Lan tỏa bản sắc văn hóa sông nước
     
TP Cần Thơ có vẻ đẹp bình dị, nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú với những vườn cây trĩu quả. Trong tiến trình hội nhập, nét văn hóa đặc trưng đó ngày càng được phát huy và vươn xa thông qua những chương trình giao lưu, trải nghiệm văn hóa của các quốc gia.

 

TP Cần Thơ có vẻ đẹp bình dị, nên thơ của làng quê sông nước, dân cư tập trung đông đúc, làng xóm trù phú với những vườn cây trĩu quả. Trong tiến trình hội nhập, nét văn hóa đặc trưng đó ngày càng được phát huy và vươn xa thông qua những chương trình giao lưu, trải nghiệm văn hóa của các quốc gia.

Từ chương trình trải nghiệm văn hóa…

Đầu năm 2016, TP Cần Thơ đón hai đoàn khách đến từ Trường Đại học Soon Chun Hyang (Hàn Quốc) qua “Chương trình đa văn hóa hạnh phúc (M.H.P)”. Đây là chương trình kết nối tình hữu nghị Việt- Hàn với nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Khoảng 70 giáo sư, sinh viên Hàn Quốc đã có sự trải nghiệm thú vị với các hoạt động xã hội: xây nhà cho người nghèo, thăm và tặng quà cho các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi- khuyết tật, dạy học cho các em nhỏ… Đoàn tình nguyện viên Trường Đại học Soon Chun Hyang còn có hành trình khám phá nét đặc trưng của Cần Thơ qua tour trải nghiệm văn hóa cùng Fiditour với các điểm đến: chợ nổi Cái Răng- cơ sở hủ tiếu Sáu Hoài- Làng du lịch Mỹ Khánh- chùa Munir Ansay- nhà cổ Bình Thủy- Bảo tàng Cần Thơ.

 Sinh viên Hàn với trải nghiệm làm bánh tại Hủ tiếu Sáu Hoài. Ảnh: K.M

Hòa nhập và tìm hiểu văn hóa bản địa là mục đích chuyến đi của đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc. Tại Mái ấm Thiên Ân (Bình Thủy)- một trong những điểm đến của đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc, không khí thật chan hòa và đầm ấm. Cô gái người Hàn nhỏ nhẹ hỏi em nhỏ: “Em thích vẽ gì?”, “Em muốn vẽ ngôi nhà”, “À, nhà Việt Nam như thế nào nhỉ, em mô tả xem rồi chúng ta cùng vẽ”. Đoạn đối thoại được các bạn sinh viên tình nguyện Việt Nam ở các trường đại học, cao đẳng của Cần Thơ làm cầu nối phiên dịch. Không chỉ có nhà, đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc còn giúp các bạn nhỏ ở Mái ấm Thiên Ân thiết kế, cắt may những bộ quần áo theo đúng kiểu Việt; tạo hình các con vật gần gũi trong đời sống người Việt. Dù bất đồng ngôn ngữ, các bạn sinh viên Hàn Quốc và các em nhỏ Mái ấm Thiên Ân đều tìm thấy niềm vui trong không gian ấm tình người.

“Stars” (Những ngôi sao lấp lánh) là tên ban đầu đoàn tình nguyện viên Trường Đại học Soon Chun Hyang đặt cho nhóm trước khi đến Cần Thơ. Nhưng sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng và thử những trái xoài chua ngọt, họ đổi tên nhóm là “Mango” (Xoài). Dạo một vòng chợ nổi, đoàn tình nguyện viên thích thú và hào hứng với những chiếc ghe đủ sắc màu hoa quả, đủ các loại hàng hóa, dịch vụ, cây bẹo hàng treo lủng lẳng… Họ không ngại thử các sản vật trái cây được tiểu thương mời mọc. Tranh thủ lúc ghe đậu cặp ghe thương lái, giáo sư Sang Wook Lee cùng các sinh viên của mình hòa nhập vào cuộc sống của những người dân vùng sông nước. Họ lên ghe thưởng thức những trái khóm tươi ngon, cười đùa vui vẻ và không quên ghi lại hình ảnh đẹp trên chợ nổi. Hành trình tiếp tục đưa đoàn tình nguyện viên đến cơ sở hủ tiếu Sáu Hoài tìm hiểu làng nghề, trải nghiệm làm bánh. Rồi đến Làng du lịch Mỹ Khánh thu hoạch trái cây, xem xiếc khỉ, đua heo, đua chó, tham gia các hoạt động đi cầu khỉ, câu cá sấu, chèo thuyền. Sau đó, đoàn tình nguyện viên còn được tham quan các danh lam văn hóa- lịch sử: chùa Munir Ansay, nhà cổ Bình Thủy, Bảo tàng Cần Thơ…

Giáo sư Sang Wook Lee cho biết: “Đây là lần đầu đoàn tình nguyện của trường đến Cần Thơ. Từ các hoạt động xã hội vì cộng đồng, giao lưu văn hóa, chúng tôi muốn các em sinh viên có những trải nghiệm về văn hóa và con người Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, chúng tôi giáo dục các em tinh thần nhân đạo, lối sống nhân ái. Tuy lưu lại Cần Thơ ít ngày nhưng chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện và lối sống chân tình của người bản địa. Chúng tôi sẽ trở lại đây”.

Du khách trải nghiệm gói bánh tét tại Homestay Út Hiên.

