Được ví như “trái tim” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng của một “đô thị miền sông nước” điển hình. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thành phố Cần Thơ nỗ lực tìm giải pháp phục hồi du lịch thông qua việc liên kết với các tỉnh, thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Hấp dẫn đô thị miền sông nước
Từ nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ được biết đến như là “đô thị miền sông nước” với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và các chợ nổi trên sông độc đáo. Đặc biệt, với các điểm tham quan nổi tiếng như bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ nổi Cái Răng, các vườn cây ăn trái cùng nhiều công trình di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và làng nghề truyền thống đã tạo nên các sản phẩm tour hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) - điểm đến thu hút khách bởi những nét văn hóa đặc trưng miền sông nước.
Bằng việc khai thác những giá trị văn hóa điển hình để tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng, các doanh nghiệp lữ hành tại Cần Thơ đã xây dựng nhiều sản phẩm tour đa dạng, phong phú như: Khám phá sông nước Mekong, xuôi dòng Cửu Long giang, khám phá nét văn hóa phương Nam, một ngày làm điền chủ, ngày hội bánh - trái Mỹ Khánh, tham quan Chợ nổi Cái Răng - vườn trái cây...
Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có nhiều loại hình thương mại dịch vụ và vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Đặc biệt phải kể đến những dịch vụ du lịch hấp dẫn như: Trải nghiệm dịch vụ tàu cao tốc hiện đại của Công ty cổ phần Mai Linh Tây Đô với tour Cần Thơ - Côn Đảo; tour khám phá chợ nổi và miệt vườn sông nước, ngắm hoàng hôn sông Mekong bằng tàu gỗ Mystic Sampan...
Trải nghiệm làm bánh tại Làng du lịch Cồn Sơn (thành phố Cần Thơ).
Với những tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng nổi trội so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Du lịch Cần Thơ đã đón 5.605.865 lượt khách du lịch (giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2019); khách du lịch lưu trú đạt 2.020.145 (giảm 32,8% so với cùng kỳ).
Trong đó, khách quốc tế lưu trú ước đạt 111.420 lượt (giảm 72,7% so với cùng kỳ), khách nội địa lưu trú ước đạt 1.908.725 lượt (giảm 26,5% so với cùng kỳ); tổng thu từ du lịch ước đạt 3.169 tỷ đồng (giảm 28,6% so với cùng kỳ).
Tăng cường liên kết
Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang được khởi động trở lại, trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng đến việc kết nối các doanh nghiệp du lịch của tỉnh với các địa phương trong cả nước, các tỉnh, thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Hà Nội và Cần Thơ trong việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: “Thành phố Cần Thơ cùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hà Nội cùng với các tỉnh, thành phía Bắc có vị trí địa lý, khí hậu và tài nguyên, sản phẩm du lịch chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của hai vùng miền riêng biệt. Đây là lợi thế khác biệt, hỗ trợ lẫn nhau nhằm kết nối tour tuyến, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch giữa các địa phương”.
Những năm qua, thành phố Hà Nội và thành phố Cần Thơ đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng: “Mỗi địa phương đều có những thế mạnh, tiềm năng riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương có sức hấp dẫn riêng, có thế mạnh riêng về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phong phú, cung cấp cho du khách”.
Du khách tham quan nhà cổ Bình Thủy (thành phố Cần Thơ).
Cùng quan điểm trên, ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư Hà Nội (Hanotours) chia sẻ: “Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Cần Thơ sẽ giúp các doanh nghiệp Hà Nội kết nối và mở rộng thêm đối tác cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, việc liên kết hợp tác này cũng giúp cho các doanh nghiệp Hà Nội có thêm những sản phẩm mới đến Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung trong thời gian tới”.
Nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đề xuất, hai cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần cam kết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc sắc và phải lấy khách du lịch nội địa làm trọng tâm; bảo đảm sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, hai địa phương cần tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương; thực hiện liên kết website; phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc...
Ngày 18-11-2020, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Quảng bá, xúc tiến du lịch “Đến với Cần Thơ, đô thị miền sông nước”.
Tại hội nghị, hơn 20 doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Cần Thơ đã giới thiệu đến các doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc nhằm hưởng ứng chương trình Kích cầu du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khuôn khổ hội nghị, 8 doanh nghiệp đại diện cho hai thành phố Cần Thơ và Hà Nội đã ký kết hợp tác nhằm tăng cường trao đổi khách trong thời gian tới.
http://hanoimoi.com.vn/