LIÊN KẾT HỢP TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM ĐBSCL Đa dạng sản phẩm, xây dựng ...
     
5 năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gọi tắt là Cụm du lịch phía Tây, gồm 5 tỉnh, thành là TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu) đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao để cùng hợp tác phát triển trong tiến trình hội nhập. Sự chuyển biến trong ngành du lịch với sản phẩm được nâng chất đa dạng, phong phú cùng với những kế hoạch, đề án dài hơi ở từng tỉnh, thành là minh chứng.

 

5 năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gọi tắt là Cụm du lịch phía Tây, gồm 5 tỉnh, thành là TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu) đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao để cùng hợp tác phát triển trong tiến trình hội nhập. Sự chuyển biến trong ngành du lịch với sản phẩm được nâng chất đa dạng, phong phú cùng với những kế hoạch, đề án dài hơi ở từng tỉnh, thành là minh chứng.

Đa dạng hóa hệ thống sản phẩm

Cụm du lịch phía Tây giai đoạn 2010-2015 đề ra mục tiêu là xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết, quảng bá, kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực… Qua 5 năm thực hiện, Cụm du lịch phía Tây đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, nếu năm 2011, toàn Cụm đón 13 triệu lượt khách thì năm 2015 đón khoảng 21 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 12%/năm; tổng doanh thu du lịch toàn Cụm năm 2011 đạt trên 2.420 tỉ đồng thì năm 2015 đạt khoảng 4.359 tỉ đồng, tăng bình quân 16%/năm. Trong khi đó, năm 2015, du lịch vùng ĐBSCL đón trên 25 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 8.635 tỉ đồng. Như vậy, Cụm chiếm đến 84% lượng khách, doanh thu đạt hơn 50% của toàn vùng. Trong Cụm, An Giang thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là 6,2 triệu lượt khách, còn Kiên Giang có doanh thu du lịch cao nhất với 2.448 tỉ đồng. Để có được thành quả này, Cụm du lịch phía Tây không ngừng tập trung xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng theo định hướng đồng thời đa đạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch.

Điển hình, An Giang với thế mạnh về du lịch tâm linh, tín ngưỡng, đã không ngừng nâng chất các sản phẩm hiện có, đồng thời bổ sung các dịch vụ hiện đại với tuyến cáp treo Núi Cấm, Khu nghỉ dưỡng Victoria Núi Sam… Song song đó, An Giang phát triển thêm các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái kết hợp mua sắm, du lịch về nguồn, mua sắm ở chợ cửa khẩu và các làng nghề, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, huyền thoại vùng Thất Sơn, du lịch nghỉ dưỡng… Đặc biệt, An Giang tận dụng lợi thế mùa nước nổi, khai thác các hoạt động nông nghiệp với các tuyến rừng tràm Trà Sư, Vàm Nao- huyện Phú Tân, Búng Bình Thiên- huyện An Phú… trải nghiệm ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, săn cá bông lau tạo nên nét đặc trưng thu hút du khách.

Cần Thơ xác định thế mạnh du lịch là sông nước đô thị với điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng và du lịch Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) trở thành điểm trung chuyển chính cho ĐBSCL. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các đề án: “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù (đường sông)”, “Phát triển nguồn nhân lực”, năm 2015, ngành du lịch hình thành 9 tour, tuyến mới với các điểm đến mới: làng du lịch cộng đồng Long Tuyền, cồn Sơn, chùa PoThi Somrôn…. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, khu khách sạn thương mại phức hợp của Vingroup, Lotte Mart, cầu đi bộ từ Bến Ninh Kiều qua Cồn Cái Khế đã được triển khai. Hàng loạt đường bay mới đang được khai thác kết nối từ Cần Thơ đến Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thái Lan, mở ra nhiều triển vọng phát triển du lịch.

Kiên Giang có lợi thế biển đảo với nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp: cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm- Phú Quốc, vườn thú Vinpearl Safari- vườn thú bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam… Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng kết nối nhiều đường bay từ Phú Quốc đến Cần Thơ, Rạch Giá, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nga, Singapore và Siêm Riệp (Campuchia). Bạc Liêu, Cà Mau cũng đầu tư nhiều khu giải trí tầm cỡ, độc đáo như: khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương; Quán âm Phật đài (Bạc Liêu); Khu Du lịch Đất Mũi, khu du lịch sinh thái nhà vườn mang tên Thiện Chí Thới Bình thôn, Khu du lịch sinh thái Quốc tế (Cà Mau)…

Từ sự phát triển này, tour du lịch đặc trưng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL “Một điểm đến bốn địa phương +” ngày càng hoàn thiện. Sản phẩm này đem đến cho du khách đủ trải nghiệm, từ du lịch miệt vườn sông nước, du lịch MICE tại Cần Thơ; du lịch tâm linh tại An Giang; du lịch sinh thái biển, đảo ở Kiên Giang đến du lịch sinh thái rừng ngập nước tại Cà Mau và Bạc Liêu với “điểm đến về văn hóa”. So với trước đây, việc khai thác sản phẩm này trở nên linh động, đa dạng hơn khi lựa chọn các điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố. Không chỉ liên kết hợp tác trong Cụm, 5 tỉnh, thành còn chủ động liên kết với các tỉnh, thành và quốc gia có thế mạnh về du lịch, như: An Giang hợp tác với cụm miền Trung là Huế – Đà Nẵng- Quảng Nam; Cần Thơ hợp tác với Lâm Đồng, Khánh Hòa, Campuchia; Kiên Giang hợp tác với Hà Nội…

Ông Trương Văn Vinh- Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ- cho biết: “Cụm du lịch phía Tây có nhiều sản phẩm nên các hãng lữ hành dễ dàng xây dựng tour. Lượng khách đổ về Cụm du lịch phía Tây nói riêng và ĐBSCL nói chung đang tăng dần. Năm 2015, Vietravel đón khách về ĐBSCL tăng 30-40% so với năm trước. Trong đó, đông khách nhất là các tuyến: TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau, TP Hồ Chí Minh- Đồng Tháp- An Giang, TP Hồ Chí Minh- Phú Quốc”.