Ảnh: Homestay Út Hiên

“M.H.P” của Trường Đại học Soon Chun Hyang, được xem là loại hình du lịch thiện nguyện mới hình thành tại Cần Thơ. Loại hình du lịch này không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mà còn kết nối, hòa nhập giữa người dân bản địa với du khách, nhất là khách quốc tế, góp phần giới thiệu, lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương.

…đến “Tết ở nhà dân”

Những ngày cận Tết Nguyên đán, Homestay Út Hiên (605, khu vực 4, phường Ba Láng, quận Cái Răng) càng thêm náo nhiệt. Bên chòi lá đơn sơ, bếp lửa luôn bập bùng cháy, một bên là nồi thịt kho hột vịt thơm lừng, bên kia là nồi bánh tét luôn nghi ngút khói. Hết đợt bánh này lại đến đợt bánh khác được vớt ra. Sau bếp, mấy cô mấy chị lại quây quần gói bánh tét, bánh ít, đôi lúc ngừng tay hướng dẫn vài du khách quốc tế hiếu kỳ, thích được trải nghiệm. Đây là một trong các hoạt động thường diễn ra ở Homestay Út Hiên. Du khách sẽ được gia chủ chỉ dẫn gói bánh ít, bánh tét, đổ bánh xèo, làm bánh canh với các công đoạn đều thực hiện thủ công: xay bột, xắt bột… Với diện tích 10.000m2, vườn nhà chị Hiên trồng đầy đủ các loại cây trái: mít, sầu riêng, ổi…, có những luống rau xanh tươi, ao mương đầy cá. Du khách được trải nghiệm làm những công việc của nông dân: trồng rau màu, chăm sóc vườn cây, chèo xuồng giăng lưới, tát ao bắt cá… Ngày Tết, Homestay Út Hiên lại càng thú vị với các phong tục, nếp sinh hoạt truyền thống: chúc tết, nhận lì xì, gói bánh tét, sên mứt dừa… Chị Trần Thị Mỹ Hiên- chủ nhân Homestay Út Hiên, chia sẻ: “Khách quốc tế thích được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ. Vì vậy, thông qua các chương trình trải nghiệm, chúng tôi luôn giới thiệu những phong tục, tập quán của người dân Nam Bộ”. Theo chị Hiên, Zero- tên tự đặt của một du khách Tây Ban Nha từng đến Homestay Út Hiên- rất thích làm bánh. Chiếc bánh ít Zero gói khá xấu xí nhưng anh cảm thấy hài lòng về thành quả, túc trực đợi bánh chín để thưởng thức. Với du khách quốc tế, trải nghiệm làm các loại bánh dân gian là điều ưa thích. Như câu chuyện kể của chị Nguyễn Thị Xưa, Homestay Mỹ Thuận (ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), có đoàn du khách Pháp cùng gói bánh tét với gia đình chị. Đòn bánh không được đẹp, nhưng họ một mực mang nó theo- dù gia đình chị giải thích hết lời, bánh chưa được nấu chín. Du khách Anh ElizaBeth chia sẻ: “Người dân bản xứ rất thân thiện, họ luôn nói “hello” và chỉ dẫn đường tận tình cho chúng tôi”.

Ngoài gói bánh, phong tục lì xì, mâm cơm ngày Tết cũng được khách quốc tế yêu thích. Nắm bắt xu hướng này, nhiều hãng lữ hành trên địa bàn Cần Thơ đã xây tour “Tết ở nhà dân”, “Xao xuyến Tết miền Tây”… Bà Ngô Đoàn Đoan Trinh, phụ trách mảng Inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) của Benthanh Tourist Cần Thơ, cho biết: “Để tạo sự mới lạ cho khách quốc tế, chúng tôi chủ động lồng ghép vào tour những phong tục, tập quán của người dân trong ngày Tết như: làm mứt, chúc Tết nhà dân… Sản phẩm này rất được du khách quan tâm”. Ông Thi Xương Tín- Phó Tổng Giám đốc CanthoTourist, cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng các tour ăn Tết tại nhà dân và tạo điều kiện để du khách trải nghiệm làm bánh dân gian, sên mứt, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, nhận lì xì. Homestay Út Hiên và cồn Sơn là hai điểm chúng tôi kết nối để xây dựng các tour này. Từ Mùng 1 đến Mùng 4 Tết, trung bình mỗi ngày, CanthoTourist có khoảng 10 đoàn khách đặt tour Tết tại nhà dân”. Trong khi đó, chị Mỹ Hiên cũng thông tin, kể từ 25 Tết, nhiều đoàn đã đăng ký tour trải nghiệm không khí Tết tại Homestay Út Hiên, đặc biệt vào ngày 29 Tết, chị sẽ đón khoảng 40-50 người đến ăn Tết cùng gia đình và tham gia các hoạt động đón năm mới.

Nét độc đáo trong phong tục, tập quán người Việt đón Tết tạo nên hương vị mới trong hành trình khám phá miền Tây Nam Bộ của du khách quốc tế.

* * *

Chương trình giao lưu văn hóa và ăn “Tết ở nhà dân” không chỉ tạo nên sự mới mẻ cho du khách mà còn góp phần gìn giữ những nét truyền thống của địa phương, đồng thời đưa văn hóa sông nước Cần Thơ lan tỏa một cách thiết thực và hiệu quả.

ÁI LAM

Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/

TIN LIÊN QUAN