Tôn vinh giá trị “linh hồn” miền sông nước
Chuyên gia của Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU- ESRT) đánh giá chợ nổi Cái Răng là một trong những sản phẩm du lịch chính của Cần Thơ cần được ưu tiên phát triển.
Chuyên gia của Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU- ESRT) đánh giá chợ nổi Cái Răng là một trong những sản phẩm du lịch chính của Cần Thơ cần được ưu tiên phát triển.
Ngày hội du lịch chợ nổi đầu tiên
Ở miền Tây có nhiều chợ nổi, song được nhiều người biết đến nhất là chợ nổi Cái Răng, Phong Điền ở Cần Thơ; chợ nổi Cái Bè giáp ranh ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre; chợ nổi Châu Đốc (An Giang)… Trong số này, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chợ nổi Cái Răng cũng đã lọt nhóm 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á có sức thu hút du khách mạnh mẽ khi đến với miền Tây Nam Bộ. Nét văn hóa đặc sắc riêng có của miền sông nước Cửu Long đã được tôn vinh cả ở trong nước và quốc tế.
Quang cảnh chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Vũ-Mạnh Linh-TTXVN |
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch thành phố Cần Thơ cho biết: Từ ngày 7 – 9/7, lần đầu tiên Cần Thơ đã tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng với hàng chục sự kiện sôi nổi hưởng ứng Ngày du lịch Việt Nam 9/7. Nhân dịp này, Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một dịp tốt để Cần Thơ quảng bá hình ảnh con người, văn hóa sông nước Cần Thơ đến với du khách trong và ngoài nước, thu hút khách đến miền gạo trắng nước trong. Cần Thơ cũng sẽ cố gắng duy trì ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng hàng năm vào dịp Ngày du lịch Việt Nam 9/7. Trước đó, vào tháng 11/2015, chợ nổi Cái Răng đã được tái hiện tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), thu hút đông đảo du khách tham dự…
Theo ông Nguyễn Hoàng Ơn, để đảm bảo di sản chợ nổi Cái Răng phát huy được giá trị, ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, UBND thành phố Cần Thơ đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, trong đó dành kinh phí 63 tỷ đồng (50 tỷ từ nguồn xã hội hóa) để thực hiện khu vực bảo tồn, khu vực phát triển du lịch phục vụ du khách; đảm bảo vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh an toàn về mọi mặt, xây dựng các công trình phụ trợ khác…
Đến Cần Thơ, sau khi khám phá chợ nổi Cái Răng từ sáng sớm, du khách có thể tham quan các điểm đến khác như: Bến Ninh Kiều, nhà vườn Phong Điền, Làng du lịch Mỹ Khánh, vườn cò Bằng Lăng, huyện Thốt Nốt; nhà cổ Bình Thủy – một bối cảnh trong phim “Người tình” nổi tiếng… Đây là những điểm đến được Hiệp hội Du lịch Cần thơ và Hiệp hội Du lịch đồng bằng Sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, thu hút nhiều du khách.
Nhiều thách thức
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng: Chợ nổi Cái Răng được hình thành do chính nhu cầu mua bán và trao đổi sản phẩm của người dân địa phương vùng sông nước theo tập quán “trên bến dưới thuyền”. Cái Răng cũng là chợ đầu mối giao lưu lớn nhất của khu vực, trung tâm của nhiều vườn cây trái trù phú, ruộng rẫy phì nhiêu “Cái Răng – Ba Láng – Vàm Xáng – Phong Điền”. Hàng ngày, ngay từ sáng sớm đã có rất nhiều ghe thuyền neo đậu, mua bán, trao đổi các mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau củ. Ngoài ra còn có những dịch vụ trao đổi các mặt hàng thủ công, đồ gia dụng, thức ăn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Chợ nổi miền Tây khác hẳn các loại hình chợ khác, hàng hóa, kể cả đồ ăn chín đều được bán trên các ghe thuyền to nhỏ. Thế nên cách “rao hàng” của chợ nổi từ xưa đến nay rất độc đáo, ai bán gì thì treo món ấy lên đầu sào cắm ở mũi ghe, gọi là “bẹo” và không cần nói bất cứ tiếng nào. Hình thức “bẹo” không ồn ào náo nhiệt nhưng hiệu quả cao, thu hút khách hàng không thua kém bất cứ loại hình quảng cáo nào.
Dự án EU-ESRT đã tiến hành kháo sát và đánh giá về phát triển sản phẩm du lịch của An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang trong phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Các chuyên gia đánh giá: Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Đây là nét văn hóa rất đặc trưng ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Khách tham quan chợ nổi chủ yếu là khách quốc tế. Khách nội địa đa phần đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, gần đây là khách du lịch từ phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Khách tham quan chợ nổi từ sáng sớm nhưng chưa mua nhiều sản phẩm trên các ghe thuyền của thương lái do hàng hóa ở đây chủ yếu là bán buôn. Người dân địa phương cũng được hưởng lợi khi tham gia hoạt động đưa đón khách tham quan chợ nổi.
Tuy vậy, báo cáo của Dự án EU- ESRT cũng chỉ ra rằng: Chợ nổi độc đáo này đang đứng trước nguy cơ giảm quy mô, chợ ngày càng thưa thớt hơn. Đó là do giao thông đường bộ đã và đang phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long nên việc vận chuyển bằng đường thủy đối với các mặt hàng nông sản, trái cây đã giảm đáng kể. Mặt khác, các khu chợ trên bờ ngày càng tấp nập, bán lẻ nhiều hơn nên du khách, nhất là khách nội địa thường có xu hướng mua sắm ở chợ trên bờ. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước khu vực chợ nổi Cái Răng cũng cần được tập trung giải quyết để tăng thêm tính hấp dẫn, nhất là đối với du khách quốc tế khi đến đây.
Chợ nổi được coi là “linh hồn” của các phố thị vùng sông nước Cửu Long, khiến không ít du khách trong nước, quốc tế phải tìm đến trải nghiệm. |
Nguồn: http://baotintuc.vn/
TIN LIÊN QUAN
- DANH MỤC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA QUỐC GIA VÀ CẤP THÀNH PHỐ (26/08/2024)
- Đặc điểm và vai trò của chợ nổi ở ĐBSCL (19/08/2024)
- Chùa Nam Nhã - Nơi ghi dấu phong trào cách mạng (28/12/2023)
- KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG ÔNG HÀO (28/12/2021)
- Khu di tích lịch sử cấp quốc gia – Mộ Phan Văn Trị (29/06/2021)