Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động du lịch năm 2017 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2018
Ngày 25-1-2018, tại khách sạn TTC, Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động du lịch năm 2017 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Báo cáo tại hội nghị này, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, nhấn mạnh, năm 2018, ngành du lịch Cần Thơ phấn đấu đón 8 triệu lượt khách, doanh thu 3.500 tỉ đồng.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết ngành Du lịch TP Cần Thơ ngày 25-1-1018
Theo ông Lê Minh Sơn, năm 2018, ngành du lịch Cần Thơ tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch - từng bước đưa ngành du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững và xứng tầm đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu cả năm 2018, Cần Thơ phấn đấu đón 8 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Riêng lượng khách lưu trú là 2,45 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế 350.000 lượt và khách nội địa 2,1 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2018 đạt 3.500 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ, ông Lê Minh Sơn, đọc báo cáo
Để làm được điều này, theo Phó Giám đốc Lê Minh Sơn, trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch, phải thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ sau:
- Trình UBND thành phố phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP. Cần Thơ; nâng chất, nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù: chợ nổi Cái Răng, tour du lịch đường sông, các cồn dọc sông Hậu. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc xây dựng tuyến cảnh quan dọc Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ Ninh Kiều, Rạch Khai Luông và công viên sông Hậu; Tham mưu và tiếp tục phối hợp mời gọi doanh nghiệp, UBND các quận, huyện đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất và phát triển các dịch vụ để phát triển loại hình du lịch Hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE), du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay); tôn tạo làng cổ Long Tuyền, làng hoa Phó Thọ (quận Bình Thủy); mở tuyến đường giao thông vào di tích lịch sử Giàn Gừa - Phong Điền; phối hợp phát triển, bảo tồn Chợ nổi Phong Điền và hỗ trợ quận Thốt Nốt mời gọi nhà đầu tư phát triển Vườn cò Bằng Lăng.
- Khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Thí điểm mô hình biểu diễn đàn guitar và nghệ thuật viết thư pháp (nghệ thuật đường phố) khu vực Bến Ninh Kiều, tàu du lịch kết hợp đờn ca tài tử trên sông, xe điện phục vụ city tour, thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng du lịch và mẫu tàu du lịch… Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất những sản phẩm truyền thống độc đáo, phát huy các làng nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch nhằm tạo sản phẩm quà tặng du lịch mới, đa dạng và phong phú phục vụ cho khách du lịch. Tiếp tục phát huy thế mạnh ẩm thực Cần Thơ và hỗ trợ các nhà vườn quảng bá sản phẩm trái cây đặc trưng của Cần Thơ để phục vụ khách du lịch.
- Phối hợp tổ chức điều tra xã hội học thăm dò nhận xét, đánh giá và nhu cầu của khách du lịch, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành khi đến tham quan sản phẩm du lịch thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung vào 3 nội dung:
- Phối hợp với Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) tham gia đoàn quảng bá xúc tiến tại Pháp và Nhật Bản; triển khai Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030; Xúc tiến, quảng bá du lịch tại các hội chợ lớn về du lịch và các thị trường trọng điểm về du lịch nhằm đẩy mạnh và nâng hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Phát huy hiệu quả Quầy sản phẩm quà tặng tại Trung tâm Phát triển Du lịch và Quầy thông tin du lịch tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cổng Thông tin điện tử du lịch thành phố, Đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch, lắp đặt quầy thông tin quảng bá du lịch tại Bến Ninh Kiều nhằm cung cấp thông tin du lịch, hỗ trợ khách du lịch khi đến tham quan thành phố Cần Thơ, thường xuyên cập nhật, nâng cao hiệu quả cổng thông tin điện tử của Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố.
- Thực hiện các ấn phẩm du lịch mới và phối hợp các cơ sở lưu trú du lịch trình chiếu, giới thiệu video clip giới thiệu Di tích lịch sử và Du lịch Cần Thơ đến khách du lịch.
Về việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch, Sở sẽ trình UBND thành phố phê duyệt “Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài phù hợp với du lịch tổng thể TP. Cần Thơ”; tăng cường hợp tác liên ngành, liên vùng và quốc tế để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết giữa các quận, huyện trong việc kết nối tour - tuyến du lịch, xây dựng nhiều tour – tuyến du lịch mới, hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Về quy hoạch phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ngành sẽ xúc tiến hai nội dung chính:
- Rà soát tiến độ thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 – 2020; Đề án Phát triển điểm du lịch quốc gia Bến Ninh Kiều (bao gồm quần thể: Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu). Tham mưu UBND TP mời gọi được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm nhằm tạo nét đặc trưng riêng, điểm nhấn của thành phố để thu hút khách du lịch.
- Lập quy hoạch chi tiết 4 dự án kêu gọi đầu tư du lịch, gồm Khu du lịch Cồn Sơn, Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng và Tân Lộc; phối hợp với UBND quận Cái Răng, UBND quận Thốt Nốt mời gọi đầu tư Trạm dừng chân, bến tàu du lịch phục vụ khách du lịch.
Ông Lê Minh Sơn cũng nhấn mạnh 6 vấn đề liên quan tới công tác quản lý nhà nước về du lịch trong năm 2018 mà ngành du lịch Cần Thơ phải thực hiện:
- Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong phát triển du lịch, từng bước đưa hoạt động du lịch vào nề nếp, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển ổn định, bền vững. Quản lý hoạt động du lịch tại các điểm đến, đảm bảo chất lượng phục vụ trên cơ sở đánh giá, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với dịch vụ ăn uống và mua sắm.
- Phối hợp UBND các quận, huyện, Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; phối hợp các quận huyện và Ngân hàng Chính sách Xã hội kiểm tra, rà soát hiệu quả việc sử dụng vốn vay phát triển du lịch và xây dựng kế hoạch vay vốn năm 2018.
- Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch; kịp thời nhắc nhở và hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch thực hiện tốt các qui định của pháp luật về kinh doanh du lịch; kiên quyết xử phạt các cơ sở cố tình vi phạm, đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ, ứng xử văn minh lịch sự, chuyên nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm... đảm bảo hoạt động du lịch “An toàn – Thân thiện – Chất lượng”.
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nghiên cứu xây dựng các chương trình tham quan sản phẩm du lịch mới nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm du lịch để phục vụ và thu hút khách du lịch.
- Thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; thẩm định cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, phải phối hợpvới các Sở, ngành , đơn vị liên quan tranh thủ nguồn hỗ trợ đào tạo năm 2018;triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức nguồn nhân lực du lịch 2018;tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… cho cán bộ quận, huyện; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch nâng cao nhận thức du lịch của thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn 2030.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm, phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, ngành du lịch Cần Thơ phải tăng cường liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước để giữ chân được du khách ở lại Cần Thơ lâu hơn, đông hơn, mua sắm nhiều hơn. Ông Lê Văn Tâm cũng yêu cầu Sở VHTTDL, Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ rà soát việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Thành ủy và UBND thành phố để có những kiến nghị khả thi.
Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ, ông Trần Việt Phường, phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ đã phát biểu tiếp thu các chỉ đạo này nhằm thực hiện cho được kế hoạch năm 2018.
Tặng thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích năm 2017
Năm 2017, Cần Thơ đã đón hơn 7,53 triệu lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 135% kế hoạch năm. Về hoạt động lưu trú, các cơ sở lưu trú đã phục vụ hơn 2,18 triệu lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 118% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế đạt 305.167 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 113% kế hoạch năm, khách nội địa hơn 1,87 triệu lượt, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 119% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch đạt 2.897,9 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 145% kế hoạch năm. Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 54 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động (tăng 14 cơ sở so với năm 2016); 270 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 26 cơ sở so với năm 2016) với tổng số 6.931 phòng, 26 điểm vườn du lịch. Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ là 1 trong 5 đơn vị của cả nước được nhận giải thưởng du lịch ASEAN năm 2017, Khách sạn Victorria Cần Thơ được bình chọn danh hiệu cơ sở lưu trú hàng đầu Việt Nam top khách sạn 4 sao; Khách sạn Cửu Long được bình chọn danh hiệu cơ sở lưu trú hàng đầu Việt Nam top khách sạn 3 sao Việt Nam. |
Huỳnh Kim - Mỹ Trinh
TIN LIÊN QUAN