Kỳ vọng du lịch mùa cuối năm
     

Hòa trong sự phát triển chung của du lịch Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, du lịch ÐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đều tăng trưởng về lượng khách và doanh thu. Ðây là bước đệm để du lịch thành phố từng bước tăng tốc phát triển trong 6 tháng cuối năm.

 

Du khách trải nghiệm hoạt động làm cốm nổ tại cồn Sơn, Cần Thơ.

 

Khởi sắc

 

6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (năm đỉnh cao của ngành Du lịch Việt Nam trước dịch bệnh - PV). Khách nội địa đạt trên 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 436.500 tỉ đồng.

 

Tại ÐBSCL, tổng lượt khách đến đạt gần 30 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt trên 34.871 tỉ đồng. Nổi bật có Kiên Giang đạt gần 5,5 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 508.000 lượt, tăng 45% so với cùng kỳ năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 13.400 tỉ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Ðồng Tháp cũng bứt phá khi trong 6 tháng đầu năm 2024 đón trên 2,5 triệu lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu du lịch đạt khoảng 1.250 tỉ đồng, tăng 21,8%. Sự tăng trưởng đó là nhờ những thay đổi từ chính sách thị thực; các địa phương không ngừng đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch, nâng chất dịch vụ, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến về du lịch. Cụ thể: Lễ hội Sen lần II, Festival Hoa - kiểng Sa Ðéc, hoạt cảnh “chợ Ma” Ðịnh Yên (Ðồng Tháp); Tuần du lịch Phú Quốc, các đoàn famtrip Phú Quốc (Kiên Giang).

 

Tại Cần Thơ, tổng số khách tham quan, du lịch đến thành phố đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 3.300 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Cần Thơ cũng đã tổ chức nhiều sự kiện lễ hội thu hút du khách: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Cần Thơ Music Night Run….; đồng thời không ngừng đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trong đó có nhiều khách sạn lớn, hiện đại đi vào hoạt động, như: Charmant Suite & Boutique Hotel Cần Thơ, Wink Hotels Cần Thơ. Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch, điểm vườn mở rộng và phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng dịch vụ, như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn, Cần Thơ Eco Resort, Mekong Silt Ecolodge…

 

Hy vọng bứt phá cuối năm

 

Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, đánh giá: “Số liệu về lượt khách, doanh thu cho thấy du lịch ÐBSCL và Cần Thơ đều khởi sắc. Ðây là tiền đề để doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành kỳ vọng vào mùa du lịch 6 tháng cuối năm. Riêng tại Vietravel Cần Thơ, chúng tôi đạt tăng trưởng về lượt khách từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2023, đồng thời cũng đặt ra mục tiêu sẽ đạt mức tăng trưởng từ bằng cho đến hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019”.

 

Theo các doanh nghiệp, sự phục hồi du lịch ở ÐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng nhờ chú trọng làm mới sản phẩm, đa dạng hóa các dịch vụ, liên kết sản phẩm nội địa, nội vùng, cũng như sự đầu tư hạ tầng. Nhiều địa phương đã xây dựng những sản phẩm đặc trưng, hình thành những tour độc đáo riêng biệt, thu hút du khách. Ðiển hình như Ðồng Tháp có các sản phẩm khai thác gắn liền với sen, hoa kiểng, chợ chiếu Ðịnh Yên, Vĩnh Long có các sản phẩm gắn với làng gốm… Trong khi đó, Cần Thơ phát huy thế mạnh về hạ tầng, đầu tư cho du lịch MICE. Hiện tại thành phố có 638 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng. Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc khách sạn TTC Cần Thơ, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, công suất phòng đạt khoảng 73%, tổng doanh thu tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Hiện chúng tôi đã có gần 5.000 đêm phòng, phần lớn là khách inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch và lưu trú - PV) tập trung chủ yếu là ở quý IV năm 2024”.

 

Năm 2024, Cần Thơ dự kiến đón 6,1 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 3,1 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch khoảng 6.000 tỉ đồng. Sắp tới, Cần Thơ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng tuyến du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc trưng; đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trọng điểm về du lịch, hình thành các tuyến du lịch liên vùng, đa dạng điểm đến. Ðẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

 

Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ ra mắt các sản phẩm phù hợp thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong đó, chúng tôi có những sản phẩm mùa thu, hay những sản phẩm gắn với văn hóa bản địa, liên kết nội vùng”. Một số khu, điểm vườn du lịch: Làng du lịch Mỹ Khánh, Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn, Cần Thơ Eco Resort, vườn du lịch sinh thái Tuấn Tường… cũng đang triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch để phục vụ du khách trong mùa cuối năm. Ðây là tín hiệu để du lịch Cần Thơ phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng, tạo bứt phá trong cuối năm 2024.

 

Bài, ảnh: ÁI LAM

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

TIN LIÊN QUAN