Du lịch ÐBSCL đang phục hồi tốt với kết quả doanh thu và lượng khách đạt gần bằng năm 2019 - thời điểm rất thành công của du lịch vùng trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tuy nhiên, những khó khăn do dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng đến du lịch ÐBSCL. Các địa phương đang chung tay tìm các giải pháp để tiếp tục phát triển. Trong đó, liên kết vùng được ngành Du lịch 13 tỉnh, thành ÐBSCL chú trọng.
Các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ và Hậu Giang ký kết hợp tác về du lịch. Ảnh: KIỀU MAI
Phục hồi nhưng còn nhiều thách thức
Năm 2022, du lịch ÐBSCL đón trên 37,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 526.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 32.000 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Du lịch ÐBSCL đã có sự phục hồi tốt, nếu so sánh với năm 2019 - năm du lịch đạt mức cao của ÐBSCL, thì về số lượng khách lẫn doanh thu đều đạt trên 80% chỉ số năm đó. Ðáng chú ý là kết quả này được ghi nhận chỉ sau 9 tháng phục hồi của năm 2022, vì chúng ta chỉ thực sự mở cửa du lịch từ tháng 3-2022. Kết quả này cho thấy sự chung tay của nhiều địa phương trong khu vực trong đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối liên kết du lịch”. Theo đó, trong năm 2022 Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã phối hợp tổ chức, tham gia 56 hoạt động tại khu vực ÐBSCL và kết nối du lịch với phía Bắc, TP Hồ Chí Minh... Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, khảo sát, định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng, liên kết sản phẩm du lịch vùng được chú trọng đúng lúc.
Các địa phương đều ở thế sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch và phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Do đó có nhiều sản phẩm du lịch mới, nhiều chương trình hợp tác du lịch, các sự kiện du lịch diễn ra, cụ thể: Lễ hội Sen của Ðồng Tháp, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng, Du lịch vùng xanh xứ dừa ở tỉnh Bến Tre… Ðồng thời, ngành Du lịch ÐBSCL khảo sát, xây dựng các tuyến điểm mới: du lịch đường sông Cần Thơ - Hậu Giang, Bạc Liêu - Cà Mau, du lịch xanh Trà Vinh…
Dù có nhiều chuyển biến trong hoạt động du lịch vùng, nhưng tình hình thực tế nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TMDV và Sự kiện IDO Travel Cần Thơ, chia sẻ: “Du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19 bởi nhiều khó khăn về chính sách cũng như thị trường, xu hướng của du khách có thay đổi. Những biến động về xăng dầu, tiền tệ, chính trị trên thế giới cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành Du lịch. Trong đó có một số thị trường quốc tế không mở cửa với Việt Nam. Ðiều này khiến chúng ta bị động rất nhiều, do đó dự đoán năm 2023 du lịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề. Ở góc độ lữ hành, qua khảo sát chúng tôi thấy rằng 50% khách du lịch đến vùng chưa có kế hoạch đi du lịch lại trong năm 2023. Bên cạnh đó, 30% cắt giảm chi phí du lịch, chỉ đi ngắn ngày và ít kinh phí. Chúng ta buộc phải có những giải pháp để thích ứng phù hợp”.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng chia sẻ ÐBSCL đang đối mặt với những thách thức về nhân sự du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, các dịch vụ thiếu đa dạng, cơ sở hạ tầng cho du lịch chưa được đầu tư đúng tầm…
Chú trọng giải pháp liên kết vùng
Trước những thách thức mà du lịch ÐBSCL phải đối mặt, ông Ðào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh An Giang, Cụm trưởng Cụm hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL, đề xuất: “Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến và liên kết về du lịch giữa các tỉnh, thành với nhau. Trong đó, cần quan tâm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch để hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả. Các địa phương vừa xây dựng những sản phẩm, sự kiện đặc trưng, vừa bắt tay tham gia các sự kiện quảng bá chung”. Theo đó, 7 tỉnh, thành (An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong Cụm phía Tây cũng đã họp bàn và thống nhất tập trung vào 6 nội dung chính để phát huy các hoạt động trong năm 2023, đó là: liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; liên kết xây dựng tour tuyến du lịch; xác định vai trò của doanh nghiệp du lịch trong xây dựng sản phẩm và kết nối thị trường khách.
Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, việc phối hợp liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực đã đạt hiệu quả nhất định trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch. Thực tế, nếu muốn phát triển thì phải đi cùng nhau, nhưng trước tiên các địa phương cần làm tốt các sản phẩm đặc trưng. Cụ thể, tại Cần Thơ, chúng tôi có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và dự kiến sẽ có thêm sắc màu đặc trưng riêng với Ngày hội Văn hóa du lịch Cần Thơ tại Hà Nội. Ðiều này giúp chúng tôi hướng đến thị trường trọng điểm vì nguồn khách ở miền Bắc đến Cần Thơ lớn. Do đó khi quảng bá, cũng nên định hướng thị trường phù hợp. Mặt khác, khi có sản phẩm thì nên xây dựng, hình thành chuỗi sản phẩm chung, tạo điểm nhấn riêng”.
Ðoàn khảo sát Hiệp hội Du lịch ÐBSCL tham quan các sản phẩm du lịch tại Trà Vinh. Ảnh: KIỀU MAI
Ở góc độ lữ hành, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TMDV và Sự kiện IDO Travel Cần Thơ, đề xuất: “Ðể giải quyết tạm thời bài toán khó cho các doanh nghiệp du lịch cũng như tạo lực đẩy cho du lịch ÐBSCL, tôi cho rằng các đơn vị trong các cụm liên kết nên tăng cường sử dụng dịch vụ của nhau. Với cách làm này, chúng ta vừa hỗ trợ nhau về điểm đến, các dịch vụ di chuyển, lưu trú, ăn uống… vừa có mức giá tốt để xây dựng nên chuỗi sản phẩm, dịch vụ chung, mang đặc trưng riêng. Mặt khác, việc liên kết quảng bá cũng nên đi vào trọng điểm, lựa chọn những thị trường trọng tâm mới phát huy hiệu quả. Các địa phương nên khảo sát lại thị trường vì đã có nhiều thay đổi so với trước kia, nhất là các thị trường quốc tế”.
Năm 2023, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương; xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường đến Ðông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên...; triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch ÐBSCL. Ðồng thời khuyến khích các địa phương nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới; xây dựng các liên tuyến hợp tác về du lịch, chú trọng đến các loại hình du lịch đặc trưng: du lịch xanh, bền vững, du lịch đường sông, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nhấn mạnh: “Sản phẩm du lịch đặc trưng có yếu tố quyết định. Vì thế, mỗi địa phương luôn phải chú trọng điều này, phải luôn làm tốt và làm mới về sản phẩm thì mới tạo được điểm nhấn, sức hút cho du lịch mỗi vùng đất. Từ đó chúng ta mới xây dựng được những liên tuyến độc đáo, hình thành nên thương hiệu du lịch vùng ÐBSCL”.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, bày tỏ: “Dù năm qua du lịch ÐBSCL có kết quả tốt nhưng chúng ta không nên chủ quan, vì tình hình đang khó khăn, thị trường luôn thay đổi. Du lịch ÐBSCL vừa phải giữ bản sắc vùng vừa thích ứng phù hợp với những đổi mới. Do đó, ngành Du lịch 13 tỉnh, thành ÐBSCL phải chung tay hướng đến du lịch xanh, bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa địa phương, nhưng vẫn phải chủ động chuyển đổi số, tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá ở các thị trường trọng điểm. Ðồng thời, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL không ngừng đề xuất, phối hợp với các địa phương có những định hướng giải pháp về các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch vùng, đào tạo nguồn nhân lực”.
ÁI LAM
Nguồn: baocantho.com.vn