Đình Tân Lộc Đông
     
Đình Tân Lộc Đông tọa lạc khu vực Tân Mỹ I, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Xa xưa, phường Tân Lộc bao gồm 2 xã Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây của huyện Thốt Nốt. Hai xã nằm trên một dải đất cù lao giữa sông Hậu, còn gọi là cù lao Cát hay “Hòn đảo ngọt”:
 
Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát
Xuồng câu tôm đậu sát mé nga (Ca dao)
 
Đôi dòng lịch sử
 
Vào khoảng năm 1783, quân Tây Sơn lần thứ hai đánh vào Gia Định, Chúa Nguyễn Ánh phải rút chạy. Trong một lần đóng quân ở Lai Vung, Đồng Tháp, Chúa Nguyễn Ánh và quân lính có dịp đi qua vùng cù lao Cát và thấy đất đai ở đây có thể khai phá, trồng trọt để đảm bảo quân lương.
 
Đình Tân Lộc Đông. Ảnh: Ngọc Anh
 
Đến năm 1787, Chúa Nguyễn Ánh đánh chiếm lại một số điểm xung yếu ở vùng Gia Định và năm 1789 chiếm được vùng này. Ông đề ra chính sách lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng và năm 1789 cho đặt nhóm Quan điền toán gồm 12 người (một số vị nổi bật là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu…) đi bốn dinh miền Nam là Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định để đốc thúc nhân dân làm nông nghiệp.
 
Từ tháng 10 năm 1790, binh lính của Chúa Nguyễn cũng được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp, khai khẩn đất hoang. Một số quân tướng của Chúa Nguyễn Ánh được chỉ định về cù lao Cát khai phá, lập ra các xóm ấp. Đó là các ông tổ của các tộc họ Cao, họ Võ, họ Nguyễn (sau họ Võ đổi thành họ Trần) đầu tiên đến khai phá đất cù lao. “Gia phả Trần gia trang” của ông Trần Bá Thế, khu vực Tân An, phường Tân Lộc ghi lại: Ông tổ 7 đời của họ Trần là ông Võ Văn Huấn - một viên quan của Chúa Nguyễn Ánh, sau đổi họ thành Trần Văn Huấn.
 
Trên cù lao Cát, các tộc họ nói trên góp công, góp của xây dựng một ngôi đình bằng tre lá đơn sơ tại cồn Thầm, sau đó dời về Nền Đồn. Sang thế kỷ XIX dân cư tụ hội về cù lao Cát khai hoang lập nghiệp ngày càng nhiều, làng Tân Lộc Đông hình thành. Đình được tu bổ thêm, lấy tên: Đình Tân Lộc Đông.
 
 Ngày 29 tháng 11, Tự Đức năm thứ 5 (1852), đình Tân Lộc Đông được Vua Tự Đức sắc phong: “Bổn Cảnh Thành Hoàng”, nội dung tạm dịch:
 
Sắc phong thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, vốn đã tặng thần (danh hiệu) Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện, đã có công giúp nước phò dân từ lâu linh ứng. Nay trẫm mang mệnh lớn, luôn nghĩ đến sự tốt đẹp của Thần, nên phong tặng Thần thật sự là “Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện”.
 
Vậy thôn Tân Lộc Đông, huyện Phong Phú chuẩn y như cũ mà phụng sự Thần và Thần cũng phải bảo vệ, che chở đám dân đen cho ta. Khâm tai.
 
Ngày 29 tháng 11, Tự Đức năm thứ 5 (1852) (Nhằm ngày 8-1-1853 dương lịch).
 
Đến năm 1919, dưới triều Vua Khải Định, đình được ông phó hương sư của làng Trần Thanh Vân cúng bái bức đại tự treo trước chính điện: “Tân Lộc Đông Xã”.
 
Sang đầu thế kỷ XX, khi dân cư đã đông đúc, nhận thấy vị trí cũ của đình chật hẹp, không phù hợp; chủ đất Trần Thị Triệu (Năm Triệu) hiến tặng 5 mẫu đất, đại diện các tộc họ trên cồn quyết định dời đình về vị trí mới.
 
Sau một thời gian vận động quyên góp, khoảng năm 1922, Ban tế tự đình làm lễ khởi công xây dựng đình bằng vật liệu kiên cố. Đến năm 1925, đình mới được khánh thành.
 
