Sáng ngày 6-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” tại khách sạn Victoria Cần Thơ.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Mỹ Trinh
Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang bước vào đợt phong tỏa mới để khống chế Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và xây dựng hình ảnh “điểm đến an toàn” để kích cầu du lịch. Và “du lịch an toàn” là tiêu chí ưu tiên hàng đầu đối với du khách. Chính vì vậy, hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” nhằm cùng các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan chức năng chia sẻ ý tưởng, giải pháp cho một quy trình vận hành du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới như hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố Cần Thơ có vị trí, điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không và đường thủy thuận lợi; là điểm đến, điểm trung chuyển kết nối du khách của vùng ĐBSCL nên rất cần sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các tiêu chí du lịch an toàn. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng điểm đến du lịch an toàn là yếu tố tiên quyết để phục hồi các hoạt động du lịch, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc khôi phục và phát triển hoạt động du lịch hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.
Để ứng phó và thích ứng với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, thời gian ngành du lịch thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí an toàn dành cho cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và các khu điểm du lịch (10 tiêu chí); xây dựng Kế hoạch truyền thông giới thiệu điểm đến an toàn, đa dạng hình thức tuyên truyền, nhằm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá Cần Thơ là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng. Trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, hầu hết các doanh nghiệp du lịch có ý thức cao trong việc thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh: trang bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, chuẩn bị phòng riêng để cách ly…
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhu cầu an toàn du lịch đang đặt ra ba yêu cầu để thực hiện phát triển du lịch an toàn. Một là, sự hợp lực với cách tiếp cận hệ thống, thực hiện theo chuỗi để chuyển đổi phương thức hoạt động du lịch để phù hợp tình hình mới. Hai là, an toàn du lịch phải có tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Mỗi thành phố hiện đều có tiêu chuẩn an toàn riêng nhưng chưa có một tiêu chuẩn chung theo vùng, theo quốc gia; do vậy, cần liên kết để xây dựng, ban hành chung cho cả quốc gia theo vùng, theo ngành như vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống… Thứ ba, tiêu chí an toàn du lịch cần phải công nghệ để thực thi hiệu quả.
Từ góc độ một doanh nghiệp du lịch, Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ, cho biết đây là thời điểm để doanh nghiệp, địa phương kích cầu du lịch trở lại khi nhu cầu du lịch của khách tăng cao trở lại sau đợt dịch thứ hai. Vietravel đã phục vụ 15.000 lượt du khách. Bà Thy cho rằng ngành du lịch cần triệt để thực hiện việc truyền thông về du lịch an toàn: đó là du lịch phải an toàn và cần đảm bảo an toàn khi đi du lịch. Nếu doanh nghiệp đồng ý tham gia kích cầu, sản phẩm ưu đãi, nhưng tâm lý e ngại của du khách không được gỡ bỏ thì sẽ khó trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch.
Kết thúc buổi hội thảo, các diễn giả đều thống nhất rằng cần có những bộ quy chuẩn chung trong vấn đề an toàn du lịch để tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị du lịch đều tình nguyện thực hiện vì lợi ích riêng lẫn vì một nền du lịch an toàn.
Mỹ Trinh - TTPTDL