Khởi đầu từ những người dân miền Trung di cư vào lập nghiệp và gây dựng cuộc sống, trải qua hơn 40 năm, ngôi làng làm nghề đan lưới ở Thơm Rơm khu vực Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, ngày nay đã phát triển trở thành một làng nghề đông đúc.
Nghề thân thuộc của vùng sông nước
Dọc theo Quốc lộ 91 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cả dãy dài những tay lưới óng ánh như lụa treo trước mái hiên của từng cơ sở sản xuất, cùng những âm thanh đạp chì liên hồi của những người thợ làng nghề đan lưới.
Những tay lưới óng ánh như lụa treo trước mái hiên của từng cơ sở sản xuất tại làng đan lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt, Cần Thơ).
Hình thành từ những năm 1980, do dân di cư từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Làng nghề đan lưới Thơm Rơm nằm ở ấp Tân Lợi và Tân Lợi 2 (xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Do làng nghề bên cạnh chiếc cầu có tên “Thơm Rơm” nên người dân nơi đây quen gọi là “Làng đan lưới Thơm Rơm”.
Chị Nguyễn Kim Huệ, một người dân tại làng - chia sẻ, gia đình chị đã làm nghề đan lưới 3 đời. Ở đây là vùng sông nước nên nghề này khá phù hợp với nhu cầu. Làm đến đâu bán hết đến đó. Vì vậy gia đình cứ tiếp nối nghề truyền thống.
Nơi đây, không chỉ người lớn mà hầu hết trẻ con cũng tham gia làm nghề và lại còn rất thành thạo. Đa số trẻ em thường phụ người lớn công đoạn đạp chì bằng những đôi chân thoăn thoắt trông rất lành nghề và nhanh nhạy.
Em Nguyễn Văn Toàn (16 tuổi) kể: “Ngày nào cũng làm từ 7h sáng đến gần 3h chiều, mỗi mảnh lưới được 4.000 đồng. Em cảm thấy vui khi làm công việc này, vì giúp em có tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày”. Qua lời kể của Toàn, từ lúc sinh ra đến nay, mọi người xung quanh đều làm nghề đan lưới nên em cũng theo nghề truyền thống ấy. Em đã nghỉ học từ sớm và hàng ngày vẫn theo nghề của quê mình.
Lưu giữ và phát triển nghề
Là người trong nghề lâu năm, chị Võ Ngọc Bích chia sẻ: Để cho ra một tay lưới hoàn chỉnh phải xử lý qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nhập lưới về, rồi cắt ra, xong luồn dây lại, rồi tới bắt phao và cuối cùng là dập chì.
Chị Võ Ngọc Bích vừa đan lưới vừa chia sẻ về quy trình làm nên một tay lưới.
"Sở dĩ lưới ở đây được người dân sử dụng nhiều do có độ bền cao, dễ giăng bắt cá, đan đẹp, mẫu mã đa dạng, đặc biệt giá lại thấp hơn lưới những nơi khác nên phù hợp với túi tiền của người lao động vùng sông nước. Giá lưới hiện nay dao động từ 60.000 - 500.000 đồng/tay lưới tùy từng loại", chị Bích cho biết thêm.
Lưới đan đẹp và mẫu mã đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Để có được những tấm lưới đẹp và chất lượng, đòi hỏi người thợ phải nắm rõ phương pháp, thành thạo từng khâu, từng công đoạn của quy trình đan lưới. Đặc biệt là rất cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo của cả đôi tay và đôi chân người làm nghề.
Đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo của người thợ.
Theo một số những chủ cơ sở làm nghề đan lưới cho biết, lúc đầu các cơ sở làm ra chỉ để bán cho bà con địa phương và các vùng lân cận. Nhưng đến hiện nay, sản phẩm đã được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An,... đặc biệt tiêu thụ với số lượng lớn tại các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong đó, thời điểm được tiêu thụ mạnh nhất là vào mùa nước nổi, khi nhu cầu đánh bắt thủy sản tăng cao.
Để duy trì làng nghề, người dân nơi đây phải thích ứng để phát triển, nghiên cứu, mày mò tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, ngoài sản xuất sản phẩm chính là lưới bắt cá còn kinh doanh thêm nhiều ngư cụ đánh bắt khác như chài, vó, vèo, lú, rập, và còn phát triển cả các ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển.
Nhiều mẫu mã đa dạng.
Lưới đánh bắt cá biển.
Không chỉ làm thủ công mà nhiều cơ sở sản xuất tại đây cũng đã bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tạo ra năng suất sản phẩm ngày càng nhiều, chất lượng tinh xảo, hạ giá thành, tăng thu nhập và hạn chế sức lao động chân tay.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trà Văn Sách (Chủ tịch phường Tân Hưng) - cho biết, đây là làng nghề tự phát do người dân di cư vào. Nhìn thấy được tay nghề của họ nên địa phương cũng đã nhiều lần vận động lên kế hoạch thành lập hợp tác xã để phát triển làng nghề. Tuy nhiên, đa số bà con vẫn muốn tự do chứ không muốn phụ thuộc bởi một đơn vị tổ chức nào. Chính vì thế, làng nghề đan lưới Thơm Rơm vẫn cứ thế lặng lẽ phát triển qua bao thế hệ.
Làng nghề đan lưới Thơm Rơm đã được UBND thành phố Cần Thơ công nhận làng nghề vào năm 2012. Hiện xóm lưới có khoảng 40 cơ sở sản xuất chính và hơn 300 cơ sở sản xuất gia công.
YẾN PHƯƠNG - HỒ THẢO
Nguồn: laodong.vn