn bánh phồng thì gắn với câu chuyện này: Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng. Cảm thông đôi má ửng hồng. Hẹn em ghé chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm.
 
Nhóm tác giả cuốn sách này gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, doanh nhân ở miền Tây và TPHCM mê ẩm thực phương Nam như Phù Sa Lộc, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Tuyết, Trần Hữu Hiệp, Hoàng Lan, Vũ Thống Nhất, Huỳnh Biển, Phương Lam, Khánh Tùng, Trần Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Ngữ Yên, Nguyễn Đình Bổn, Kiến Tri, Trần Anh Phú, Linh Trang, Đoàn Hữu Đức.
 
Ngoài phần biên khảo trên, họ dành phần lớn tập sách viết riêng về một số loại bánh nổi tiếng của miền Tây; đó là những câu chuyện đầy hương vị của tuổi thơ, quê nhà và tâm tưởng kèm theo những hình ảnh minh họa rạo rực lòng người. Thí dụ một đoạn sau trong bài “Bánh tét miền Tây mắt, miệng, mũi đều thấy ngon” của Ngữ Yên: “Bánh tét nhỏ đòn này tuổi thơ của nhiều người như tôi mấy ai không có. Trong lúc gói bánh còn thừa chút đỉnh nếp, má mới gói một đòn bánh tét nhỏ cho đứa con phụ làm bánh từ đầu cuộc tới giờ. Đứa con vì vậy mà liên tục đi rửa mặt cho tỉnh ngủ, ngáp ngắn ngáp dài, ngồi canh thức nồi bánh cùng với má. Chỉ là sự nôn nao chờ đợi bánh riêng của mình được vớt ra. Bánh nhỏ, chín sớm, được vớt ra trước. Và thế là đem ngâm vào thau nước cho nền, yên tâm đi ngủ”. 
 
Huỳnh Kim
TIN LIÊN QUAN