TP Cần Thơ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL. Đối với ngành du lịch, ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Cần Thơ được xem là “đô thị sông nước” với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn với những cù lao trải dài trên sông Hậu.
Các điểm du lịch như: Chợ nổi Cái Răng; Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; Vườn du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Ba Cống, Vàm Xáng; Nhà cổ Bình Thủy; Vườn cò Bằng Lăng; Cồn Sơn; Cồn Ấu; cù lao Tân Lộc… đã trở thành những điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Cần Thơ.
Những năm gần đây, Cần Thơ đang tích cực đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; văn hóa du lịch kết hợp hội nghị, du lịch công vụ; triển lãm, lễ hội, thể thao, giải trí… nhằm tăng sức hấp dẫn với du khách.
Theo ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, 7 tháng của năm 2017, Cần Thơ đón gần 4,6 triệu lượt khách du lịch (tăng 38% so với cùng kỳ), đạt 82% kế hoạch năm. Số khách quốc tế lưu trú đạt 166.100 lượt khách (tăng 15%), đạt 62% kế hoạch năm; khách nội địa lưu trú ước 1,008 triệu lượt khách (tăng 10%), đạt 64% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.312 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), đạt 66% kế hoạch năm.
Ông Lâm Thế Cương hướng dẫn khách nước ngoài chế biến ca cao ngay tại nhà vườn của gia đình.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU ngày 12-5-2017 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung, như: tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, góp phần thực hiện đạt mục tiêu “Phát triển du lịch Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020”, trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch và vị trí trung tâm vùng ĐBSCL. Đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại – Du lịch huyện Phong Điền (Cần Thơ), cho biết: “Trên địa bàn huyện có 28 điểm du lịch thường xuyên, 9 điểm liên kết và 14 điểm di tích. Bảy tháng đầu năm 2017, toàn huyện đón khoảng 600.000 lượt khách, doanh thu trên 120 tỷ đồng, tăng trên 45% so với cùng kỳ. Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng du lịch sinh thái của huyện, như: hạn chế tối đa bê tông hóa tại các điểm du lịch sinh thái; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, quản lý du lịch. Đặc biệt, trung tâm sẽ thành lập website để đưa tin, hình ảnh về du lịch Phong Điền. Qua đó du khách có thể tìm hiểu và lựa chọn các điểm đến thích hợp”.
Năm 2013, huyện Phong Điền được TP Cần Thơ quy hoạch là vùng du lịch xanh của Cần Thơ nên nhiều nông dân được chính quyền địa phương vận động làm du lịch sinh thái.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 24 hộ nông dân làm du lịch, tập trung ở quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngoài ra, có 18 hộ tham gia mô hình nông dân liên kết làm du lịch ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Loại hình du lịch nông dân thu hút khoảng 30% - 40% lượng khách du lịch của Cần Thơ và chiếm từ 20% - 25% doanh thu ngành du lịch thành phố.
Theo ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, phát triển du lịch phải gắn với phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố. Cơ cấu lại ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xứng tầm với vị thế là trung tâm của vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại dựa trên những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo TTATXH và an sinh xã hội. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và xây dựng môi trường du lịch hướng đến mục tiêu thành phố Cần Thơ thực sự là “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng”.
Để du lịch Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 và đón khoảng 32 triệu du khách, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế thì việc liên kết, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch sẽ đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, cần phải hoạch định chính sách rõ ràng, có tính chiến lược, sắc bén, đầu tư trọng tâm để thu hút đầu tư cho du lịch. Có như vậy du lịch Cần Thơ mới trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Nguồn: Theo ĐỨC VĂN (Công An Nhân Dân)