Trong ký ức người dân miền Tây, chiếc nem “nhảy theo” xe đò đường dài, hay lủng lẳng trên vai người bán hàng mời mọc khách mua làm quà khi chờ phà qua sông. Ngày nay, chiếc nem không chỉ là món “luôn có mặt” trong thực đơn người miền Tây, mà còn gắn liền với những câu chuyện thương hiệu kinh doanh đầy thú vị.
Chị Kim Loan từ “tay ngang” làm nên thương hiệu nem Thanh Sơn nổi tiếng ở xứ nem Lai Vung.
Chiếc nem trong miền ký ức
Những người dân miền Tây đi xe đò, ngồi chờ qua phà Mỹ Thuận thập niên 80, 90 của thế kỷ trước… chắc ít ai không từng nghe tiếng, mua hoặc ăn nem Ông Mập.
Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh người đàn ông mập mạp, đôi vai treo hàng trăm chiếc nem chen chúc trên những chuyến xe chờ qua phà. Thấy ông từ xa, người ta đã kêu “ông mập, ông mập bán nem ơi”…
Câu chuyện đó được chính ông chủ thương hiệu Ông Mập- Nguyễn Thân kể lại cho chúng tôi nghe hơn chục năm trước, khi ông đã bước vào hàng “nem đại gia”. Với ông đó là quá khứ khó quên “nghèo lắm, nhờ kiếm tiền rồi khởi nghiệp từ những chiếc nem”!
Hiện nay đoạn QL1 gần cầu Mỹ Thuận (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè- Tiền Giang) vẫn còn nhiều bảng hiệu bán bánh kẹo, nem “ưa mập”: Ông mập, ông Hai mập, ông Ba mập, Anh mập, Đông mập…
“Khi cầu Mỹ Thuận thông xe năm 2000, tui mở quán gắn bảng hiệu nem, bánh phồng sữa “Ông Mập” cho khách biết mà ghé. Kỳ lạ, khi bảng hiệu “Ông Mập” trình làng, liền sau đó dãy hàng quán gần cầu Mỹ Thuận đột nhiên mọc lên quá trời… ông mập”.
Lúc đó, ông Nguyễn Thân mới ghi rõ “Ông Mập thiệt”, rồi ông lặn lội đi đăng ký thương hiệu độc quyền. Sau khi ông mất, thương hiệu Ông Mập được cô con gái của ông tiếp nối và vẫn dùng hình ảnh “Ông Mập” thân thiện, dễ gần gắn với thương hiệu “Vua Nem” miền Tây một thời.
Mà chiếc nem nổi tiếng ở các bến phà, trên những chuyến xe đò xuôi ngược miền Tây thuở đó có xuất xứ chủ yếu từ Lai Vung (Đồng Tháp). Người dân Lai Vung kể xứ nem bắt đầu từ những năm trước 1975.
Người làm nem đầu tiên là bà Tư Mặn (ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, Lai Vung). Bà Tư khéo tay làm món nem rất ngon, đám tiệc ai ăn cũng tấm tắc khen nên dân làng cậy bà chỉ cho cách làm và đem bán ở chợ Lai Vung (nay là chợ Tân Thành).
“Hữu xạ tự nhiên hương”, khách gần đồn khách xa, từ chợ xã ra chợ huyện lên chợ tỉnh, chiếc nem theo những người dân nghèo mưu sinh bán khắp các bến phà, “nhảy theo” xe đò đi TP Hồ Chí Minh…
Từ chiếc nem chua ngọt đã hình thành nghề làm nem và thương hiệu nem Lai Vung.
Vĩnh Long cũng từng có vùng nem Vũng Liêm nổi tiếng. Chú Phạm Văn Liêm- chủ tiệm tạp hóa ở ngã ba Vũng Liêm- cho biết đã bán hàng ở đây hơn 30 năm, vùng này nổi tiếng nem ngon.
Nổi danh là nem của bà Xí Sẩm, mối lái chuộng nem của bà Sẩm vì bán rất chạy. “Hồi đó nem bán không ngơi tay, ngày bán từ mấy trăm tới cả ngàn chiếc nem”- chú Liêm nhớ lại.
