Phát triển du lịch thành phố Cần Thơ trong xu thế hội nhập quốc tế
     
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, du lịch được xác định là một ngành có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 01-8-2016, của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch nêu rõ: 'Phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố…'.
 
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: CTV
 
Tiềm năng du lịch đa dạng
 
Thành phố Cần Thơ có các loại hình du lịch chủ yếu như: tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sông nước; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện); du lịch sinh thái;du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch đô thị… Mỗi loại hình du lịch thích hợp với một địa phương trên địa bàn thành phố.
 
Quận Ninh Kiều, quận trung tâm của Thành phố, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch đô thị nhờ có hệ thống cơ sở lưu trú, trung tâm hội nghị chất lượng cao; trung tâm thương mại, khu mua sắm hiện đại; hệ thống nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí phong phú, đa dạng… Quận cũng có nhiều địa điểm có khả năng tổ chức, đăng cai các sự kiện lớn như: Bến Ninh Kiều, công viên Lưu Hữu Phước, sân vận động Cần Thơ; các điểm di tích lịch sử như: Khám Lớn, Chùa Ông, Nhà lồng chợ Cần Thơ…; các điểm du lịch mới như: biển nhân tạo, cầu đi bộ… Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, thành phố đã và đang xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, phố đi bộ, phố hàng rong… và tổ chức thêm hoạt động cho du khách về đêm.
 
Quận Cái Răng với chợ nổi Cái Răng rất thích hợp phát triển loại hình du lịch tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sông nước. Đây cũng là sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn đặc trưng cho ngành du lịch Cần Thơ. Các hoạt động chủ yếu hiện nay của loại hình này gồm có: đi thuyền thưởng ngoạn cảnh quan, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, sinh hoạt của cộng đồng thương hồ, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực...
 
Quận Bình Thủy với hệ thống làng cổ, nhà cổ, đình, chùa cổ như: Chùa Hội Linh, Chùa Nam Nhã, Chùa Long Quang, Đình Bình Thủy và nhiều công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia (Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa) thích hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử. Đặc biệt, thời gian qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn gồm các hoạt động độc đáo như: biểu diễn cá lóc bay, tham quan vườn trái cây, tìm hiểu sinh kế, trải nghiệm cuộc sống cùng cư dân địa phương, homestay khá phát triển và thu hút du khách.
 
Quận Thốt Nốt được biết đến với hệ sinh thái tự nhiên độc đáo Vườn cò Bằng Lăng - một trong những sân chim lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hàng chục ngàn cá thể chim, cò sinh sống. Cù lao Tân Lộc được mệnh danh là “đảo ngọt” với những vườn cây ăn trái, nhiều loại hoa kiểng, hệ thống nhà cổ hàng trăm năm. Thốt Nốt cũng thu hút du khách với những làng nghề lâu đời như làng lưới Thơm Rơm, bánh tráng Thuận Hưng, xóm thúng Thuận An và sắp tới sẽ phát triển thêm một số làng nghề như khô cá lóc Thuận Hòa, đan đát và bánh dân gian phường Thốt Nốt,…
 
Huyện Phong Điền nổi danh với những vườn trái cây xum xuê trĩu quả, có nhiều khu du lịch, điểm vườn, homestay, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện còn có các điểm du lịch khác rất được du khách quan tâm như: Khu di tích Giàn Gừa, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam (được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014”).
 
Đặc biệt, Thành phố còn có hệ thống các cồn và cù lao tự nhiên. Trong thời gian tới, đây sẽ là nơi phát triển của các dự án đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao như: khu du lịch cồn Sơn, khu du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc, khu nghỉ dưỡng Vinpearl, khu resort Nova Phù Sa thuộc cồn Ấu,… Những điểm du lịch này hứa hẹn sẽ làm phong phú các sản phẩm du lịch của thành phố, phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.Ngoài ra, với vai trò trung tâm của cả vùng, Cần Thơ còn có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện lớn, quy mô cấp vùng và quốc tế. Đây là tiền đề để thành phố phát triển loại hình du lịch giáo dục, du lịch y tế.
 
