Tôi đã đi chợ nổi ở nhiều nước trên thế giới, nhưng chẳng thấy đâu đậm cái chất “văn hóa thương hồ” như chợ nổi Cái Răng. Ở Thái chỉ là những con rạch nhân tạo bằng xi măng phục vụ du lịch, nên chẳng có hồn. Còn chợ Ấn Độ thì không bày bán nhiều sản phẩm, mà chủ yếu là rau củ quả…
Nhưng cách làm du lịch của nước bạn thì có phần chuyên nghiệp hơn. Họ chỉ coi chợ nổi là cái cớ để thu hút du khách,
còn những sản vật văn hóa trên bờ mới là lý do để giữ những vị khách này ở lại và trở lại trong những lần sau.
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng – Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn”
“Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Tôi nhớ có một nhà văn từng cảm thán hào sảng về sự đầm ấm trong sinh hoạt ở miền Tây sông nước rằng: Ở đó, người Tây Tạng rửa chân, người Trung Hoa giặt lụa, người Lào đua thuyền, người Campuchia bắt cá và sau hết là người Việt Nam hưởng trọn một vùng đất phì nhiêu trồng lúa, làm vườn.
Nói như vậy để thấy thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Cần Thơ nói riêng và dải đất miền Tây Nam Bộ nói chung một hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt và một vùng khí hậu điều hòa, sản vật, đất đai màu mỡ, hội tụ đầy đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho phát triển kinh tế – du lịch – văn hóa toàn diện.
Chợ nổi Cái Răng có từ bao giờ chẳng ai nhớ, nhưng khi đường bộ chưa đóng vai trò giao thông quan trọng thì đò giang sông nước luôn là nhịp cầu nối liền các miền ngược xuôi, nối liền nguồn và biển. Ban đầu, những chiếc tàu, ghe, xuồng chỉ làm nhiệm vụ chở hàng hóa đi khắp các con sông, con rạch để mua bán, trao đổi. Dần dần, người ta mới nghĩ ra cách họp chợ ngay trên dòng sông.
Trục đường thủy sông Cần Thơ – kênh xáng Xà No rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận, nên được chọn là nơi hội họp của khu chợ nổi đầu tiên, gọi là Cái Răng. Mỗi ngày, chợ thu hút khoảng 300-400 ghe tàu, thuyền buôn bán và kinh doanh hàng hóa.
Với số lượng tàu thuyền như vậy, dần dần Cái Răng trở thành chợ đầu mối lớn nhất của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi trao đổi hàng hóa với nhiều nước lân cận, đồng thời cũng là biểu tượng du lịch đầy hấp dẫn của Cần Thơ. Đặc biệt, sau khi thông tin TP.Cần Thơ được trang Mysteriousworld đánh giá là một trong những nơi có kênh đào đẹp nhất thế giới, càng kích thích sự tò mò của du khách bốn phương tìm về.
Đúng 5h sáng, chiếc thuyền du lịch có sức chứa khoảng 10 người bắt đầu đưa chúng tôi rời bến Ninh Kiều để khám phá chợ nổi Cái Răng. Chợ ở đây họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là khoảng 5-8h sáng.
Có thuyền bán sỉ, thuyền bán lẻ, nhưng cả màu sắc và âm thanh chợ nổi thì ăn đứt trên bờ. Số lượng ghe thuyền đi họp chợ đông đến nỗi choán hết cả một khúc sông rộng lớn. Thuyền bè đi lại trên sông đông đúc như mắc cửi, nhưng không hề ùn tắc hay va quệt vào nhau.
Những ghe bán hàng thường neo đậu một chỗ để dành khoảng trống ở giữa cho các ghe khác đi lại và khách tham quan mua sắm. Đặc biệt, lái thuyền chủ yếu là phụ nữ với những trang phục truyền thống miền Tây như nón lá, áo bà ba….và thường hay xấu hổ khi gặp khách du lịch.
Chợ nổi tấp nập ghe thuyền buôn bán
“Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng – Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ”.
Tôi khoái nhất đi chợ nổi trước hết là để ngắm nhìn đủ thứ trái cây, hương vị và màu sắc của miệt vườn. Mỗi chiếc thuyền vừa là một gian hàng, một ngôi nhà, một gia đình; vừa là một đời sống phiêu bạt phóng khoáng.
Mua bán ở đây không sợ nạn nói thách hay mua lầm như ở trên phố. Nông sản bày bán thì đa dạng, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn, trái chanh, trái ớt…, cũng có khi là đồ ăn, thức uống, rồi những vật phẩm thiết yếu cho sinh hoạt như đồ tạp hóa, sim điện thoại, kim chỉ, kể cả xăng dầu.