Kiến trúc đình
 
Trong suốt gần 100 năm tồn tại, đình có một số hư hỏng nhỏ, nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị kiến trúc - nghệ thuật. Đình Tân Lộc Đông được xây dựng trên diện tích 2.884m2 theo trục Bắc – Nam; bao gồm: cổng tam quan, miếu hội đồng, đàn tế hậu tắc thần nông, miếu sơn quân, võ ca, võ quy, chánh điện, nhà tiên sư, nhà khói và dãy nhà khách.
 
Ba nhà chính: võ ca, võ quy và chính điện, có kết cấu khung sườn bằng gỗ theo kiểu nhà tứ trụ hay gọi là nhà xuyên trính; hệ thống cột con, cột quân liên kết với nhau qua hệ thống kèo, xuyên, trính… kết nối với nhau bằng hệ thống chốt mộng rất tinh xảo và độ chính xác về kỹ thuật rất cao. Tường xây gạch và gỗ, nền lót gạch tàu; với hệ mái theo kiểu hình chữ Bát hay thường gọi là kiểu bát dần; chia ba tầng mái rất rõ rệt; mái lợp ngói âm dương bằng đất nung, chia cắt giữa các tầng mái đều xây vách gạch và vẽ tranh bích họa với đề tài về động thực vật rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân. Trên các gờ bó mái trang trí một số cụm tiểu tượng mang triết lý âm dương, bản sắc văn hóa của dân tộc truyền thống làm nông nghiệp.
 
Trên các mái của nhà võ ca, trung tâm là tượng Lân ở giữa, hai bên là tượng “Song Loan”, kế tiếp là tượng Nam Tào - Bắc Đẩu. Hệ mái nhà võ quy gắn hoa văn gấp khúc dạng hồi văn. Điểm nổi bật và cao nhất trên nóc chính điện là cụm tượng “Lưỡng long triều nhật” bằng gốm men xanh ngọc thuộc dòng gốm Cây Mai, Nam bộ vào đầu thế kỷ XX.
 
Võ ca được xây dựng với hai cửa ra vào ở giữa, cùng với hai cửa sổ hai bên sơn màu vàng viền đỏ. Bên trên giữa hai cửa ra vào có bức Đại tự hình cuốn thư gắn hai thanh đại đao ở hai đầu bằng bê tông cốt thép. Trên bức đại tự thể hiện đề tài tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng. Võ ca được thiết kế tường theo kiểu “thượng song hạ bản”: tường được làm bằng các song bản gỗ lấy gió từ bên ngoài thổi vào tạo sự thông thoáng, mát mẻ.
 
Nhà võ ca gồm: sàn sân khấu bằng gỗ với diện tích 40m2, cao hơn nền khoảng 1 mét, mặt chính quay về gian chính điện theo quan niệm: “sân khấu hướng về bàn thờ Thần để hát cúng phục vụ Thần, sau phục vụ dân làng”. Điểm đặc biệt của võ ca ở đình Tân Lộc Đông là hai bên sân khấu có khán đài bằng gỗ theo dạng bậc tam cấp dọc hai bên tường từ võ ca đến võ quy để dân làng dự lễ, xem hội không bị che khuất bởi người phía trước.
 
Võ quy liền võ ca và chính điện, không gian khá thông thoáng và rộng rãi. Đáng chú ý nhất là các câu đối, hoành phi. Bức hoành phi trên trần nhà có khắc chìm chữ Hán - Nôm: “Hộ Quốc Tí Dân”; Lạc khoản: “Tuế thứ Quý Dậu niên bát nguyệt thập ngũ cát đán trọng thu trung hoán / Tân Lộc Đông Xã mộc ân đệ tử chủ điền Trần Dân Hưởng bái phụng”.
 
Chính điện là nơi trang trọng nhất của đình; ngăn cách giữa võ quy và chính điện là một vách ngăn bằng gỗ có 5 cửa ra vào, trong đó 3 cửa giữa rộng hơn 2 cửa bên. Các cửa ra vào đắp nổi bốn câu đối chữ Hán - Nôm: “Miếu mạo ngưỡng nguy nga luân điện thường tân thùy vạn thế / Thần linh chiêu hách trạc yên mộ bất thế vĩnh thiên thu. Hương phổ linh nhất ngọc thụ xuân hoa thùy mậu/ Đăng minh tân tọa tường lân thái cảm đồng nghĩa”. Chính giữa có bức đại tự: Tân Lộc Đông Xã; Lạc khoản: “Hoàng triều Khải Định Vương niên Kỷ Mùi trọng đông cát tạo / Bổn xã Phó hương sư Trần Thanh Vân kính bái phụng vị”.
 
