Ngày hội du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ lần thứ I- 2017 (Ngày hội) được xem là nỗ lực của Cần Thơ trong việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xúc tiến du lịch. Lần đầu tổ chức, Ngày hội để ngỏ những khả năng phát triển và hoàn thiện trong tương lai.
Đông đảo du khách ngắm hoa đăng từ Cầu đi bộ. Ảnh: Kiều Mai
Rủ nhau xem hội hoa đăng
Dòng người đông kín khu vực cầu đi bộ và bến Ninh Kiều để thưởng lãm hoa đăng trên dòng Khai Luông, chứng tỏ sức hút của Ngày hội. Hoa đăng trên sông với nhiều hình dạng khác nhau mang lại cho người xem nhiều cảm xúc. Có thể nói, sự kiện văn hóa này là sáng kiến hay của Cần Thơ, vừa xúc tiến du lịch, vừa tạo nơi vui chơi, giải trí cho nhân dân. Nhiều khách tham quan cũng đã chọn mua những chiếc đèn hoa đăng nhỏ xinh, giá từ 10 ngàn đến 20 ngàn đồng, thả trên sông rạch, cầu mong những điều tốt lành.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như trò chơi dân gian, cho chữ thư pháp, giới thiệu đặc sản quận, huyện của TP Cần Thơ, trình diễn và trưng bày bánh dân gian Nam bộ… Nhiều du khách đã dừng lại để xem hơn 1.000 quyển sách được trưng bày phục vụ của Thư viện TP Cần Thơ và Thư viện quận Ninh Kiều. Những cuốn sách viết về đất và người Cần Thơ được chuyền tay. Còn nghệ nhân Hai Thơm (phường An Bình, quận Ninh Kiều) tham gia trưng bày bánh lá dừa tại Ngày hội hào hứng: “Bà con đi coi hoa đăng đông vui, còn khen bánh tui gói ngon, tôi mừng lắm”.
Ở gian hàng quận Ninh Kiều, album ảnh “Ninh Kiều- Cần Thơ, xưa và nay” được khách tham quan dừng chân thưởng lãm khá đông. Những hình ảnh cung đường cũ, công trình xưa và dấu ấn phát triển hôm nay của đô thị trung tâm Cần Thơ là câu chuyện dài bằng ảnh kể với người xem. Bác Trần Hoàng Chiến, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, nói: “Ảnh tư liệu này thật có giá trị, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về lịch sử phát triển của Ninh Kiều, của Cần Thơ”.
Trong dòng người đông đúc đến bến Ninh Kiều và cầu đi bộ mỗi tối, chúng tôi còn gặp rất nhiều khách nước ngoài, du khách từ miền Trung, miền Bắc, cũng thích thú với hoạt động văn hóa này ở Cần Thơ. Chị Đoàn Lê Thảo Yên, đến từ tỉnh Bắc Ninh, vui vẻ kể, chị đã thưởng thức những món bánh dân gian Nam bộ như bánh tét, bánh chuối, bánh bèo… ngon và độc đáo. Những hoa đăng trên sông tuy chưa thật xuất sắc nhưng đã hòa vào không gian chung của đô thị sông nước Cần Thơ. “Đây là chuyến du lịch thú vị và may mắn vì đúng vào dịp đêm hoa đăng Cần Thơ”- chị Thảo Yên nói.
Kết nối du lịch: Cần đầu tư
Những ngày diễn ra Ngày hội, vào ban đêm có hàng ngàn du khách chen lấn, thưởng ngoạn hoa đăng, tham gia các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tiếc nuối. Du khách Huệ Minh cho biết: “Tôi cùng bạn bè chạy từ Vĩnh Long qua xem, nhưng hơi hụt hẫng vì hoa đăng thưa thớt. Ánh sáng dọc hai bên sông cũng không đủ, nên không được lung linh như tưởng tượng, hoa đăng cũng không đa dạng kiểu dáng”.
Không gian trình diễn nhạc ngoài trời thu hút đông đảo du khách tại Ngày hội. Ảnh: Kiều Mai
Với 32 hoa đăng dự thi, cùng hơn 200 hoa đăng do đại biểu thả vào đêm khai mạc, trên thực tế, du khách chỉ có thể thưởng lãm chừng hai chục cái, được bố trí lưa thưa từng đoạn, khó làm nên không gian lung linh sắc màu. Du khách Hữu Thắng (Hà Nội), nói: “Từ cầu đi bộ nhìn xuống, hoa đăng khá bắt mắt nhưng tiếc là hơi ít. Nếu có bến cho du khách xuống thả hoa đăng thì mới ý nghĩa, đằng này chúng tôi muốn thả phải nhờ các bạn đoàn thanh niên dùng cây đưa hoa đăng xuống, thế còn gì là thú vị. Hoa đăng thả xuống cứ thế mà trôi đi mất, mà không có khu vực riêng giữ lại, nên trên sông chỉ có lưa thưa mấy hoa đăng lớn”. Trong hai ngày đầu diễn ra sự kiện, có hơn 200 hoa đăng được bán ra nhưng vì không có bến thả nên du khách đa phần tiếc nuối mang về. Du khách có thả thì hoa đăng cũng nhanh chóng bị dòng nước cuốn trôi đi.