Thực trạng phát triển du lịch
 
Về thị trường du lịch, khách quốc tế và nội địa đến du lịch thành phố Cần Thơ chủ yếu vào các ngày lễ, Tết và vào mùa khô. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ thu hút khoảng 13% lượng khách quốc tế đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khách nội địa chủ yếu từ các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
 
Về lượng khách, doanh thu, năm 2017, Thành phố đón khoảng 7,54 triệu lượt khách (chiếm khoảng 10% cả nước), tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 35% so với kế hoạch; trong đó có 2,18 triệu lượt khách lưu trú với khoảng hơn 305 nghìn khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.898 tỷ đồng (tương đương 0,58% cả nước), tăng 59% so với cùng kỳ và vượt 45% kế hoạch.
 
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ,trong giai đoạn 2015 - 2017, ngành du lịch Thành phố có sự tăng trưởng cả về số lượng du khách và doanh thu. Đặc biệt, năm 2017 có mức tăng trưởng khá mạnh nhờ nhiều sự kiện lễ hội lớn diễn ra như: Tuần lễ An ninh lương thực trong khuôn khổ hội nghị APEC, Giải bóng chuyền quốc tế, Hội nghị về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu cùng nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội đặc trưng của các quận, huyện.
 
Về nguồn nhân lực và đào tạo, hiện nay trên địa bàn Thành phố 03 trường đại học, 02 trường cao đẳng và 01 trường trung cấp có đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; khoảng 5.420 lao động đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 52%. Tuy nhiên, chất lượng lao động phân bố không đều,mức độ chênh lệch trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cũng khá lớn giữa các đơn vị sử dụng lao động.
 
Về quy mô, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch. Hiện nay thành phố có các loại hình kinh doanh chủ yếu như: lưu trú, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, lữ hành và mua sắm. Trong đó, kinh doanh lưu trú và ăn uống chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh thu, trong khi các lĩnh vực còn lại chiếm tỷ lệ khá thấp. Cụ thể:
 
- Kinh doanh lưu trú dẫn đầu về tỷ lệ đóng góp cho doanh thu ngành du lịch thành phố với mức bình quân 41,82%. Toàn Thành phố hiện có khoảng 270 cơ sở lưu trú du lịch cùng nhiều trung tâm hội nghị tiện nghi, hiện đại, có sức chứa lớn, đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao. Thành phố cũng đang triển khai thực hiện dự án Trung tâm hội nghị quốc tế 35 tầng gồm các công trình đa chức năng và khu vui chơi giải trí phục vụ công cộng (dự kiến nằm ở khu vực cồn Cái Khế). Đây là tiền đề để phát triển loại hình du lịch MICE hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.
 
- Về ẩm thực, Cần Thơ là nơi tập hợp rất nhiều những món ăn đặc sản nổi tiếng, đa dạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống các nhà hàng, quán ăn gia đình, quán ăn bình dân đến các gánh hàng rong, ăn vặt. Trong đó, các món ăn đặc trưng được nhiều du khách ưa thích là các loại bánh dân gian, các loại chè, các món chế biến từ sản vật đồng quê, các món ăn từ mắm… Bên cạnh đó, một số món ăn có thương hiệu địa phương nổi tiếng như: bánh tét lá cẩm Bình Thủy, bánh xèo Bảy Tới ở Ninh Kiều, nem nướng Anh Mập ở Cái Răng; heo quay bánh hỏi Phong Điền,…
 
- Về dịch vụ vui chơi giải trí, ngoài các trung tâm văn hóa, nhà hát, bảo tàng, công viên cây xanh... Cần Thơ còn có nhiều điểm vui chơi giải trí như sân băng, các rạp chiếu phim,vũ trường, quán bar, câu lạc bộ trò chơi trong các khách sạn lớn… Tuy vậy, nếu so với mặt bằng chung cả nước, các điểm vui chơi giải trí của Cần Thơ vẫn còn khiêm tốn cả về quy mô, số lượng và hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, Thành phố chưa có khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế.
 
- Về kinh doanh lữ hành, toàn Thành phố hiện có 54 doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Thành phố chưa có chiến lược kinh doanh, chưa có được sự đầu tư bài bản và đồng bộ. Vì thế, chất lượng và năng lực phục vụ chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường và khó đảm bảo phát triển bền vững lâu dài (chỉ đóng góp 2,07% doanh thu ngành).
 
- Về thương mại, mua sắm, toàn Thành phố có trên 100 chợ truyền thống, 12 siêu thị, trung tâm thương mại với đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ cơ bản cũng như các thương hiệu sản phẩm cao cấp trong nước và quốc tế. Tuy vậy, Thành phố vẫn còn thiếu các điểm mua sắm chuyên phục vụ đối tượng khách du lịch với các hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, dẫn đến tính hiệu quả và doanh thu của loại hình dịch vụ mua sắm du lịch chưa cao, khi chỉ đóng góp khoảng 2,01% trong cơ cấu doanh thu du lịch.
 
Những khó khăn, thách thức trong xu thế hội nhập quốc tế
 
Quá trình hội nhập quốc tế có tác động toàn diện, mạnh mẽ tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Bên cạnh việc mang lại những cơ hội như gia tăng lượng du khách, doanh thu; mở rộng giao lưu văn hóa; tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kinh doanh du lịch…;quá trình hội nhập quốc tế cũng mang lại nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành du lịch Cần Thơ phải nhận diện và đối mặt. Nhìn chung, ngành du lịch Cần Thơ đang đối diện với một số khó khăn, thách thức sau:
 
- Lượng du khách đến Thành phố có tăng nhưng thời gian lưu lại thường không lâu do thiếu hoạt động đặc sắc, hấp dẫn để giữ chân họ. Hoạt động du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu những hoạt động mang đặc trưng riêng, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, còn nhiều hạn chế về nguồn lực và hoạt động. Vì thế, du lịch Cần Thơ chưa trở thành một thương hiệu thật sự tạo ấn tượng mạnh cho du khách trong nước và quốc tế.
 
- Thành phố chưa có những khu du lịch, điểm du lịch lớn được đầu tư bài bản mà hầu hết còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, năng lực phục vụ hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao so với nhiều điểm đến tương đồng trong vùng, trong nước và quốc tế. Cần Thơ còn thiếu các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch một cách đồng bộ - chủ yếu vẫn là khai thác dựa vào các sản phẩm sẵn có, thiếu định hướng lâu dài, chưa bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
 
- Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra; số lao động qua đào tạo trực tiếp liên quan đến du lịch chưa nhiều; kinh nghiệm thực tế và kỹ năng nghề chưa cao, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, hạn chế này đã và đang là một trở lực cho sự phát triển ngành du lịch thành phố, làm giảm chất lượng dịch vụ và hạn chế khả năng liên kết quốc tế để phát triển du lịch.
 
- Bối cảnh hội nhập quốc tế làm xuất hiện nhiều hơn những xu hướng du lịch mới; nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, cũng trở nên đa dạng; dẫn đến sự đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng khắt khe hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành củaThành phố nhìn chung còn thiếu và yếu, nguồn lực phát triển còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu, nội dung tua du lịch còn trùng lặp.Thành phố cũng chưa có nhiều đường bay quốc tế kết nối trực tiếp với các nước khiến cho việc mở rộng và phát triển thị trường du khách, kết nối tua quốc tế gặp nhiều khó khăn.
 
- Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm du lịch hoạt động thiếu hiệu quả, doanh thu còn rất khiêm tốn, chưa xứng tầm với tiềm năng và vị thế của thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù đây được kỳ vọng sẽ là một trong những lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn từ du khách.
 
Một số giải pháp phát triển du lịch Cần Thơ trong xu hướng hội nhập quốc tế
 
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để đưa du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố trong vài thập kỷ tới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
 
Một là, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển thương hiệu ngành du lịch thành phố Cần Thơ.
 
Tuy có nhiều sản phẩm du lịch khác nhau nhưng một sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ đã được xác định là “Tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sông nước - tìm hiểu chợ nổi Cái Răng”. Thời gian tới, Thành phố cần tập trung phát triển loại hình sản phẩm du lịch này với các hoạt động như mở các tuyến du thuyền (buýt) đường sông cao cấp 3 sao trở lên và đặc biệt là các tua đường sông liên tỉnh và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động tiếp thị địa phương nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương Thành phố cũng như thương hiệu ngành du lịch Cần Thơ để nhiều người biết đến và có chỗ đứng vững chắc trong nước và quốc tế.
 
Hai là, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch.
 
Công tác huy động vốn đầu tư cần tranh thủ mọi nguồn lực, phát huy tối đa tính xã hội hóa trong huy động các nguồn vốn của thành phần kinh tế tư nhân và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách trong vai trò “vốn mồi”. Thành phố cần tập trung mời gọi có chọn lọc các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế để đầu tư những dự án một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Ngành du lịch cần nghiên cứu, tham mưu cho thành phố ban hành các cơ chế ưu đãi đối với các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của ngành du lịch theo tinh thần Quyết định số 1358/QĐ-UBND, ngày 12-5-2015, của Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ Phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến 2030”.
 
Ba là, chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
 
Hoạt động thu hút, đào tạo nguồn nhân lực là hoạt động mang tính lâu dài, cần được thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, ngành du lịch thành phố cần có chính sách khuyến khích công tác xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực du lịch; gắn công tác đào tạo với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động du lịch. Ngành du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố, thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo ngoài địa phương; chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các nhân viên phục vụ, bán hàng tại các khu, điểm du lịch.
 
Bốn là, nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành.
 
Để nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành, cần tập trung mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành đến kinh doanh trên địa bàn thành phố; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hiện tại nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng nghiên cứu, phát triển thị trường, tăng cường liên kết trong xây dựng tua, tuyến, mở rộng điểm đến trong vùng và các nước trong lưu vực sông Mê Công, chú trọng cải thiện chất lượng, cung cách phục vụ thay vì cạnh tranh về giá. Để hoạt động lữ hành quốc tế phát triển, thành phố cũng nên nhanh chóng xúc tiến việc mở mới các đường bay trực tiếp với các quốc gia là thị trường chủ yếu hoặc thị trường giàu tiềm năng của ngành du lịch thành phố.
 
Năm là,phát triển đa dạng các hoạt động, loại hình dịch vụ phục vụ du khách nhằm kích thích chi tiêu, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.
 
Hiện nay, nguồn thu chủ yếu của du lịch Cần Thơ là từ hoạt động lưu trú và ăn uống. Trong thời gian tới, để góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch, bên cạnh việc phát huy vai trò là “nơi ăn chốn ở” chất lượng cao của du khách khi đến miền Tây Nam Bộ, Cần Thơ cần chú trọng khai thác các tiềm năng về dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, kết hợp với hình thức du lịch đô thị; kêu gọi đầu tư thêm các khu vui chơi giải trí chất lượng cao, quy mô lớn với những loại hình phong phú, mới lạ như nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế (dự án sân golf, dự án trường đua ngựa, dự án “Thiên đường nước Cần Thơ”...). Ngoài ra, các sản phẩm như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe cũng rất phù hợp với những lợi thế về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ của thành phố và hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu rất lớn nếu được quan tâm đầu tư phát triển một cách bài bản, đúng mức./.
 
baomoi.com
TIN LIÊN QUAN