Đi đôi đẩy mạnh công tác tuyển sinh 2017, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch (CĐ NDL) Cần Thơ nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo; qua đó cung cấp nhân lực tay nghề cao, phục vụ phát triển du lịch các địa phương.
Một góc cơ sở mới của Trường CĐ NDL Cần Thơ.
Tập trung tuyển sinh
Thành lập vào năm 2007, Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Năm 2014, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ từ sơ cấp đến CĐ nghề, phục vụ lĩnh vực du lịch khu vực ĐBSCL.
Năm học 2017-2018, trường tuyển 135 sinh viên (SV) cho 4 ngành đào tạo CĐ (thời gian học 2,5 năm): Quản trị lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và Hướng dẫn du lịch. Trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển trên cơ sở điểm tổng kết 3 năm học trong học bạ THPT. Bậc trung cấp, trường tuyển 200 học sinh (HS) cho các ngành hệ trung cấp (thời gian học 1,5 năm): Hướng dẫn du lịch, Quản lý và kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Nghiệp vụ lễ tân, Kỹ thuật chế biến món ăn. Đối tượng xét tuyển: Thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc hết lớp 12 nhưng chưa tốt nghiệp THPT, xét tuyển trên cơ sở điểm tổng kết của 3 năm học THPT.
Trường có quy mô đào tạo hơn 500 HSSV theo học 4 nghề CĐ và 4 nghề trung cấp. Theo lãnh đạo nhà trường, hiện nay, số thí sinh trúng tuyển CĐ làm thủ tục nhập học đạt gần 120% chỉ tiêu được giao. Riêng hệ trung cấp, trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ tuyển sinh đến cuối năm 2017. Thí sinh tốt nghiệp THCS học các ngành trung cấp được miễn học phí trong quá trình học tại trường.học kỳ/ SV. Tất cả HSSV của trường đều được hưởng các chế độ chính sách theo quy định nhà nước; HSSV đạt học lực khá, giỏi được học bổng khuyến khích học tập…
Nâng chất đi đôi hỗ trợ tìm việc
Qua 9 năm hoạt động, tập thể cán bộ, giảng viên, HSSV Trường CĐ NDL Cần Thơ nỗ lực dạy và học, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu đào tạo NDL trên địa bàn TP Cần Thơ và ĐBSCL. Trường hiện có 50 cán bộ, giảng viên; trong đó có 10 thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh. Hầu hết giảng viên của trường đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành du lịch, như: buồng, bar, bếp, bàn, lữ hành, hướng dẫn trong nước- quốc tế…
Tháng 7-2017, trường đã di dời sang địa điểm hoạt động mới (có diện tích 5ha) ở Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Cơ sở vật chất mới được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của Bộ VHTT&DL, tạo điều kiện thuận lợi để thầy trò nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã giải ngân trên 90% khối lượng công trình, hoàn thành 2 khối (Giảng đường- Y tế và Khối Hiệu bộ- Thư viện). Trong đó, khối Giảng đường- Y tế được đầu tư các trang thiết bị hoàn toàn mới, với hơn 60 phòng học đạt chuẩn. Nổi bật là các phòng học lý thuyết, thực hành cho các chuyên ngành: Phòng thực hành bếp Á, bếp Âu, nghiệp vụ lữ hành, hướng dẫn, nghiệp vụ bartender... đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.
Từ năm 2006, trường được dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực du lịch” (gọi tắt LUX-DEV VIE031) hỗ trợ cho HS du học tại Luxembourg; đến nay đã có 13 HS nhận được học bổng này.
Thông thường cứ sau 1 năm, các thực tập sinh được cấp chứng chỉ nghề của nước sở tại, trở về nước có cơ hội làm việc ở các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc được giữ lại làm giáo viên cơ hữu tại trường. Ngoài ra, trường còn tăng cường thực hành, tổ chức đi thực tế và tập trung giảng dạy chuyên sâu.
Việc thực tập tại các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành… giúp HSSV nâng cao kỹ năng tay nghề, còn được trả lương (từ 70.000 đồng- 100.000 đồng/ ca). Trung bình mỗi năm, trường cung cấp cho thị trường lao động ngành du lịch trên 300 nhân sự, trên 90% học sinh tốt nghiệp tại trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành, với mức lương khởi điểm khoảng từ 4 triệu đồng/ tháng.
Trường vẫn còn một số khó khăn về kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ, giảng viên; chưa có đường chính vào trường (hiện đang đi đường phụ),… nên rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản để trường phát triển bền vững. Những khó khăn này của trường cũng đã được Bộ VHTT&DL ghi nhận và sẽ sớm giải quyết.
Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Năm học 2017-2018 là năm học đầu tiên trường hoạt động ở điểm mới. Để nâng cao chất lượng, năm nay, trường tập trung xây dựng chương trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, theo hướng tiếp cận với thực tế tại doanh nghiệp; rút gọn chương trình, giúp người học giảm chi phí, sớm tham gia thị trường lao động du lịch hiện đang rất thiếu nhân lực. Đồng thời tiếp tục hợp tác với các đơn vị ngoài trường, giúp HSSV có cơ hội tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp”.
Nguồn: http://baocantho.com.vn