Những người kết nối, lan tỏa văn hóa bản địa đến khách quốc tế
     

Trong hành trình kết nối, quảng bá văn hóa Việt đến du khách quốc tế, hướng dẫn viên đóng vai trò khá quan trọng. Hiện có nhiều bạn trẻ rất nhiệt huyết với công việc giới thiệu, lan tỏa hình ảnh, nét đẹp văn hóa bản địa miền Tây Nam Bộ.

 

Chuyện từ chiếc bánh khọt...

 

Du khách đến cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ thường bắt gặp hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn, vui vẻ và chuyên nghiệp trong vai trò hướng dẫn du khách quốc tế. Đó là Mai Thị Huỳnh Trang (sinh năm 2001), hướng dẫn viên địa phương tại cồn Sơn.

 

Mai Thị Huỳnh Trang (đội nón lá) cùng đoàn khách quốc tế tham quan cồn Sơn. Ảnh: NVCC

 

Huỳnh Trang luôn tạo bầu không khí thân thiện khi đưa những vị khách ngoại quốc tham quan cồn Sơn. Huỳnh Trang cho biết: “Người miền Tây rất hiếu khách và chân chất, có gì cũng chia sẻ cho nhau. Có lần tôi dẫn một gia đình du khách, họ rất ít nói bởi còn mệt mỏi trong hành trình dài xuyên Việt. Khi đón họ tại cồn Sơn, lúc đầu tham quan, họ cũng không để tâm, cho đến khi tôi mời họ chiếc bánh khọt. Chiếc bánh này vốn không có trong hành trình trải nghiệm, chỉ là tình cờ chúng tôi đi ngang qua nhà vườn Năm Minh đúng lúc má Năm Minh đang đổ bánh. Tôi đã xin một chiếc bánh để họ dùng thử, nhà vườn vui vẻ mời, còn mang thêm rau để ăn kèm. Khách bất ngờ vì điều này và từ đó mở lòng trò chuyện, hành trình cũng trở nên vui vẻ hơn. Người miền Tây mình vốn hiếu khách, nên tôi làm điều đó một cách tự nhiên để khách cảm nhận nét đẹp của con người nơi đây”. Gia đình Chuck Mercier (Mỹ) là đoàn khách mà Huỳnh Trang phụ trách. Họ ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân cồn Sơn, nên sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn, trong đó có lời hứa trở lại cùng Huỳnh Trang hỗ trợ lớp dạy tiếng Anh dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Huỳnh Trang còn nhiều câu chuyện tương tự trong quá trình giữ vai trò kết nối, quảng bá văn hóa bản địa đến du khách quốc tế. Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Huỳnh Trang rẽ lối làm hướng dẫn viên như là một cơ duyên. Ban đầu, Huỳnh Trang đến cồn Sơn với mong muốn trau dồi và thực hành tiếng Anh, thế nhưng sau thời gian dài tiếp xúc với người dân cồn Sơn, Huỳnh Trang đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Cách người dân đùm bọc, cùng nhau nỗ lực làm du lịch cộng đồng, vươn lên từ những mảnh vườn, bờ ao khiến cô gái đến từ Bạc Liêu muốn trở thành một phần trong đó. Huỳnh Trang nói: “Tôi có thể sử dụng lợi thế ngôn ngữ mà mình học được để cùng người dân kết nối, lan tỏa văn hóa bản địa, những nếp sinh hoạt truyền thống của người miền Tây. Tôi là người miền Tây nên tự hào và chia sẻ điều đó một cách tự nhiên”.

 

Thơm thảo tấm lòng người miền Tây

 

Nguyễn Thị Hồng Đoan (sinh năm 1999), đầu bếp cũng là người chịu trách nhiệm chính về các chương trình workshop tại Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Điền), có cách kết nối với khách quốc tế đậm chất miền Tây: dùng tấm lòng thơm thảo của người nơi đây đãi khách.

 

Nguyễn Thị Hồng Đoan (trái) hướng dẫn khách quốc tế nấu các món Việt từ nguyên liệu bản địa. Ảnh: Mekong Silt Ecolodge

 

Hồng Đoan có thế mạnh về chế biến các món ăn truyền thống ở các vùng quê ở Sóc Trăng, Cần Thơ… Cô gái quê Sóc Trăng thích tìm tòi, sáng tạo các món ăn và mạnh dạn giới thiệu ẩm thực Việt đến khách quốc tế. Chính nhờ thế, Hồng Đoan tạo sự thân quen với những khách lưu trú ở Mekong Silt Ecolodge. Trong đó, phải kể đến ông Silmon, du khách Mỹ rất yêu thích ẩm thực Việt. Ông Silmon vốn dự định ở khu nghỉ dưỡng này 3-4 ngày, nhưng vì sự thân thiện hiếu khách của nhân viên ở Mekong Silt Ecolodge, nhất là những món ăn của Hồng Đoan, ông đã kéo dài thời gian lưu trú đến cả tuần. Hồng Đoan kể: “Ông Silmon rất thích tìm hiểu về các loại rau củ quả ở Việt Nam. Ông ấy không ngại thử các món ăn làm từ các loại rau vườn. Bởi lẽ đó, mỗi khi làm ra món gì mới hay đơn giản là món ăn vặt, như sa kê chiên, tôi đều mời ông ấy ăn thử. Ông Silmon rất thích các món Việt dân dã. Ông ấy còn học tiếng Việt để đặt món đậu đũa yêu thích thường xuyên”. Hành động của Hồng Đoan rất quen thuộc, đó là tấm lòng thơm thảo, hiếu khách hay mời ăn của người miền Tây. Có gì ngon, mới lạ đều sẽ mời người quen thử. Sự thơm thảo đó, khách quốc tế cũng cảm nhận được.

 

Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Khách quốc tế ở Mekong Silt Ecolodge thường lưu trú dài ngày, có khách ban đầu chỉ ở đôi ba ngày thôi nhưng sau đó sẽ kéo dài lên cả tuần. Họ không có đi đâu xa chỉ ở đây hái rau vườn về nấu ăn, làm các workshop, đi dạo quanh xóm. Vậy mà họ thích, bởi vì người dân ở đây rất thân thiện”. Nhiều khách đi dạo quanh một vòng là mang về đủ loại trái cây, đồ ăn do người dân địa phương biếu, tặng.

 

Hồng Đoan cho biết: “Tính cách người miền Tây rất thân thiện, có lần khách mang về những trái bần được người dân dọc đường cho, hỏi ăn được không? Chúng tôi sẽ hướng dẫn khách cách thưởng thức, hoặc nếu khách có thời gian, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn khách nấu các món ăn từ nguyên liệu bản địa. Tôi cảm thấy rất tự hào khi mình có thể kết nối, giới thiệu văn hóa bản địa theo nhiều cách như thế, chỉ cần những hành động nhỏ thôi nhưng chân thật, chân thành khách sẽ cảm thấy ấm áp để quay lại”.

 

Giữ chất địa phương

 

Tự hào là người miền Tây là chia sẻ của hướng dẫn viên quốc tế Nguyễn Việt Phương (sinh năm 1995), nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH SOHA GROUP, khi nói về hành trình cùng khách quốc tế khám phá các cung đường Cần Thơ và ĐBSCL. Việt Phương thường đưa du khách khám phá những con rạch nhỏ và đạp xe trên những cung đường quê. “Đây là những cung đường mà qua đó khách quốc tế sẽ thấy được những hình ảnh chân thực về đời sống của người miền Tây. Dọc theo các con rạch nhỏ, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, cảm nhận văn hóa sông nước và cách ứng xử của người dân nơi đây. Với hành trình đạp xe trên đường quê, khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi gặp gỡ nói chuyện với người dân ở dọc đường” - Việt Phương cho biết.

 

Nguyễn Việt Phương (trái) cùng đoàn khách quốc tế trải nghiệm tour khám phá rạch nhỏ. Ảnh: NVCC

 

Với các tour rạch nhỏ, thi thoảng khách sẽ được trải nghiệm con nước lớn, con nước ròng, khi ghe mắc cạn và không ít khách quốc tế đã nhảy xuống lội bùn để phụ đẩy ghe. Đó là những câu chuyện đời thường của người dân vùng sông nước nhưng là trải nghiệm đầy ấn tượng với khách quốc tế. Họ có thể cảm nhận rõ nét về văn hóa bản địa của người địa phương, mà không phải ngôn từ nào cũng có thể diễn tả được. Việt Phương chia sẻ: “Cứ giữ những gì mộc mạc, bình dị tự nhiên là được. Tôi tự hào là người Cần Thơ và góp phần kết nối văn hóa địa phương đến du khách. Khi người hướng dẫn mang cảm xúc chân thật, tự hào và yêu vùng đất của mình thì mới có thể lan tỏa những điều tốt đẹp đến khách quốc tế”. Có lẽ đó là lý do nhiều khách quốc tế vẫn giữ liên lạc với Việt Phương, nhiều lần quay lại hay dẫn người thân, bạn bè đến Cần Thơ và ĐBSCL.

 

Thực tế, lợi thế ngôn ngữ giúp người hướng dẫn giữ vai trò kết nối với khách quốc tế, nhưng điều quan trọng vẫn là kiến thức và cảm xúc. Mỗi hướng dẫn viên có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa, tự hào về vùng đất của mình thì mới có thể truyền tải một cách chân thực, sinh động nét đẹp của quê hương và văn hóa con người bản xứ, từ đó tạo được dấu ấn trong lòng du khách quốc tế đến trải nghiệm. Đôi khi chỉ cần lời nói, hành động nhỏ nhưng lại là dấu ấn để du khách ghi nhớ về nét đặc trưng của mỗi vùng đất, con người nơi đó.

 

ÁI LAM

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

TIN LIÊN QUAN