Trên vách gỗ, các nghệ nhân xưa đã chạm trổ một số hoa văn trang trí trong các ô hình vuông, hình chữ nhật: hoa sen, mai - điểu, dây lá, hình thoi…
 
Phía trong chánh điện, đầu tiên là mảng thành vọng được chạm khắc rất tinh xảo với những đề tài truyền thống quen thuộc như: tứ linh, tứ quý, cuốn thư, chim muông, hoa lá,… sơn nhũ màu vàng cùng dòng chữ Hán - Nôm màu đen trên hình cuốn thư: “Bổn Cảnh Thành Hoàng”. Hai cột gỗ hai bên treo cặp liễn hình chữ nhật bằng gỗ: “Thánh đức phu dị hải yến hà thanh tiên hậu tiến/ Thần ân hạo bái dân an vật phụ bách thiên niên”. Lạc khoản: “Long Phi Giáp Dần niên thu nguyệt cát đán/ Bổn xã hương giáo Trần Văn Thành”. Kế tiếp cặp liễn đối chữ Hán - Nôm đắp nổi bằng xi măng ở hai bên bệ thờ Thần: “Miếu mạo nguy nga địa linh châu kiệt / Thần công hạo vạn vật phụ dân khang”.
 
Trung tâm chính điện là bàn thờ Thần theo mô hình nhà có mái hình bát dần, các đầu đao được uốn cong, trên đỉnh có cặp “Lưỡng Long triều nhật”. Chính giữa bệ thờ đặt bản Thần vị và cặp liễn đối chạm chữ Hán - Nôm trên nền đỏ chữ vàng: Thần, “Cửu thiên nhật nguyệt khai tân vận/ Vạn quốc sinh ca túy thái bình”. Bên phải bàn thờ Bổn cảnh thành hoàng là bàn thờ tả ban, tiền hiền, bạch mã. Bên trái là bàn thờ hữu ban, hậu hiền, thái giám.
 
Ngoài ra, trên các bàn thờ trong chính điện được bày biện một số đồ thờ cúng có niên đại trên, dưới 100 năm tuổi như: bộ tam khí bằng kim loại đồng thau, chóe, khánh thờ, liễn, tủ thờ, nghi thờ...
 
Lễ hội
 
Hằng năm đình Tân Lộc Đông có các lễ:
 
- Lễ Kỳ yên hạ điền: ngày 11 đến 13 tháng tư âm lịch;
 
- Lễ Kỳ yên thượng điền: ngày 20 đến 22 tháng mười một âm lịch;    
 
Đoàn rước sắc thần. Ảnh: Ngọc Anh
 
Trong hai lễ này có nghi thức thỉnh sắc và đưa sắc thần. Từ năm 1925, sắc được cất giữ tại nhà ông hương quản Trần Thế Sương (cách đình khoảng 2km), Ban Tế tự đình tổ chức đoàn hàng trăm người với kiệu, lộng… đi thỉnh sắc và đưa sắc trên đường làng.
 
- Lễ thượng nêu (dựng nêu): vào 20 giờ ngày 30 Tết, để loại bỏ những điều xấu của năm cũ, trừ tà ma quấy nhiễu dân làng.
 
- Lễ hạ nêu- Lễ Khai sơn trảm mộc: vào 7 giờ sáng ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, với ý nghĩa khai sơn, mở cửa rừng núi, đốn cây củi, bắt đầu công việc cày cấy, trồng trọt…
 
- Lễ cúng mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ).
 
Với những giá trị lịch sử - văn hóa trên, ngày 22-5-2017, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định số 1342/QĐ-UBND công nhận đình Tân Lộc Đông là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
 
 Ngọc Anh
 
Tài liệu tham khảo:
- Đình Nam bộ Xưa và Nay, Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường, NXB Đồng Nai, năm 1999.
- Địa chí An Giang, UBND tỉnh An Giang, năm 2013.
- Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang, Nguyễn Đình Đầu, NXB TP. Hồ Chí Minh, năm 1995.
- Tài liệu (viết tay) của Ban Tế tự Đình Tân Lộc Đông, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
TIN LIÊN QUAN