(TITC) – Chiều ngày 19/6/2017, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã lấy ý kiến biểu quyết của các đại biểu về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Với kết quả 438/451 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 89,21%, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) chính thức được thông qua.
Kết quả bỏ phiếu thông qua Luật Du lịch sửa đổi (Nguồn ảnh: toquoc.vn)
Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này gồm 9 chương, 79 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Du lịch 2005, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào các điều, khoản liên quan.
Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 29/5, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội đã thu hút sự quan tâm và thảo luận của nhiều đại biểu quốc hội. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để chỉnh lý dự thảo.
Toàn cảnh phiên họp (Nguồn ảnh: toquoc.vn)
Đa số các đại biểu ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan soạn thảo dự thảo. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã chuyển tải nội dung, quan điểm của Bộ Chính trị trong việc ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dự thảo Luật đã coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp hoạt động theo cơ chế thị trường; có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của từng ngành; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp du lịch; đưa tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch nhằm chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên chui…
Luật Du lịch (sửa đổi) – tạo động lực và môi trường thuận lợi phát triển du lịch
Việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được coi là động thái quan trọng trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Luật Du lịch sẽ là khung pháp lý để quản lý chung tất cả các hoạt động liên quan đến du lịch, tạo động lực và môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng theo định hướng mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Luật Du lịch sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
http://www.vietnamtourism.com