Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40km, quận Thốt Nốt nổi tiếng với làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hơn 200 tuổi. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức bánh quê, mà còn tận tay làm bánh, được chia sẻ bí quyết và kỳ công của những người giữ lửa làng nghề.
Các lò bánh tráng ở Thuận Hưng luôn hoạt động quanh năm. Ảnh: ÁI LAM
Theo những người lớn tuổi địa phương, nghề làm bánh tráng đã có từ rất lâu. Ban đầu, người dân làm bánh ăn chơi, mời khách trong dịp Tết, lâu dần, nhiều người đến đặt hàng và các lò bánh mọc lên. Hiện làng nghề Thuận Hưng còn khoảng 52 hộ làm bánh thủ công, tập trung nhiều ở ấp Tân Phú, Tân Thạnh.
Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại: bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Bánh mặn có nêm muối, dẻo và giữ được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh lạt giòn hơn, dùng cuốn tôm thịt. Bánh nem có cỡ nhỏ. Bánh dừa có pha thêm nước cốt dừa và mè. Mỗi loại bánh cũng có nhiều kích cỡ, nhỏ nhất có đường kính hơn 3 tấc và lớn nhất (bánh đại) gần 4 tấc. Bánh tráng Thuận Hưng được tiếng mịn, thơm mềm mùi gạo, beo béo vị dừa, hương mè và mùi nắng giòn. Để làm ra những chiếc bánh ngon như thế, bà con nơi đây có những bí quyết riêng.
Cô Hà Thị Sáu phơi bánh. Ảnh: ÁI LAM
Nằm cạnh sông Thơm Rơm, nhà cô Hà Thị Sáu, làm nghề bánh đã hơn 30 năm, lúc nào cũng đỏ lửa lò. Gia đình 3 thế hệ nhà cô, ai cũng thành thạo các công đoạn làm bánh. Người pha bột, đổ bột, người tráng bánh, người phơi, người buộc… bằng sự tỉ mẩn và tình yêu nghề. Cô Sáu cho biết, mỗi ngày cô thức dậy từ 3 giờ sáng, làm bánh đến 10 giờ đêm, bởi mỗi chiếc bánh hoàn thành phải qua hơn 10 công đoạn. Đó là lúc trời nắng hanh ráo, chứ trời mưa bão vất vả hơn nhiều. Cô Hà Thị Sáu nói: “Cực vậy chứ cô không có bỏ nghề”. Một phần vì làm bánh là nghề nuôi sống gia đình, một phần cô muốn giữ nghề để nhiều người biết đến bánh quê. Chính vì lẽ đó mà mỗi kỳ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, cô đều tham gia, mang cả bếp lò xuống lễ hội làm bánh để mọi người xem. Nhờ vậy mà bánh tráng Thuận Hưng được nhiều người biết hơn, cô cũng vui lây.
Cách nhà cô Hà Thị Sáu không xa, gia đình chú Sáu Giai (tên đầy đủ là Phan Văn Giai) cũng là cơ sở làm bánh lâu năm ở đây. Chú Sáu Giai cũng nói làm bánh cực lắm, nhưng hễ thấy bà con quanh xóm nổi lửa là mình lại nôn nao rồi cũng không bỏ được. Chú Sáu Giai chia sẻ, sở dĩ bánh tráng Thuận Hưng được ưa chuộng vì có bí quyết riêng trong khâu pha bột, dùng hoàn toàn là bột gạo. Gạo được sản xuất ở vùng Thốt Nốt, thu hoạch về để trong 4- 6 tháng mới làm bánh, bởi nếu gạo mới quá thì bánh dễ rã, nướng không giòn đều; gạo cũ quá bánh nướng lên xốp nhưng không giữ được vị ngọt. Sau khi lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, gạo được ngâm rồi đem xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua rồi pha bột với nước sao cho vừa, dằn thêm chút muối hột để vị bánh đậm đà và bánh lâu hư. Công đoạn tráng bánh cũng rất công phu, lửa chỉ được để liu riu, tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng và không bị nát. Mỗi chiếc bánh trung bình được tráng và đưa lên vỉ trong khoảng 10 giây. Chú Trịnh Văn Thà, cơ sở có hơn 15 năm ở làng nghề, nói thêm: “Mình còn phải tranh thủ chạy đua những khi trời nắng thì bánh mới bóng, đẹp, chất lượng. Vậy mới an tâm”. Vậy nên đặt chân đến làng bánh tráng Thuận Hưng những ngày nắng đẹp, du khách sẽ thấy vô vàn vỉ bánh được phơi đều tăm tắp.
Nhờ những người yêu nghề, Thuận Hưng nay trở thành điểm thu hút du khách đến tìm hiểu về làng nghề lâu năm và gặp gỡ những người đã giữ lửa làng nghề.
ÁI LAM