Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh
     

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế chung của thế giới, mà còn giúp các địa phương thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong xu thế chung đó, nhiều tỉnh thành tại ĐBSCL đang chú trọng xây dựng các mô hình du lịch xanh (DLX).

 

Định hướng phát triển DLX

 

Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc - UN Tourism xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường phát triển quan trọng, cần thiết và tất yếu bởi du khách ngày càng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố bảo vệ môi trường khi du lịch. Cụ thể, nghiên cứu của Trip Advisor cho thấy 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Thực tế, phát triển DLX không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.

 

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp hữu cơ tại Bảo gia Farm Camping (Hậu Giang).

 

Xác định tầm quan trọng của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng đề ra nhiều định hướng trong xu thế này. Cụ thể, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg có xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh: phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định các nhiệm vụ chiến lược: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

 

Phát triển DLX, du lịch có trách nhiệm với môi trường, với xã hội là xu hướng chung của thế giới, đồng thời là hướng phát triển tất yếu của du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu cũng như đảm bảo thực hiện đúng định hướng chiến lược phát triển. Do đó nhiều địa phương đang xây dựng và triển khai các mô hình DLX.

 

Những mô hình xanh ở ĐBSCL

 

ĐBSCL có nguồn tài nguyên phát triển DLX đa dạng và đậm bản sắc văn minh miệt vườn sông nước, thế nhưng cũng đối mặt không ít thách thức khi vùng đất này đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân làm du lịch lựa chọn thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua những mô hình kết hợp, sáng tạo giữa nông nghiệp và du lịch. Một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả và cải thiện đời sống của người dân vùng đất ngập mặn là du lịch thuận thiên tại cồn Chim, tỉnh Trà Vinh.

 

Cồn Chim có diện tích 62ha (trong đó đất nông nghiệp là 34ha), tọa lạc tại hạ lưu sông Cổ Chiên, gần biển nên chịu ảnh hưởng của nước mặn. Người dân sống thuận hòa với thiên nhiên, cứ 6 tháng trồng lúa, làm vườn; từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm thì chuyển sang nuôi tôm, cua. Bà con làm nông nghiệp hữu cơ, thuận theo tự nhiên với mô hình “con tôm ôm cây lúa” trong hoạt động du lịch. Chị Trần Như Hạnh, chủ vườn dừa Bé Thảo, một trong những điểm du lịch ở Cồn Chim, cho biết: “Ngày trước, nhà tôi chỉ làm lúa, đánh bắt thủy hải sản nhưng nay kết hợp làm thêm du lịch. Chúng tôi được tập huấn làm du lịch theo hướng tự nhiên, các sản phẩm làm ra đều không đủ cung. Kinh tế theo đó ổn định và cuộc sống gia đình cũng tốt hơn trước”. Gia đình chị Hạnh có 14.000mtrồng lúa, bao quanh là dừa. Mỗi năm nhà chị chỉ làm 1 vụ lúa, khi nước mặn thì nuôi tôm, phân tôm với phù sa là phân bón tự nhiên rất tốt cho cây lúa. Mùa nước ngọt, lúa cấy thưa, cứ 1.000m2 sạ 2kg lúa giống để khoảng trống nuôi tôm nước ngọt trên ruộng. Ruộng lúa trở thành địa điểm để nhiều du khách đến check-in, nằm võng thưởng thức nước dừa tươi mát và câu tôm.

 

Ở cồn Chim có nhiều hộ gia đình kết hợp làm nông với làm du lịch tương tự. Họ vừa có đời sống ổn định vừa góp phần gìn giữ bảo vệ môi trường.

 

Mô hình trồng rừng làm du lịch của anh Phạm Văn Khanh, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng là một trong những mô hình DLX tiêu biểu. Tại đây có 60ha rừng tràm, trong đó có 20ha là khu bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác nguồn lợi khác, để tạo một vùng lõi sinh thái tự nhiên cho ong về. Anh Khanh cho biết lựa chọn lập nghiệp ở quê vì muốn gìn giữ rừng, giữ nghề truyền thống của gia đình. Khi kết hợp làm du lịch thì các sản phẩm nông sản sẽ gia tăng giá trị. Theo đó, 60ha rừng tràm nơi đây trở thành nơi trú ẩn của nhiều loại động vật hoang dã. Ðồng thời là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá để hình thành nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, mang đậm bản sắc đặc trưng của thời khai hoang mở đất. Trong đó, nổi bật là hoạt động xem gác kèo ong và thu hoạch mật ong. Kết hợp trồng rừng với làm du lịch không chỉ giúp gia đình anh Khanh có kinh tế ổn định, mà còn góp phần giữ môi trường với vùng rừng 60ha.

 

Hiện tại ĐBSCL có nhiều mô hình xanh kết hợp nông nghiệp với du lịch, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, văn hóa bản địa mà còn góp phần gìn giữ bảo vệ môi trường, tài nguyên tự nhiên. Những mô hình du lịch nông nghiệp thuận thiên điển hình và thu hút du khách là Việt Mekong Farmstay (Đồng Tháp), mô hình du lịch tái chế rác của Mekong Silt Ecolodge (TP Cần Thơ), du lịch nông nghiệp hữu cơ ở Bảo gia Farm Camping (Hậu Giang), làng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc (Hậu Giang)… Tất cả đều phát triển du lịch dựa trên tài nguyên bản địa với định hướng bền vững. Ở đó, người dân, các doanh nghiệp đều có tri thức bản địa, trân trọng những giá trị tài nguyên tự nhiên và môi trường.

 

Phát triển DLX theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế mà còn thiết thực hành động bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương. Chính điều này mang lại giá trị lâu dài, bền vững trong phát triển du lịch.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: baocantho.com.vn

 

TIN LIÊN QUAN