Luật Du lịch ra đời (có hiệu lực năm 2006) đã tạo khung pháp lý để du lịch phát triển. Những năm qua, lãnh đạo thành phố Cần Thơ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho “ngành công nghiệp không khói” này phát triển. Về phía ngành du lịch cũng không ngừng nỗ lực để thu hút ngày càng nhiều du khách. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế vốn có, ngành du lịch Cần Thơ vẫn chưa phát triển xứng tầm. Mới đây, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố đã tổ chức giám sát tình hình thi hành Luật Du lịch tại TP Cần Thơ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp phát triển du lịch TP Cần Thơ thời gian tới.
Theo đánh giá của các thành viên trong đoàn giám sát, từ khi Luật Du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở thành phố đi vào nề nếp, góp phần rất lớn vào công tác lập lại trật tự trong kinh doanh và quản lý du lịch. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay thành phố có 28 điểm vườn du lịch, khu vui chơi giải trí và homestay đang hoạt động, phục vụ khách du lịch đến tham quan… Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố từng bước hoàn thiện, có 226 cơ sở lưu trú với 6.192 phòng; trong đó, có 104 khách sạn từ 1 đến 5 sao (số lượng 3.240 phòng). Nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch trong độ tuổi khá trẻ, có trình độ chuyên môn cao. Đến năm 2015, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch là 4.120 người, trong đó, trình độ thạc sĩ là 28 người, đại học là 1.027 người, cao đẳng là 396 người, trung cấp là 613 người, các ngành khác và chưa qua đào tạo là 2.056 người. Nhờ đó, năm 2015, thành phố đã thu hút 1.169.070 lượt khách đến lưu trú, tham quan, trong đó, có 207.060 lượt khách quốc tế và 1.412.010 lượt khách nội địa… Năm 2015, tổng doanh thu du lịch đạt 1.747 tỉ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2006.
Các đại biểu tham gia phát biểu tại buổi giám sát. |
Theo đánh giá của một số thành viên đoàn giám sát, mặc dù hoạt động du lịch đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của thành phố. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao. Ông Võ Anh Huy, Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố nêu thí dụ: “Hiện tại, chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, một số người kinh doanh chưa ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên ném rác thải xuống sông gây ảnh hưởng đến môi trường và tạo dấu ấn không đẹp trong mắt khách đến tham quan”. Các thành viên đoàn giám sát kiến nghị UBND thành phố cần có những quy định đầy đủ và cụ thể hơn về việc bảo vệ, sử dụng và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời làm rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc phát triển và quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch trong sạch, văn minh, an toàn, đặc biệt tại các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch.
Một vấn đề nữa mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm là vào dịp lễ hay Tết, lượng khách đến với Cần Thơ thường tăng cao, kèm theo đó là giá cả tại các điểm tham quan bị “đẩy” lên gấp đôi, ba lần so với giá niêm yết. Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch vẫn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng hình ảnh và con người Cần Thơ. Các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng quan tâm và có biện pháp chế tài để phát triển TP Cần Thơ trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Tại cuộc giám sát, các thành viên cho rằng một số quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng, công tác quảng bá sản phẩm và các quầy trưng bày quà lưu niệm chưa thực sự được quan tâm nên chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan… Bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Hiện tại, huyện Phong Điền có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, thành phố tạo điều kiện cho một số nhà vườn và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển du lịch; đồng thời, có chính sách khuyến khích, miễn giảm thuế đối với một số điểm du lịch mới hình thành để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đến tham quan”…
Kết thúc đợt giám sát, bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố đánh giá cao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện Luật Du lịch và các văn bản có liên quan. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà Trần Thị Xuân Mai lưu ý Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Đồng thời, sớm có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương để phục vụ và thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, sớm phối hợp với các ngành, các cơ quan có liên quan xây dựng biểu tượng du lịch TP Cần Thơ…
Bài, ảnh: THANH THƯ
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/
- Miền Tây trên bản đồ giao thông mới (29/05/2023)
- Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại TP. Cần Thơ (06/04/2023)
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với khu vực và thế giới (19/03/2023)
- Thành phố Cần Thơ có 7 điểm du lịch tiêu biểu cấp ĐBSCL (31/10/2022)
- Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2017 (27/04/2017)