Nghề hướng dẫn viên du lịch
     
Du lịch- ngành công nghiệp không khói, hiện được xem là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang là “nghề hot”. Tuy nhiên, để trở thành “linh hồn” của tour du lịch là chuyện không đơn giản…
 
 
Trang bị kiến thức toàn diện
 
Trong mỗi tour du lịch, HDV là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chuyến đi. Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ hiện là nơi đào tạo thường xuyên về nghề HDV du lịch. Theo Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, nhà trường tuyển sinh nghề HDV theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm số học bạ THPT, THCS. Đối với hệ cao đẳng, đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; hệ trung cấp là đối tượng tốt nghiệp THCS trở lên. Hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 35 chỉ tiêu cho bậc cao đẳng; 25 chỉ tiêu cho bậc trung cấp.
 
Quá trình đào tạo, sinh viên (SV) được trang bị kiến thức chuyên sâu về nghề hướng dẫn như: đặc điểm, giá trị các tài nguyên và tuyến điểm du lịch; hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ du lịch liên quan; quy trình tổ chức thực hiện chương trình du lịch; kiến thức về thuyết minh, hướng dẫn đối tượng tham quan; quy trình xử lý các tình huống phát sinh quá trình thực hiện chương trình du lịch. Đồng thời, nhà trường còn cung cấp những kiến thức cần thiết cho nghiệp vụ hướng dẫn: tâm lý khách du lịch; kỹ năng giao tiếp; hệ thống di tích và danh thắng Việt Nam, văn hóa Việt Nam, địa lý du lịch Việt Nam... và các kiến thức bổ trợ: nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ thanh toán, văn hóa ẩm thực, nghiệp vụ lưu trú, môi trường và an ninh - an toàn trong du lịch...
 
Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan đánh giá về cơ hội việc làm của ngành HDV: “Sau khi học xong, SV có các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể đảm đương các vị trí: HDV điểm tham quan, HDV địa phương, HDV toàn tuyến, HDV dưới các hình thức du lịch khác (đối với khách du lịch Việt Nam và quốc tế), có cơ hội trở thành trưởng nhóm HDV, quản lý nghiệp vụ hướng dẫn của các công ty du lịch và các vị trí khác trong tương lai..., tùy khả năng cá nhân và yêu cầu công việc. Hiện SV ra trường có việc làm tại các công ty du lịch tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Hoặc quá trình thực tập, SV tham gia làm cộng tác viên cho các công ty du lịch”.
 
Nhiều áp lực
 
HDV du lịch là nghề đặc thù, nhiều áp lực. Không phải ai cũng có thể làm nghề và gắn bó với nghề bởi công việc HDV du lịch đòi hỏi nhiều yêu cầu: sức khỏe, kiến thức về địa lý, văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ và khả năng ứng biến để xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ.
 
Bạn Nguyễn Thị Phương Nga, tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, Trường Đại học Cửu Long, nhiều năm công tác ngành du lịch, chia sẻ: “Nghề HDV du lịch đòi hỏi người làm nghề thường xuyên cập nhật thông tin về tuyến điểm, cung đường, tin tức thời sự… Nghề có rất nhiều áp lực, chẳng hạn như: gặp khách hàng khó tính; tài xế không thông thạo đường và áp lực khi là người đại diện công ty gặp và chăm sóc khách hàng suốt tour”. Theo Phương Nga, nghề tạo cơ hội đi đó đi đây nhưng trong khi khách du lịch thoải mái ngắm cảnh, vui chơi, thì HDV không ngừng vận động, di chuyển để quản lý khách hàng an toàn và truyền đạt hiểu biết về địa điểm du lịch. Tối đến, sắp xếp xong nơi ăn, ngủ cho đoàn, HDV mới được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, HDV luôn “sẵn sàng tư thế” đối phó những bất trắc có thể xảy ra.
 
Nguyễn Đức Vĩnh, cộng tác viên Công ty Saigontourist, tâm sự: “Nghề HDV du lịch đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ năng sống, linh hoạt mọi tình huống, năng động, kiến thức phong phú, chút năng khiếu ca hát, ảo thuật, quản trò, am hiểu tuyến điểm, chịu khó lắng nghe và hỗ trợ khách hàng khi tình huống xảy ra, sức chịu đựng và sức khỏe tốt. HDV phải ăn sau và kết thúc bữa ăn trước khách; khách ngủ khách sạn cao cấp còn HDV có khi phải ngủ ngoài xe với tài xế vào những mùa cao điểm, hết phòng... ”.
 
Theo đánh giá của nhiều HDV, những yêu cầu và tính chất của nghề mang tính đào thải rất cao. Hiện nay, đa phần HDV du lịch là cộng tác viên với công ty, hợp đồng tự do. Với những ai thật sự đam mê và yêu thích, nghề HDV mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Vĩnh nói: “Đối với nghề này, thu nhập 3 tháng hè có thể bằng thu nhập nghề khác 1 năm. Do đó, anh em HDV dồn sức làm mùa hè, bù lại những tháng vắng khách du lịch. Trung bình dịp hè, HDV có thu nhập từ 50-60 triệu đồng”.
 
Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, ngành du lịch Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao và còn thiếu những HDV thạo ngoại ngữ để tạo nên sự bứt phá. Trên thực tế, những ai yêu nghề HDV, sự vất vả là nguồn động lực giúp nuôi dưỡng đam mê. Môi trường làm việc càng nhiều áp lực, càng tạo điều kiện để HDV du lịch phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Qua đó, các HDV dần tích lũy thêm “vốn” nghề và kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống.
 
Bài, ảnh: HỒNG VÂN
http://baocantho.com.vn    
TIN LIÊN QUAN