Làng Long Tuyền cổ (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là địa phương đặc biệt ở ĐBSCL bởi nơi đây tập trung đến 7 Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia: Đình Bình Thủy, Chùa Nam Nhã, Chùa Hội Linh, Mộ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, Di tích An Nam Cộng Sản Đảng, Chùa Long Quang, Nhà cổ họ Dương. Miệt vườn trù phú và giàu truyền thống này còn lưu giữ nhiều câu chuyện và dấu tích thời mở đất lập làng.
Làng cổ
Làng cổ Long Tuyền được hình thành từ khá xa xưa, vị trí ở trung lưu, phía Tây, hữu ngạn sông Hậu, cách đầu nguồn sông Hậu chừng 140km đường chim bay. Nơi đây, thuở ấy còn rất hoang dã, rừng rậm, bàu lung, lau sậy ngút ngàn, hoang vắng bóng người.
Lễ rước linh vị Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: DUY KHÔI
Cách nay hơn 300 năm về trước, các cuộc chiến tranh của hai thế lực cát cứ Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 148 năm (1627-1775), đã khiến người dân vùng Ngũ Quảng tự phát di cư vào Nam lánh nạn. Cùng trong khoảng thời gian ấy và sau đó, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát động những cuộc di dân lớn, có tổ chức về phương Nam… Phía Tây sông Hậu của ĐBSCL là vùng đất được khẩn hoang sau cùng, khoảng từ đầu đến hết thế kỷ XVIII. Bước sang thế kỷ XIX vùng này cơ bản đã được khai khẩn. Làng cổ Long Tuyền cũng hình thành nên từ ấy. Cụ thể, vào năm Thiệu Trị 13 (Giáp Thìn 1844), Bình Hưng xã và Bình Phó xã nhập lại thành làng Bình Hưng, sau đó hai ấp trại Khánh Lộc và Bình Khánh cũng xin sáp nhập vào Bình Hưng. Bình Hưng là tên làng đầu tiên của Bình Thủy - Long Tuyền(*).
Tên Bình Hưng sau đổi thành Bình Thủy do sự kiện Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt khi tuần du trên sông Hậu vào mùa hè năm 1852 gặp giông bão bất thường. Đoàn thuyền ghé vào vàm sông Bình Thủy ngày nay trú ẩn. Ở đây sóng lặng, trời êm, vườn ruộng tươi tốt, nhân dân tử tế… Về sau, ông Huỳnh Mẫn Đạt tâu vua Tự Đức đặt tên cho nơi đây là thôn Bình Thủy. Tên gọi này tồn tại đến ngày nay. Tên Long Tuyền xưa bây giờ là tên gọi hành chánh của một phường thuộc quận Bình Thủy. Đình Bình Thủy vẫn còn giữ tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu.
Những truyền kỳ
Ở chợ Miễu Ông thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về “Sự tích Miếu Ông Hổ”. Thưở ấy, nơi đây là rừng rậm hoang vu, bạt ngàn, có một con cọp Rằn nổi tiếng. Tương truyền, nhiều người đã thấy cọp Rằn to như một con bò, mình vàng sọc đen mướt mượt, tướng tá uy nghi, dũng mãnh. Cọp Rằn thỉnh thoảng xuất hiện ở làng chòi của những người đi khẩn hoang. Lâu lâu, có một hai người sơ sẩy bị nó bắt đi. Người ta kiêng sợ, gọi là “Ông Hổ”.
Di tích Quốc gia Đình Bình Thủy. Ảnh: DUY KHÔI
Vào một đêm trăng sáng, trời trong và gió rừng lành lạnh; ở mom sông, đất khá cao ráo và bằng phẳng, người ta nghe có tiếng gầm rú kinh thiên động địa. Một lão nông, có người nhà bị Cọp Rằn bắt dạo nọ, ở trên cái chòi cao giữ rẫy ven rừng đã chứng kiến cảnh hỗn chiến ác liệt của hai con hổ: Con Rằn ông nhận diện được và con Trắng có sọc vàng, lần đầu tiên xuất hiện. Hai con hổ thủ thế, vờn nhau như đánh nghề võ. Khi thì con Trắng thắng thế, khi thì con Rằn phản công. Chúng cắn xé, đánh nhau bất phân thắng bại… Mặt trời lên, sương đêm còn ướt đẫm trên cành lá... Hai con cọp đã mệt đừ, mỗi con rút vào một bụi rậm dưỡng sức để chuẩn bị tái đấu, chẳng con nào chịu thua bỏ chạy. Thế rồi trận đấu lại tiếp diễn… Đến chiều, hai con cọp đuối sức, mình mẩy đầy máu me, mòn mỏi vì những vết thương và đã gục chết. Người ta chỉ dám lại gần khi thấy hai ông Hổ không còn nhúc nhích.
Hôm sau, dân làng dọn đất chôn cất hai ông Hổ tử tế. Mấy hôm sau nữa, có người nằm mộng thấy hai ông Hổ hiện về bảo: các ông ăn năn, sám hối những tội lỗi của mình đối với dân và hứa sẽ phù hộ bà con làm ăn mạnh giỏi. Người ở làng chòi bàn với nhau lập ra cái miếu nhỏ, và thỉnh thoảng đốt ít nhang khói, gọi là cầu các ông phù hộ cho dân làng. Miễu Ông Hổ có từ đó, đến bây giờ cũng không dưới hai trăm năm.
Ở ngay đầu vàm chợ Miễu Ông bây giờ vẫn còn cái miếu thờ hai ông Hổ, rộng khoảng 6 mét vuông. Ngày trước, miễu được dựng bằng cây vườn, lợp ngói âm dương. Ngày nay, miễu được xây lại bằng gạch và lợp tôn khá khang trang. Bên trong miếu, có bức tranh vẽ hai ông đang chiến đấu. Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng 5 âm lịch, một số bà con ở đây có tổ chức một lễ nhỏ để tưởng niệm và khấn vái hai ông Hổ. Người ta cầu mong hai ông phù hộ, giúp đỡ được mua may, bán đắt, bình an vô sự.
Làng cổ Long Tuyền còn có những câu chuyện xa xưa khác lưu lại trong ký ức dân gian như: “Tao đàn Bà Đồ” là nơi các tao nhân, mặc khách hội ngộ, giao lưu, ngâm vịnh văn chương, thi phú; “Chuyện ông Ba Xe” một thương nhân rất giàu có đã bỏ tiền, huy động nhân công đắp con lộ từ Bình Thủy đến Phong Điền, qua Trường Lạc dài hơn 20km. Lúc bà Ba Xe mất (1917), khách viếng ngày đêm nhộn nhịp.
Bên cạnh nhưng câu chuyện dân gian, đến làng cổ Long Tuyền, còn rất nhiều dấu tích lịch sử - văn hóa được chính quyền và nhân dân cùng lưu giữ như đã kể ở đầu bài viết này.
Đặng Hoàng Thám