Xây dựng thương hiệu vùng

Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh An Giang, cho rằng: “Mỗi địa phương không ngừng đổi mới và nâng chất. Nếu từng địa phương đều có sản phẩm tốt, độc đáo thì tính liên kết sẽ càng phát huy hiệu quả, dần hình thành thương hiệu cho du lịch vùng. Hiện An Giang đang xây dựng các quy hoạch, đề án nâng chất các điểm đến, trong đó hình thành thêm nhiều sản phẩm độc đáo mới ở Cù lao Giêng, chợ Mới, Búng Bình Thiên”.

Cà Mau cũng đang hoàn thiện việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu công viên văn hóa – du lịch Mũi Cà Mau với cồn Ông Trang, Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ, Khu du lịch văn hóa – thể thao đầm Thị Tường, Khu di tích Bác Ba Phi, Khu du lịch cộng đồng Đất Mũi. Ngoài ra, Cà Mau sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch, các khu vui chơi, phương tiện vận chuyển khách, tuyên truyền quảng bá… Trong khi đó, TP Cần Thơ và Kiên Giang đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, mở thêm các đường bay để kết nối với các điểm trung tâm du lịch. TP Cần Thơ đang kêu gọi 8 dự án đầu tư về du lịch, tăng cường mở thêm các đường bay mới, như: Cần Thơ – Hàn Quốc, Cần Thơ- Singapore. Sắp tới, Cần Thơ sẽ kết nối hợp tác với các tỉnh, thành của Campuchia, Thái Lan để tăng cường liên kết, mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển du lịch của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Hiện Kiên Giang có 252 dự án đầu tư du lịch với tổng diện tích 8.000 ha và tổng vốn đầu tư gần 188.320 tỉ đồng, riêng Phú Quốc có 197 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích 6.800 ha và tổng vốn đầu tư 179.630 tỉ đồng. Sắp tới, Kiên Giang sẽ mở thêm đường bay Phú Quốc- Quảng Châu.

Ngoài sản phẩm du lịch chung “Một điểm đến bốn địa phương +”, Cụm du lịch phía Tây đang xây dựng các sự kiện chung, tạo thương hiệu du lịch vùng. Chẳng hạn, Cần Thơ có lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL; An Giang có Tuần lễ văn hóa ẩm thực; Bạc Liêu có Festival Đờn ca tài tử. Đặc biệt, Kiên Giang tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc- ĐBSCL với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” gồm 13 sự kiện chính tại địa phương; các tỉnh, thành còn lại có nhiều hoạt động hưởng ứng như: Lễ hội bánh dân gian Nam bộ (TP Cần Thơ), Lễ hội Hoa trên dòng Sa Giang (Đồng Tháp), Lễ hội Nghinh Ông (Bến Tre), Lễ hội dâng hoa đền thờ Bác Hồ (Hậu Giang)…

*

* *

5 năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã tạo sự gắn kết giữa các tỉnh, thành trong vùng, giúp các địa phương xác định định hướng phát triển du lịch để phát huy tiềm lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội cho toàn vùng trong bối cảnh hội nhập.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Các sự kiện trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc- ĐBSCL với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”

Năm du lịch quốc gia sẽ có khoảng 65 sự kiện, trong đó Kiên Giang – đơn vị chủ trì sẽ tổ chức 13 sự kiện chính:
– Lễ công bố năm du lịch quốc gia và đón nhận bằng công nhận khu Ramsar Vườn quốc gia U Minh Thượng, dự kiến tháng 2-2016, tại quảng trường Trần Quang Khải, TP Rạch Giá.
– Lễ kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng tại huyện Hòn Đất, diễn ra vào tháng 1-2016.
– Lễ hội Năm văn hóa du lịch và kỷ niệm 280 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 – 2016) ngày 22-2, tại thị xã Hà Tiên.
– Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 16-4 (10-3 âm lịch) tại huyện Tân Hiệp.
– “Hội chợ công thương vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gắn với Năm Du lịch quốc gia 2016” tại TP Rạch Giá, diễn ra vào tháng 4-2016.
– Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – ĐBSCL, diễn ra vào tháng 4 tại đảo Phú Quốc.
– Giải bán Marathon quốc tế.
– Giải đua xe đạp ĐBSCL tại huyện Phú Quốc.
– Lễ giỗ 4 nhà sư liệt sĩ, tổ chức tại huyện  Châu Thành.
– Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, tháng 9-2016, diễn ra tại TP Rạch Giá.
– Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ X năm 2016, tại huyện Gò Quao vào tháng 11-2016.
– Lễ hội Nghinh Ông, diễn ra từ ngày 14 đến 15-11 tại  huyện  Kiên Hải.
– Lễ bế mạc – Tổng kết Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – ĐBSCL; bàn giao Cờ luân lưu tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 cho tỉnh Lào Cai, tháng 12-2016, tại huyện Phú Quốc.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp các bộ, ngành Trung ương tổ chức thêm các sự kiện: Triển lãm tranh cổ động đường phố “Biển đảo và quê hương”; Trại sáng tác Nhiếp ảnh khu vực ĐBSCL; Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2016; Liên hoan đàn, hát dân ca ba miền: Bắc, Trung, Nam; Hội thi Hướng dẫn viên toàn quốc 2016; Liên hoan ẩm thực ĐBSCL…

MINH NHIÊN

Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/

TIN LIÊN QUAN