Đẩy mạnh hợp tác toàn diện Nhật Bản - ĐBSCL
     
Trong khuôn khổ hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, bên cạnh các cuộc gặp gỡ, kết nối, hội nghị còn diễn ra 3 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề hợp tác phát triển trong các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, y tế, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, văn hóa - du lịch và giáo dục đào tạo - hợp tác nguồn nhân lực... Tại đây, các đại biểu ĐBSCL và Nhật Bản đã cùng nhau trao đổi các lĩnh vực tiềm năng mong muốn hợp tác. Đồng thời, hai bên đưa ra các giải pháp, thể hiện cam kết sẽ cùng nỗ lực để tăng cường mối giao lưu, hợp tác giữa Nhật Bản - ĐBSCL.
 
Thời điểm thích hợp
 
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng thực chất trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện sự tin cậy chính trị cao đúng như tinh thần quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” mà hai nước thống nhất xác lập năm 2014. Hợp tác cấp độ địa phương giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển sôi động. Hiện nay, đã có 35 cặp hợp tác địa phương giữa hai nước được xác lập. Không chỉ tập trung tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng về khu vực ĐBSCL. Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), bày tỏ quan ngại, biến đổi khí hậu đang là vấn đề lo lắng của ĐBSCL, đó là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Để kiểm soát hiện tượng này, JICA đang hỗ trợ cho tỉnh Bến Tre xây dựng dự án quản lý nguồn nước và một số dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong khu vực. JICA cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hiệu quả vốn hỗ trợ; đưa các tình nguyện viên đến hỗ trợ cho ĐBSCL.
 
Các đại biểu Nhật Bản tham quan gian hàng trưng bày của TP Cần Thơ tại hội nghị.
 
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian qua, nhờ sự hợp tác Việt - Nhật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của nông sản. Hiện, Nhật Bản là đối tác quan trọng thứ 4 của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (lúa, tôm, hạt điều, cao su...). Cùng đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nông sản từ Nhật Bản (cá trích, cá hồi, phụ liệu cao su...). Tại ĐBSCL, Nhật Bản hỗ trợ thực hiện các dự án như: phát triển giống hoa, điện gió và xây dựng cầu giao thông nông thôn tại tỉnh Bạc Liêu, liên kết xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cùng các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu. ĐBSCL đang định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa gạo, rau màu, trái cây, thủy sản nên rất cần sự đầu tư quan tâm hợp tác của các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản. Cùng đó, ĐBSCL đang cần hỗ trợ trong việc đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, đặc biệt cho nhân lực vùng nông thôn và phát triển du lịch sinh thái…
 
Ông Takahashi Ayumi, Giám đốc Điều hành JNTO cho rằng, việc tổ chức sự kiện gặp gỡ Nhật Bản - khu vực ĐBSCL là một hoạt động kịp thời nhằm thu hút nhà đầu tư và du khách Nhật Bản. Để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, các địa phương trong khu vực cần nâng cao năng lực tiếng giao tiếp tiếng Nhật. Bên cạnh đó, cần chú trọng quan tâm các doanh nghiệp của Nhật Bản đã đầu tư vào các địa phương và sử dụng họ như một kênh để quảng bá cho địa phương mình.
 
Hợp tác toàn diện các lĩnh vực
 
ĐBSCL với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, và đây cũng là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của hai bên trong phiên thảo luận. Với diện tích đất nông nghiệp hiện còn khá khiêm tốn, TP Cần Thơ quan tâm theo đuổi mục tiêu sản xuất giống lúa, hoa màu, thủy sản. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đề xuất: TP Cần Thơ và doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác hình thành hệ thống nhân giống rau, hoa chất lượng cao phục vụ nhu cầu địa phương và các tỉnh trong khu vực. Thành phố mong muốn tiếp nhận và chuyển giao các thành tựu về công nghệ sinh học trong lai tạo, chọn giống thủy sản mới từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, hợp tác ứng dụng công nghệ tự động hóa nâng cấp các thiết bị, dây chuyền sản xuất để ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống thủy sản.
 
Thời gian qua, Bạc Liêu hợp tác cùng doanh nghiệp Nhật Bản hình thành vùng sản xuất tôm sạch tại địa phương. Mặc dù đã đạt được thành công nhưng vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục hợp tác, đầu tư từ Nhật Bản. Trong đó, địa phương cần nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, như: hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi; phát triển hệ thống điện để phục vụ sản xuất và kết nối hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, tổn thất trong nuôi tôm sạch hiện vẫn còn ở mức 15-20%, lẽ đó, địa phương luôn cần cập nhật, bổ sung khoa học công nghệ của Nhật Bản để nâng cao chất lượng. Đồng thời, yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao để quản lý, chăm sóc, phòng trị bệnh cho quy trình tôm sạch còn thiếu thốn. Đây là lĩnh vực rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ Nhật Bản.
 
Hợp tác kinh tế và văn hóa như hai bánh xe song song. Bởi một khi đã hiểu về văn hóa của đất nước, con người là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế. Với quan điểm này, ông Ando Toshiki, Giám đốc Japan Foundation - Nhật Bản bày tỏ: Một trong những hoạt động phía Nhật Bản rất muốn triển khai đó chính là giới thiệu điện ảnh của Nhật đến người dân khu vực ĐBSCL. Với mối quan hệ mật thiết Việt Nam - Nhật Bản, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng gia tăng. Song, các cơ sở dạy tiếng Nhật hiện chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Người Việt biết tiếng Nhật sẽ là cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia. Nhật Bản đang tiến hành điều tra số lượng cơ sở dạy tiếng Nhật tại ĐBSCL. Trên cơ sở đó sẽ triển khai hợp tác cùng các địa phương vùng ĐBSCL mở các cơ sở dạy tiếng Nhật...
 
Tuyết Trinh - Nam Hương
http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN