Khơi thông tiềm năng du lịch cù lao Tân Lộc
     
Cù lao Tân Lộc là địa chỉ sớm thu hút khách tham quan từ những năm 1980 nhờ làng nghề chế biến đường cát từ cây mía, vườn cây ăn trái, lễ hội và nhiều ngôi nhà cổ. Thế nhưng gần 40 năm sau, du lịch cù lao Tân Lộc vẫn chưa có gì đột phá mạnh mẽ...
 
Lung sen ở đầu cù lao Tân Lộc.
 
Điểm lại những nét chính của du lịch cù lao Tân Lộc, có thể thấy không nhiều: lễ hội vào Mùng năm tháng năm âm lịch, đông vui trong 3 ngày; một vài chủ vườn gắn với thương hiệu dân gian như Sáu Tia, Già Thành Nam, gần đây là vườn dừa Hai Nhường. Nhưng vườn Sáu Tia đang gặp khó trong đầu tư phát triển. Già Thành Nam đóng cửa bởi ngoài cây bằng lăng cổ thụ cũng không còn gì thu hút. Ông Hai Nhường trồng được 7 công vườn dừa, mạnh dạn biến thành điểm du lịch. Một năm đầu rất khả quan, thế rồi vì nguyên nhân khách quan, lượng khách đến vườn ông cũng tụt giảm. Nhà cổ thì ngoài cụ Trần Bá Thế nhiệt tình tiếp khách nhưng cũng khó khăn vì ông đã ngoài 90 tuổi, các nhà còn lại khách muốn tham quan, xin chụp vài bức ảnh kỷ niệm cũng khó.
 
Tình trạng trên bất hợp lý trong khi Tân Lộc giàu tiềm năng du lịch. Đây là cù lao ở vùng tiếp giáp ngã ba sông, giao điểm giữa thành phố Cần Thơ- An Giang- Đồng Tháp, nằm trên tuyến lữ hành sông nước Cần Thơ- An Giang- Campuchia, lại cách vườn cò Bằng Lăng vài cây số chim bay. Cù lao dễ dàng đón khách qua nhiều đường tàu, đò, phà đưa tới. Thế mạnh để khai thác du lịch cù lao Tân Lộc là tắm cồn, du thuyền sông nước, di tích tôn giáo, lịch sử, văn hóa, lễ hội, đờn ca tài tử, vườn cây ăn trái, làng bè thủy sản… Ở cù lao Tân Lộc có 4 ngôi chùa, 2 ngôi đình, 17 ngôi nhà cổ, 200ha ao nuôi cá tra xuất khẩu, trên 700ha vườn cây ăn trái dọc theo hương lộ và 2 bên bờ cồn, hằng năm lại có Lễ hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc vào Tết Đoan Ngọ. Điều kiện thì đã đủ, thậm chí còn vượt trội hơn nhiều điểm khác.
 
Với địa hình và điều kiện thực tiễn cù lao Tân Lộc, để phát triển du lịch, cần chia thành 3 địa bàn trung tâm và những hộ nhỏ lẻ. 3 địa bàn trung tâm là đuôi cồn, giữa cồn và đầu cồn.
 
Thế mạnh ở đuôi cồn là hàng chục héc-ta bãi bồi rất ổn định từ bao đời nay, không có hiện tượng sụt lở. Hoạt động du lịch được quy hoạch chủ yếu của khu này nên là tắm cồn và ẩm thực. Việc cần làm ở đó là cắm cọc phân chia nhiều lô, những lô để cát- bùn tự nhiên, những lô cần lót lên lớp đal để lúc thủy triều lên xuống người tắm đi không bị lún, xây dựng nhà tắm nước sạch, phòng thay đồ, những chòi- trại hóng gió, nghỉ ngơi, ăn uống… Hiện nay khu này đang phát triển tự phát và tùy hứng. Người ta tự đem ghe đưa khách ra bãi không người trông coi bảo vệ, cũng không có không gian để khách chiêm ngưỡng thưởng thức phong cảnh và ẩm thực.
 
Giữa cồn có 5 ngôi nhà cổ kiểu mẫu, đại diện các ngôi nhà cổ trên cù lao. Đó là nhà kiểu thuần Việt của cụ Huỳnh Công Kỷ, lẫm lúa của cụ Trần Văn Văn, nhà Việt lai Pháp của cụ Trần Bá Thế, nhà kiểu cung đình của cụ Cả Nguyên và Bá hộ Bếp. Ở đây còn có 2 di tích tín ngưỡng tâm linh: chùa Giác thuyền và đình thần Tân Lộc Tây. Tất cả đều nằm trong bán kính chưa đầy 1km, tạo thành cụm di tích liên hoàn tại vị trí trung tâm của cù lao, là điểm du lịch di tích hấp dẫn của cù lao Tân Lộc.
 
Đầu cồn còn gọi khu Khai Long có diện tích hơn 10ha, là khu trầm thủy tiếp giáp 2 bên dòng sông Hậu. Đối diện bên kia bờ phía Đông là huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Bờ phía Tây là rạch Bò Ót, phường Thới Thuận- nơi có vườn cò Bằng Lăng. Phía Bắc là cầu treo Vàm Cống vừa hoàn thành. Khu Khai Long là quỹ đất thuộc quyền quản lý của quận Thốt Nốt có từ 42 năm, chung quanh là bờ bao lớn được đào đắp bằng cơ giới, luôn giữ được mực nước ổn định cả mùa khô và mùa nước. Vì vậy, cần có phương án khai thác du lịch sinh thái. Với điều kiện tự nhiên, người khai thác chỉ cần mở rộng thêm diện tích trồng sen sẵn có, thêm bông súng, điên điển, chừa vài lạch nước để khách bơi xuồng, chạy vỏ lãi ngắm cảnh, sử dụng một số ao rộng thả cá để khách tự rải mồi xem cá ăn… Đồng thời xây một nhà trung tâm phục vụ cho những đoàn khách đông người làm nơi sinh hoạt, cùng chơi đờn ca tài tử, trưng bày sản phẩm lưu niệm. Nơi này thích hợp dựng một số nhà tranh tạm nghỉ và ẩm thực… Chung quanh bờ bao phần giáp nước thì trồng tràm, phần trên bờ thì trồng bạch đàn, chừa lối đi cho xe đạp.
 
Tất nhiên là 3 khu trung tâm trọng điểm vừa nêu sẽ thu tiền vé phù hợp với khách. Những điểm riêng lẻ như vườn Sáu Tia, Già Thành Nam, Hai Nhường… cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp nhiều dịch vụ khác phục vụ du khách. Điều quan trọng nhất trong thúc đẩy xã hội hóa du lịch cù lao Tân Lộc là phải có tác động từ chính quyền, từ việc giới thiệu, quảng bá, tìm đối tác, có chế độ ưu đãi về chính sách… Yếu tố quyết định cuối cùng là đường giao thông. Ngoại trừ đoạn đường chính 6km từ phà Thốt Nốt- Tân Lộc đến trụ sở UBND phường thì còn 2 đoạn đường thuộc địa bàn xuống đuôi cồn 4km và đoạn lên đầu cồn 3km hiện bề ngang chỉ có 4m. Vì vậy, cần mở rộng lên thành đường 6m thì đối tác đầu tư du lịch chắc chắn sẽ nhìn thấy hướng phát triển cụ thể hơn.
 
Hy vọng trong tương lai gần, cù lao Tân Lộc thật sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch ĐBSCL.
 
Nguồn: ĐOÀN NÔ - http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN