Cần Thơ: Du lịch sông nước Tây Đô “khoác áo mới”
     
Thành phố Cần Thơ (nhiều người vẫn quen gọi là Tây Đô) được bao bọc bởi những con sông lớn như sông Hậu, sông Cần Thơ, Bình Thủy… đồng thời kết nối với những trục giao thông quan trọng, tạo điều kiện đưa Tây Đô trở thành điểm dừng chân hấp dẫn của du khách. Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần và nhiều điểm du lịch của Tây Đô được “khoác áo mới”, sẵn sàng đón khách.  
 
Du khách chèo xuồng vui chơi ở Làng du lịch Mỹ Khánh
 
Tái đầu tư phục vụ xuân
 
Đầu năm 2021, khách du lịch như được mở lòng khi đến vui chơi ở Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) để thưởng thức “Vị ngọt miền Tây” tại Ngày hội bánh và trái ngon Mỹ Khánh. Nhiều du khách khá thận trọng đeo khẩu trang nhưng không giấu sự phấn khích khi tham quan gần 100 gian hàng với các loại bánh dân gian, trái cây đặc sản, ẩm thực đặc sắc vùng miền và các loại thức uống dân gian...
 
“Thông qua ngày hội, chúng tôi mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương, tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của các nghệ nhân. Qua đó, giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người văn hóa Nam bộ đến với du khách gần xa, góp phần lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng…”, ông Lê Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh, cho biết.
 
Làng du lịch Mỹ Khánh rộng tầm 30ha, nằm trên tuyến lộ Vòng Cung, chạy cặp sông Cần Thơ, tạo điểm nhấn “trên bến dưới thuyền” lâu nay, nên thu hút du khách khắp nơi trải nghiệm vùng cây trái trĩu quả của huyện Phong Điền. Được hình thành vào năm 1996, nơi đây hiện được xem là khu du lịch sinh thái miệt vườn “đỉnh nhất” Cần Thơ. Nhiều hoạt động vui chơi sôi động như khám phá cội nguồn phương Nam, xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật, câu cá, đua heo, đua chó, xiếc khỉ… diễn ra mỗi ngày. “Em ở Cần Thơ, cuối tuần gia đình mới có dịp đến đây. Thật thú vị khi được chụp hình bên những khung cảnh rặt ri miền quê Nam bộ như cầu khỉ, ghe xuồng chở đầy hoa xuân”, Tường Vy, một bạn trẻ ở quận Ninh Kiều, cho biết.
 
Phong Điền còn có Làng du lịch sinh thái Ông Đề (xã Mỹ Khánh) cũng được “khoác áo mới” cho không gian mang đậm chất thôn quê miệt vườn, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước. Tại đây, du khách được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, check-in, chụp hình phim trường tái hiện hình ảnh ngày tết cổ truyền Việt Nam với chủ đề Xuân 2021 “Tết quê mình”.
 
Anh Đào Minh Tuấn, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Cuối tuần, tui cùng vợ và 2 con gái đến vui chơi. Cả nhà rất thích chụp hình bên bếp xưa, nhà rơm, phố mai đào, giếng làng; tìm hiểu cách gói bánh tét; cùng thưởng thức cá lóc nướng trui, cá trê vàng chấm nước mắm gừng, lẩu cá sông nấu trái bần...”
 
“Chạm vào quá khứ”
 
Làng du lịch Mỹ Khánh, làng du lịch sinh thái Ông Đề, chợ nổi Cái Răng và Khu du lịch Cồn Sơn, đang tạo ra “bộ tứ” du lịch miền sông nước hiền hòa ở Tây Đô. Trong đó, Cồn Sơn được xem như một điểm du lịch thân thiện, đậm chất điền dã, đưa du khách chạm vào lại những nét quê của người Nam bộ xưa.
 
Khách cần 20 - 30 phút đến Cồn Sơn - cách bến Ninh Kiều khoảng 10km. Không ít người biết đến Cồn Sơn nhờ hình ảnh, clip quảng bá “cá lóc bay”, hay trên bè cá sặc phun nước thành tia cao để bắt mồi… Trong khi đó, chợ nổi Cái Răng ngày càng sôi động nhịp sống thương hồ khi không khí tết cổ truyền đến gần. “Trên 70% số du khách đến Cần Thơ đều tham quan chợ nổi Cái Răng. Ở đây, khách có thể tận mắt trải nghiệm tập quán sinh hoạt rất đặc trưng của người dân vùng sông nước”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ, cho biết.
 
ĐBSCL còn các chợ nổi như Cái Răng (TP Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long). Riêng chợ nổi Cái Răng có khoảng 250 - 300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản, trên 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hàng ngày, vào giờ cao điểm có trên 200 lượt tàu đưa đón khách tham quan. Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ vui chơi giải trí phát triển.
 
Soạn giả Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) cho rằng, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn trong việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Theo đó, cần nghiên cứu, mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm. Tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ... đảm bảo đúng chất chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay.
 
Ngoài ra, còn có những nét văn hóa đặc trưng khác như làm bánh dân gian, gói bánh tét, bếp quê, cầu khỉ, xuồng ba lá, nhà rơm… là phương thức, không gian hấp dẫn, để du lịch sông nước ở Tây Đô quyến rũ du khách dịp Tết Tân Sửu sắp đến... Nói như chị Lê Thị Bé Bảy, một trong nhiều hộ làm du lịch gia đình ở Cồn Sơn (TP Cần Thơ): Phải đoán được cảm xúc của du khách, giúp họ chạm vào quá khứ của chính vùng đất họ đặt chân đến, để rồi cảm nhận, yêu mến và tiếp tục trở lại.
 
Cao Phong
Nguồn: Báo SGGP 
TIN LIÊN QUAN