Phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL
     
TPHCM và 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thống nhất thành lập “Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng”. Theo các doanh nghiệp trong ngành, vấn đề quan trọng là sau ký kết các địa phương sẽ làm được gì và hỗ trợ nhau như thế nào để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói.
 
Khách du lịch tham quan điểm du lịch điện gió của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh
 
Hành trình 10 năm của những lần đồng ý
 
Dự kiến, giữa tháng 12-2019, Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 địa phương vùng ĐBSCL sẽ chính thức được ký kết. Thế nhưng, con đường đi đến thống nhất quyết định cuối cùng này cũng không hề dễ dàng.
 
Tại buổi họp trao đổi về chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa lãnh đạo 13 địa phương ĐBSCL và TPHCM diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu hôm 20-11, ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết cách đây 10 năm, tức vào năm 2009, tại Hội nghị phát triển du lịch sông và biển đảo ĐBSCL, đơn vị này đã đề xuất thành lập ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Thời điểm đó, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đã đồng ý và giao Tổng cục Du lịch tiến hành thành lập ban điều phối này.
 
Ba năm sau đó, tức vào năm 2012, nhân hội nghị của Bộ VH-TT&DL với UBND thành phố Cần Thơ, đơn vị này tiếp tục đề xuất như trên và được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL lúc bấy giờ là ông Hoàng Tuấn Anh đồng ý giao Tổng cục Du lịch làm thủ tục thực hiện.
 
Ông Phong cho biết, đến năm 2014, ông Hoàng Tuấn Anh cử một đoàn công tác đến 13 địa phương ĐBSCL khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho ĐBSCL, một lần nữa Bộ VH-TT&DL tiếp tục đồng ý thành lập ban điều phối. “Nhưng cũng trôi qua hoài, chứ không được thực hiện”, ông nói.
 
Đến tháng 4-2017, nhân sự kiện triển khai Luật Du lịch mới tại Cần Thơ, Phó chủ tịch phụ trách mảng du lịch của tỉnh Kiên Giang mời thường trực 13 địa phương ĐBSCL về Phú Quốc họp trao đổi liên kết và thành lập ban điều phối. “Nhưng đến tháng 8-2018, tức thời điểm họp, chỉ có hai tỉnh là Hậu Giang và Long An dự”, ông cho biết và nói rằng ý tưởng thành lập ban điều phối lại tiếp tục thất bại.
 
Theo ông Phong, đến tháng 9-2019, tại diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và ĐBSCL, đơn vị này tiếp tục đề xuất thành lập ban điều phối hợp tác, phát triển du lịch ĐBSCL. “Sau khi tôi trình bày, anh Dương (ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu - PV) cũng đề xuất thành lập ban điều phối và anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM - PV) cũng đề cập thành lập hội đồng phát triển du lịch ĐBSCL với TPHCM”, ông cho biết.
 
Tại cuộc họp hôm 20-11, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết 13 địa phương ĐBSCL và TPHCM đã thống nhất thành lập hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng. “Dự kiến, lễ ký kết sẽ chính thức diễn ra vào giữa tháng 12-2019 tới”, ông nói.
 
Tạo cơ chế thúc đẩy du lịch
 
Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc thành lập hội đồng nêu trên nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và giá trị tài nguyên du lịch của TPHCM và 13 địa phương ĐBSCL; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.
 
Ông Trần Hùng Việt - người có 41 năm làm trong ngành du lịch và là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng liên kết, chân tình và nghiệp vụ là những điều bắt buộc ngành du lịch phải có. “Nhưng, vấn đề quan trọng nhất là sau khi ký kết thành lập hội đồng, chúng ta làm được cái gì và sẽ hỗ trợ lẫn nhau như thế nào?”, ông nhấn mạnh.
 
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, vấn đề liên kết du lịch giữa ĐBSCL với TPHCM đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Thực tiễn đang vướng nên các địa phương phải kết nối với nhau nhằm phát huy hiệu quả nhiều hơn. Du lịch của Việt Nam nói chung và đặc biệt là của ĐBSCL đang có ba điểm nghẽn. Thứ nhất là hạ tầng du lịch của ĐBSCL, trong đó việc kết nối với hạ tầng giao thông là điểm yếu rất lớn.
 
Điểm yếu thứ hai, đó là sản phẩm du lịch. “Lâu nay, các địa phương chủ yếu khai thác tài nguyên du lịch sẵn có như đờn ca tài tử, du lịch sông nước miệt vườn, nó “na ná” nhau giữa các địa phương nên dễ tạo sự nhàm chán đối với du khách”, ông Hiệp nhận xét.
 
Điểm yếu thứ ba là về nguồn nhân lực du lịch. Nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức, đặc biệt là những người quản lý du lịch được đào tạo bài bản đáp ứng ở tầm khách sạn hạng sang, ĐBSCL chưa đáp ứng được.
 
“Như vậy, sắp tới phải làm gì?”, ông Hiệp nêu câu hỏi và cho rằng phải tập trung vào giải quyết những điểm nghẽn yếu kém như nêu trên của du lịch vùng. Đầu tiên phải giải quyết được việc tổ chức, thực hiện các quy hoạch, không chỉ trong ngành du lịch mà kể cả tổng thể ngành giao thông. Thứ hai, phải tạo ra sản phẩm độc đáo hấp dẫn, không chỉ dựa vào điều kiện tài nguyên sẵn có, mà phải có đầu tư. Cuối cùng là nâng cao nguồn nhân lực.
 
Theo ông Hiệp, việc tổ chức thực hiện hội đồng liên kết du lịch phải thực chất và hiệu quả. “Hội đồng này phải có thực quyền, nó phải có tác động với chính quyền để tạo ra cơ chế, chính sách để phát triển, đầu tư kết nối”, ông nói.
 
Cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vào hai việc lớn, gồm tạo ra những sản phẩm du lịch kết nối với nhau để tránh giữa tỉnh này với tỉnh kia cùng xây dựng sản phẩm giống nhau, tức việc đầu tư phải có những phân khúc và theo lợi thế riêng. “Cùng là khai thác sông nước miệt vườn, nhưng phải có khác biệt”, ông Hiệp nhận xét và nói rằng trong liên kết này cũng phải giải quyết được bài toán nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn chứ không phải đào tạo nhân lực chung chung. 
 
Trung Chánh
TIN LIÊN QUAN