Các điểm “Điểm du lịch ĐBSCL” tại Cần Thơ tiếp tục phát triển
     
Đoàn khảo sát và thẩm định lại “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, do ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, làm trưởng đoàn vừa đến các điểm như chợ nổi Cái Răng, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Đây là những nơi đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL 2014”. Các điểm còn lại: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy, Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Cần Thơ đề nghị xét bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL 2017”.
 
Chợ nổi Cái Răng.
 
Tại chợ nổi Cái Răng, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Du lịch quận Cái Răng, cho biết kể từ năm 2014 chợ nổi Cái Răng được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2014” lượt khách tham quan chợ nổi Cái Răng đã tăng mạnh (năm 2014 là 237.000 lượt, năm 2015 là 502.000 lượt, năm 2016 là 512.000 lượt).
 
Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong 3 năm qua, quận Cái Răng đã giải ngân được 5,1 tỉ đồng từ nguồn vốn phát triển du lịch cho tiểu thương buôn bán trên chợ nổi Cái Răng. Từ năm 2016, quận Cái Răng đã tổ chức Ngày hội văn hóa chợ nổi Cái Răng hằng năm, tạo không khí nhộn nhịp và tạo điểm nhấn du thu hút khách du lịch.
 
Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao quận Cái Răng, cho biết: Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng đang được triển khai, dự án Trạm dừng chân đã và đang xúc tiến đầu tư…
 
Theo kế hoạch sẽ đầu tư Trạm dừng chân 5.000m2 tại nhà kho của Nông trường sông Hậu, bên bờ chợ nổi Cái Răng. Hiện nay, đã chi trả bồi hoàn xong 8,5 tỉ đồng và đang kêu gọi đầu tư bằng phương thức xã hội hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư Trạm dừng chân khoảng 15 tỉ đồng, gồm các hạng mục công trình như nhà dừng chân, ăn uống, quà tặng và đài quan sát để du khách ngắm toàn chợ nổi Cái Răng bình minh…
 
Làng du lịch Mỹ Khánh-Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, đã 2 lần được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”, hiện có diện tích 20ha và đang đầu tư mở rộng thêm 25ha, có nhiều dịch vụ tham quan vườn trái cây, nhà cổ Nam bộ, làng nghề truyền thống, cá cảnh, cá sấu, đua heo, đua chó, chương trình bữa cơm điền chủ, một ngày làm điền chủ, làm nông dân… và dịch vụ lưu trú nhà nghỉ, bungalow, homestay…, là một trong những điểm du lịch thu hút khách đông nhất của TP Cần Thơ. Hằng năm, nơi đây đón hàng trăm ngàn lượt du khách tham quan vui chơi giải trí, bình quân hằng năm lượt khách tăng 10%...
 
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng Làng du lịch Mỹ Khánh, từ khi được bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” có nhiều đầu tư phát triển dịch vụ, chất lượng các dịch vụ và lượng khách tham quan được giữ vững và phát triển.
 
Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu (ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), với 5ha trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, măng cụt…, có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí như tham quan vườn trái cây, ẩm thực, chèo ghe, tát mương, hái ấu, đờn ca tài tử… Tuy mới hoạt động được hơn 2 năm nhưng mỗi năm Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu đón hơn 50.000 lượt du khách đến tham quan vui chơi, giải trí. Đây hiện là một trong những điểm đến thu hút khách của huyện Phong Điền. Đại diện Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu cho biết sắp tới sẽ đầu tư thêm nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí và dịch vụ lưu trú homestay để cho khách tham quan nghỉ lại vườn cây ăn trái.
 
Trong chuyến khảo sát thẩm định lại lần này, có 2 điểm du lịch văn hóa, tâm linh là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu di tích lịch sử lộ Vòng Cung, có tổng diện tích 38ha. Ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý-Trần; lầu chuông, lầu trống được xây dựng theo chuông Chùa Keo-Thái Bình. Các hạng mục đều làm bằng 1.000m3 gỗ lim được nhập khẩu từ Nam Phi. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng, nặng 3,5 tấn; đại hồng chung nặng 1,5 tấn; tượng Bồ tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm…
 
Tổng đầu tư xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam khoảng 145 tỉ đồng. Từ khi được khánh thành (ngày 17-5-2014) và được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” đã được các Phật tử và du khách đến đây ngày càng đông để viếng cảnh, lễ Phật… Thượng tọa Thích Bình Tâm, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, cho biết số lượng Phật tử và du khách đến Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam trong những năm qua so với năm 2014 tăng khoảng 66%.
 
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy, là một công trình kiến trúc độc độc đáo được xây dựng từ 1844 và hoàn thành 1852. Đình Bình Thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 1570-VH/QĐ, cấp ngày 05/9/1989).
 
Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đình còn giữ được những mảng chạm, những họa tiết trang trí gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung.
 
Hằng năm nơi đây có 2 kỳ lễ hội lớn là Kỳ yên Thượng Điền và Hạ Điền, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang và dâng những thành quả lao động đã đạt được trong năm… Đây là những dịp du khách và dân địa phương đến tham quan lễ hội, các trò chơi dân gian và thưởng thức các loại bánh dân gian của các nghệ nhân của quận Bình Thủy. Mỗi năm nơi đây đón hơn 50.000 lượt du khách và người dân quận Bình Thủy.
 
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Trưởng đoàn khảo sát thẩm định lại các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” tại Cần Thơ, cho rằng các điểm như Chợ nổi Cái Răng chất lượng được giữ vững và có chiều hướng phát triển tốt hơn; Làng du lịch Mỹ Khánh có nhiều phát triển dịch vụ và du khách đến ngày càng tăng; Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu thuộc loại hình du lịch sinh thái, một trong những điểm đến của huyện Phong Điền, triển vọng nhiều hứa hẹn; Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy là những điểm du lịch văn hóa, tâm linh độc đáo của TP Cần Thơ và ĐBSCL.
 
Theo ông Lê Thanh Phong thì các điểm du lịch đã được bình chọn trước đây có nhiều phát triển, còn những điểm mới cơ bản đạt các tiêu chí “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Đoàn sẽ báo cáo và đề nghị Hội đồng bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” sẽ tái công nhận và công nhận là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2017” cho các điểm du lịch TP Cần Thơ.
 
Bài, ảnh: Huỳnh Biển - http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN