Chiến dịch cải thiện hình ảnh du lịch Việt

Những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2010-2015, số khách sạn và số phòng nghỉ cao cấp từ 3 đến 5 sao đã tăng gấp đôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Bên cạnh nhiều cơ sở lưu trú tốt, vẫn còn những nơi bộc lộ hạn chế, không kiểm soát, duy trì được chất lượng dịch vụ, không bảo đảm dịch vụ theo quyết định hạng sao trao cho họ. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến uy tín của bản thân doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng tới cả các cơ sở lưu trú đồng hạng và quan trọng hơn là ảnh hưởng tới hình ảnh chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam.

 

Thực ra vấn đề kiểm tra chất lượng các cơ sở lưu trú không phải bây giờ mới được đặt ra. Hằng năm, thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở địa phương vẫn có những đoàn kiểm tra chuyên môn để tái thẩm định những cơ sở lưu trú không đạt chuẩn sao đã được công nhận để yêu cầu sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện… Tuy nhiên, hoạt động lần này đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Chiến dịch nhằm tạo ra cú hích, làm thay đổi cả hệ thống cơ sở lưu trú. Cùng với hoạt động này có nhiều hoạt động khác để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nó cũng là một phần trong cả chương trình lớn để nâng cao hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch Việt. Việc cần làm trước hết là thay đổi nhận thức chủ đầu tư, nhà quản lý, các doanh nghiệp để khách du lịch yên tâm hoàn toàn, tạo chuyển biến thực sự để thay đổi chất lượng các cơ sở lưu trú”.

 

Triển khai chiến dịch, ngành du lịch tập trung vào những địa bàn trọng điểm, mà trước hết là các phân khúc cao cấp từ 3 đến 5 sao. Đặc biệt qua khảo sát và nắm thông tin, nhóm đối tượng cần chấn chỉnh là các cơ sở lưu trú đang có vấn đề. Tổng cục Du lịch tiến hành kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Hà Tĩnh và đã thu hồi quyết định công nhận hạng sao với một số khách sạn do không duy trì chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực không đáp ứng… không bảo đảm vệ sinh; 18 khách sạn bị khuyến cáo yêu cầu chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp chất lượng để hoàn thiện trong thời hạn 3 tháng, nếu không thực hiện thì thu hồi quyết định công nhận hạng sao và nhắc nhở tại chỗ một số khách sạn. Được biết, hoạt động này vẫn tiếp tục triển khai ở những địa bàn trọng điểm còn lại để bảo đảm toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú được rà soát, kiểm tra.

Nhân viên Mai Châu Villas tạo ấn tượng tốt khi có các chương trình giao lưu với du khách. Ảnh: Hoàng Hà

 

Mạnh tay chấn chỉnh chất lượng cơ sở lưu trú

Phải nói rằng, mục tiêu quan trọng và khó nhất của chiến dịch là tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, (trước hết là tại các cơ sở lưu trú) bước đầu đã có kết quả tích cực. Nhiều khách sạn nhận thức được việc duy trì chất lượng đúng hạng sao đã được công nhận là trách nhiệm để duy trì thương hiệu, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho khách du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Việc kiên quyết thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với những trường hợp không bảo đảm theo quy định đã tạo sự răn đe nhất định đối với các cơ sở lưu trú. Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, kể với chúng tôi về việc có những khách sạn năn nỉ xin thời gian cải thiện từ 6 đến 9 tháng, nhưng yêu cầu phải thay đổi trong vòng 3 tháng vẫn được giữ nguyên. Qua các chuyến kiểm tra, ông nhận định: “Nhận thức của chủ đầu tư, người quản lý các cơ sở lưu trú đã có sự thay đổi rất lớn. Một số cơ sở lưu trú chủ động thay đổi chất lượng bằng hành động cụ thể như đầu tư về chất lượng dịch vụ, nhờ tư vấn chuyên môn… Sau khi nghe thông tin từ phương tiện truyền thông, khi đoàn đến quán triệt tại các địa phương, doanh nghiệp tham dự rất đầy đủ và đặt những câu hỏi thiết thực. Một số khách sạn ở Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế còn xin được kiểm tra, xin được đích thân chủ khách sạn giới thiệu… Những khách sạn như vậy cho rằng, đây chính là cơ hội quảng bá cho khách sạn của mình. Những cơ sở lưu trú 4-5 sao tốt như Angsana Lăng Cô, Indochine Palace (Thừa Thiên-Huế) hay Đà Lạt Edensee, Terracotta (Đà Lạt)… Tuy nhiên, chúng tôi thường chú ý tìm những khách sạn kém để kiểm tra”.

 

Bên cạnh cộng đồng doanh nghiệp, tại các địa phương, các sở quản lý Nhà nước về du lịch cũng có nhiều thay đổi về nhận thức. Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch đã làm khá tốt. Các cơ sở lưu trú được công nhận hạng sao nhưng sau 3-4 năm đã xuống cấp, cần sự rà soát để chấn chỉnh. Từ khi có chủ trương của ngành, thậm chí từ khi chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, An Giang đã chủ động chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú tại địa phương. Du khách vào khách sạn được gắn sao không đúng không khác gì học sinh ngồi nhầm lớp. Chúng tôi coi đó là việc làm chính đáng để phục vụ du khách. An Giang đã rà soát xong các cơ sở lưu trú địa phương. Nếu Tổng cục Du lịch kiểm tra lại, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện”.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: “Đây sẽ là công việc thường xuyên của ngành du lịch. Những khách sạn chúng tôi đã nhắc nhở sẽ bị kiểm tra lại, các khách sạn bị thu hồi hạng sao mà cầu thị và cải thiện chất lượng thì chúng tôi sẽ xem xét tái công nhận cho họ. Theo tôi, các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch phải nhận thức được đây là một cơ hội để nhìn lại chính mình nhằm nâng cao chất lượng. Từ chất lượng mới tạo ra uy tín. Và chỉ có từ uy tín, chất lượng mới có thể xây dựng và khẳng định thương hiệu”.