Ngày hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo du khách, từ đó mở ra những ý tưởng hay cho du lịch về sau. Anh Trọng Nghĩa (Cần Thơ), nói: “Cũng nhờ có sự kiện mà cầu đi bộ, Bến Ninh Kiều sôi động hơn khi có nhiều hoạt động để du khách tham gia. Tôi nghĩ các ban nhạc trẻ, các gian hàng bánh dân gian bên kia cầu đi bộ cần được duy trì thường xuyên. Nếu Ngày hội được tổ chức lần nữa thì chúng tôi mong sẽ có nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm hơn”. Nơi thu hút đông đảo du khách nhất trong Ngày hội là các gian hàng bánh dân gian bên kia cầu đi bộ và sân khấu ngoài trời, gần bến du thuyền- nơi các ban nhạc trẻ biểu diễn ngoài trời. Tại các khu vực này, du khách được tham gia, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực thoải mái. Anh Chí Nhân, đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Du lịch Cần Thơ cần thêm nhiều hoạt động giải trí trong không gian cộng đồng như thế này, nhất là ban đêm”. Các gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch của các quận, huyện cũng thu hút nhiều du khách. Chị Kim Hằng (Kiên Giang), nói: “Giờ tôi mới biết Cần Thơ cũng có nhiều đặc sản: bánh tráng Thốt Nốt, bánh đa Vĩnh Thạnh, dâu Hạ Châu Phong Điền… cũng như các điểm đến”.
Ngày hội lần đầu được tổ chức, còn để lại nhiều tiếc nuối và cả những hiến kế, mong đợi về sự thay đổi, bứt phá cho du lịch Cần Thơ. Dẫu vậy, sự kiện cũng đã cho thấy nhu cầu và hướng mở cho các hoạt động vui chơi, giải trí của du khách đến Cần Thơ, nhất là các hoạt động về đêm. Trên cơ sở này, tin rằng ngành du lịch thành phố sẽ có hướng đầu tư trọng điểm, nhất là xác định chú trọng chất lượng, bản sắc khi tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội. Từ đó, hình thành được những sản phẩm đặc trưng, thu hút và níu chân du khách.
ÁI LAM- MỸ THƠ
Đón trên 55.000 lượt khách (CT)- Trong 3 ngày diễn ra “Ngày hội du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ” (Ngày hội), du lịch Cần Thơ đón trên 55.000 lượt khách. Trong đó, du khách tập trung đông nhất vào đêm 19 và 20-8, thưởng lãm hoa đăng, các chương trình nghệ thuật biểu diễn đờn ca tài tử, không gian âm nhạc đường phố các hoạt động trò chơi dân gian, trình diễn bánh dân gian. Hội thi “Hoa đăng Ninh Kiều hội tụ và tỏa sáng” là hoạt động điểm nhấn với trên 30 hoa đăng dự thi và trưng bày trên rạch Khai Luông. Kết quả, hoa đăng của đơn vị Phòng quản lý đô thị quận Ninh Kiều đạt giải nhất; 2 giải nhì thuộc về hoa đăng của Công ty cổ phần Thoát nước Cần Thơ và đơn vị phường Hưng Lợi; 3 giải ba trao cho hoa đăng của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, đơn vị huyện Thới Lai và phường An Hòa. Theo đánh giá từ Ban tổ chức, các hoạt động của Ngày hội diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách; đồng thời tạo được sức lan tỏa, thu hút du khách. Tuy nhiên, do lần đầu tổ chức nên Ngày hội còn nhiều hạn chế, số lượng hoa đăng còn ít chưa đáp ứng kỳ vọng của du khách về đêm hoa đăng lung linh sắc màu, các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách còn thiếu tính đa dạng. Ông Nguyễn Trung Nhân, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, cho biết: “Ninh Kiều xác định Ngày hội sẽ là sự kiện thường niên được tổ chức mỗi năm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Kiều. Rút kinh nghiệm lần đầu, năm sau, địa phương sẽ chủ động hơn trong các khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, nhất là các hoạt động để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm. Từ sự kiện lần này, sắp tới, Ninh Kiều sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cùng các đơn vị hữu quan, nghiên cứu và tổ chức một số hoạt động thường kỳ (cuối tuần hoặc mỗi tháng) tại Bến Ninh Kiều, rạch Khai Luông để thu hút du khách”. Kiều Mai |