Đầu năm đến nay, lượng khách tham quan Di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ (tọa lạc tại số 8, đường Ngô Gia Tự, quận Ninh Kiều) tăng vọt. Khách tham quan từ học sinh, sinh viên, người cao tuổi đến khách nước ngoài… đều có những phút lắng lòng bên địa chỉ đỏ, xúc động trước sự hy sinh, gian khổ và can trường của một thế hệ hùng anh.
Học sinh tham quan Khám Lớn Cần Thơ. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Một sáng Chủ nhật, hơn 200 học sinh Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều, đến tham quan và tìm hiểu Di tích Khám Lớn Cần Thơ. Các em nghiêm cẩn trước bàn thờ, cúi đầu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đầy thành kính. Rồi khi tham quan, tận mắt chứng kiến từng hạng mục của các dãy nhà giam, được nghe tội ác của giặc với các chiến sĩ yêu nước của ta, các em bồi hồi, xúc động. Sự truyền cảm của thuyết minh viên về những câu chuyện: tình mẫu tử của một nữ chiến sĩ bị tù đày, tình đồng chí - đồng đội trong cảnh lao tù… khiến nhiều em bỗng đỏ hoe đôi mắt vì xúc động. Em Phạm Đức Toàn, học sinh lớp 9, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, nói: “Em thực sự nể phục sự gan dạ và bản lĩnh của những người bị giam cầm ở Khám Lớn. Em càng yêu quý sự thanh bình hôm nay và biết ơn thế hệ đi trước đã đánh đổi xương máu để cho chúng em được sống trong yên bình”. Còn với em Nguyễn Lưu Phương Anh, bạn đồng khối với Toàn, thì cho biết, dù đây là lần đầu tiên đến tham quan Khám Lớn Cần Thơ, nhưng đọng lại trong em là hai từ “Xúc động” và “Tự hào”.
Không riêng gì học sinh, cô Nguyễn Lâm Hằng Phượng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, nói rằng, không biết đã bao lần cô dẫn học trò tham quan Khám Lớn Cần Thơ. Nhưng mỗi lần đến là mỗi lần cô đều xúc động, dâng trào niềm tự hào truyền thống dân tộc. Cô Trần Thị Ánh Nga, cùng cháu ngoại đi tham quan Khám Lớn Cần Thơ, cũng cho rằng: “Những chuyến đi như thế này ý nghĩa lắm. Những câu chuyện lịch sử sống động sẽ có tác dụng giáo dục cho giới trẻ rất lớn”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, cho biết: Từ đầu năm đến nay, số lượt khách tham quan Di tích Khám Lớn Cần Thơ tăng cao, hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, có khoảng 2.200 lượt khách tham quan với 16 đoàn và hàng trăm lượt khách nước ngoài, chỉ trong 1 tháng rưỡi qua. Một trong những nguyên nhân gia tăng lượng khách như thế là do Khám Lớn Cần Thơ vừa được trùng tu khang trang, sạch đẹp. Ban Quản lý di tích thành phố - đơn vị trực tiếp quản lý Khám Lớn Cần Thơ - còn chủ động đa dạng các hoạt động thu hút khách như chiếu phim tài liệu về Khám Lớn Cần Thơ, các di tích trên địa bàn thành phố, tổ chức cho học sinh các trường thi câu hỏi, trò chơi củng cố kiến thức sau khi tham quan và tặng thưởng bằng những phần quà nho nhỏ… Nhờ vậy mà số lượng các trường học tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu Khám Lớn ngày càng nhiều. Đoàn nào đến, Ban Quản lý di tích cũng tổ chức lễ thắp hương, tưởng niệm rất trang trọng, như sự khởi đầu cho hành trình tìm về một thời “máu và hoa” của dân tộc tại Khám Lớn Cần Thơ.
Khám Lớn Cần Thơ được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1876-1886 trên diện tích gần 3.800m2, như một công cụ cai trị của chính quyền thực dân lúc bấy giờ. Sau năm 1954, Khám Lớn Cần Thơ được đổi thành Trung tâm cải huấn. Nhưng dù tên gọi nào thì Khám Lớn Cần Thơ vẫn là nơi giam giữ, đọa đày các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Khám Lớn Cần Thơ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.
baocantho.com.vn