Theo chỉ dẫn của chú Liêm, chúng tôi tìm gặp bà Xí Hoa- con gái bà Xí Sẩm- hỏi thăm về danh nem một thời. Bà Hoa chỉ trầm ngâm: “Tiếc lắm, nhưng gia đình không có người nối nghiệp, nên nghề nem không giữ được”.
Ngã ba Vũng Liêm giờ vẫn nhộn nhịp với hàng quán và xe cộ qua lại đông đúc, nhiều tiệm treo bán nem của xứ khác, nem Vũng Liêm chỉ còn lại hương vị thời xa vắng.
Khách mua nem ở ngã ba Vũng Liêm, vùng nem một thời nổi danh với hương vị nem bà Xí Sẩm.
Từ món “ăn chơi” thành thương hiệu nổi tiếng
Qua ngã ba Vũng Liêm bây giờ, hành khách đã quen ăn nem Lai Vung hay nem Sáu Xệ Vĩnh Long. Nem Sáu Xệ cũng đã có tiếng vang từ nghề truyền thống, ngày nay, nem Sáu Xệ được cải tiến, mẫu mã đẹp hơn.
Chú trọng quy trình sản xuất sạch, anh Nguyễn Phước Thịnh- chủ lò nem Sáu Xệ (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho hay: “Với mong muốn đem đến sản phẩm an toàn, cơ sở không dùng phẩm màu. Áp dụng quy trình sản xuất sạch, nâng chất lượng để thương hiệu đi xa hơn”.
Giữ nghề truyền thống nhưng phải tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cũng là câu chuyện đương đại ở xứ nem Lai Vung.
Theo ông Võ Hoàng Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành: “Cái nôi” của nem Lai Vung là ở các xã Tân Thành, Long Hậu và thị trấn Lai Vung. Riêng Tân Thành có nhiều thương hiệu nem rất nổi tiếng như Giáo Thơ, Hoành Khánh, Hoàng Yến, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Út Thẳng,…
Để giúp sản phẩm địa phương vươn xa hơn nữa, chính quyền huyện, xã đã hỗ trợ các cơ sở xây dựng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng chất bảo quản, độc hại”.
Đó cũng là hướng làm ăn đúng để phát triển và đưa sản phẩm địa phương lên tầm cao mới.
“Tôi chuyển nghề giáo viên sang làm nem gần 20 năm, nhờ người chị bà con chỉ nghề. Lúc đầu rất gian nan, đạp xe năn nỉ từng điểm bán lấy hàng giùm, thời gian dài khách “ăn quen”, chiếc nem của mình mới trụ được.
Tôi đã đầu tư thêm máy móc, nâng chất lượng, sản phẩm đã có kênh phân phối ổn định, mở rộng thị trường, vào siêu thị…”- chị Trần Thị Kim Loan- chủ Cơ sở sản xuất nem Thanh Sơn (xã Tân Thành, Lai Vung) nói, vì mê vị chua ngọt của nem mà “làm hết mình cho nó ngon lên, người ta ăn nhớ hoài”.
Trong ẩm thực người miền Tây, nem không thể thiếu trong thực đơn món khai vị và là món ưa chuộng dịp lễ tết.
Làm nem không khó, nhưng theo chị Kim Loan: “Muốn nem ngon phải chọn thịt heo tươi, nóng, thớ thịt phải dẻo, da heo phải tươi. Sau làm sạch, xay, trộn, thêm ớt xanh, tỏi rồi mới gói lại trong chiếc lá chùm ruột và bao lớp lá chuối bên ngoài”…
Từng chiếc nem dù sản xuất theo quy trình hiện đại, cũng phải giữ được hương và sắc. Chiếc nem có màu sắc tự nhiên gói trong lá vông hoặc chùm ruột.
Nhờ sự “chung thủy” đó, không chỉ người làm nem, mà người dân Lai Vung cũng tự hào đặc sản của quê hương mình, đi đâu xa, thăm thú bạn bè, cũng xách vài chục nem làm quà.
Nguồn: LÝ AN- THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)