Mỗi thuyền bè đều có một cây bẹo, bán gì người ta treo lên đó để khách biết đến mua. Những cây bẹo vui mắt treo lủng lẳng đủ loại rau củ quả đầy sắc màu càng làm khu chợ vốn đã rất tưng bừng nhộn nhịp, càng tươi mới hơn.
Còn thuyền nào bán ít thì cứ bày ra rổ để trên mũi thuyền. Khách muốn mua gì chỉ cần giờ tay làm dấu là ngay lập tức xuất hiện những con xuồng mang thức ăn, nước uống đến phục vụ rất nhanh chóng và an toàn. Tôi hào hứng mua đủ mọi hoa quả: 50.000 đồng 3 cân xoài cát thơm ngon, 15.000 đồng 1 trái dừa no căng bụng, 20.000 đồng 1 tô hủ tiếu đúng vị miền Tây, rồi 80.000 đồng 1 quả bưởi da xanh đặc sản…
Chợ nổi Cái Răng có phương thức cân – đo – đếm rất riêng và mang tính cách phóng khoáng miền Nam. Có nhiều cách đo lường như: giạ, kilo, lít, lon, rổ…, tùy theo mặt hàng và thỏa thuận hai bên. Một chục ở chợ nổi chưa chắc đã là mười, mà có thể là 12, 14, 16 tùy theo vùng và sản phẩm. Cuộc giao thương diễn ra nhanh chóng và không đi vào tiểu tiết như ở đất liền.
Đi chợ nổi cũng là cơ hội để tôi thưởng thức nhiều món ăn dân dã miền Tây ngon và lạ miệng: bánh canh ngọt, bánh xèo quê, hủ tiếu vườn…và cả cà phê sữa đá.
Đến đây, tôi cũng muốn gặp dì hai – người phụ nữ được mệnh danh là “nữ hoàng nước dùng” của vùng sông nước,
mà vị đầu bếp lừng danh Gordon Ramsay đã từng hết lời khen ngợi tài nấu nướng của bà.
Ngoài việc được tìm hiểu hoạt động buôn bán trên sông vốn là nét đẹp văn hóa miền Tây, du khách đến chơi chợ nổi còn có thể khám phá thêm nhiều phong tục, lối sống độc đáo của con người nơi này. Việc đi lại và buôn bán bằng đường thủy đã giúp người dân dễ dàng hòa nhập cộng đồng, tạo nên một không gian sống trên bến dưới thuyền khá huyên náo, sinh động và đầy sức sống.
Nhiều ghe như vậy hình thành nên một “xã hội” rất đặc trưng, nhưng không hề tồn tại trên giấy tờ, hộ tịch, cũng chẳng có giới hạn hành chính nào cụ thể. Đây cũng là nét đặc sắc tạo nên tính cách phóng khoáng và cởi mở của người dân vùng sông nước miền Tây.
Để chợ nổi mãi “nổi”
Kết thúc phiên chợ với nhiều “chiến lợi phẩm” mua được, thuyền chúng tôi neo vào khu vườn trái cây của người địa phương để tham quan và thưởng thức một khúc đờn ca tài tử. Giữa không gian miệt vườn mát mẻ và tĩnh mịch, một điệu hò man mác ngân lên quyện vào âm thanh réo rắt của cây đàn cò: “Hoa mua ai bán mà mua; mẹ không ngã giá cho vừa lòng con…”. Điệu hát ngọt ngào càng trở nên gần gũi và tha thiết khi người biểu diễn cũng là những người dân lao động giản dị.
—-***—
300 năm đã trôi qua, nhưng những bước chân phát triển trên vùng đất trẻ Cần Thơ vẫn không hề chững lại. Dòng chảy của thời gian, dòng chảy của những con sông như vẫn miệt mài kết nối quá khứ với hiện tại để cùng nhau chảy mãi về phía tương lai.
Từ khi giao thông đường bộ phát triển, cuộc sống người dân bớt phụ thuộc vào sông nước, thì nhiều bến sông gắn với đời chợ giờ đã “vắng người sang những chuyến đò”. Dường như chỉ còn dân thương hồ đường xa vẫn trung thành bám trụ với chợ nổi. Có điều, cuộc sống của họ đang dần khó khăn hơn.
Vì vậy, việc tiếp tục duy trì và phát triển những sản phẩm du lịch đậm chất miền Tây như hiện nay sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho TP.Cần Thơ. Cần phải làm sao đó để chợ nổi mãi “nổi” mà không “chìm”.
http://tinmientay.net