Ở ĐBSCL, văn hóa sông nước đã có tự bao đời và ăn sâu vào tiềm thức của con người nơi đây. Khi đến ĐBSCL, bạn sẽ thấy chợ nổi trên sông chính là một trong số những hình ảnh đẹp nhất và ấn tượng nhất.
Nào là chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Trà Ôn ở Vĩnh Long, chợ nổi Phong Điền ở Cần Thơ, chợ nổi Thới Bình trên sông Trẹm ở Cà Mau... Tuy nhiên, cái hay là mỗi chợ đều có những đặc sản của từng địa phương.
Chợ nổi là nét đặc trưng văn hóa của người dân vùng Tây Nam Bộ.
Những yếu tố về văn hóa, kinh tế, xã hội chính là nền tảng cốt lõi làm nên nét độc đáo của chợ nổi trên sông, giúp nó tồn tại và phát triển qua thời gian.
Trên những vùng chợ nổi, ngày ngày luôn tấp nập ghe thuyền giao thương buôn bán, trong đó, phần lớn các ghe có trọng tải từ 5- 10 tấn.
Đó là những ghe buôn bán liên tỉnh, chuyên chở nhiều mặt hàng từ gạo, muối, nước mắm… đến các loại vật dụng sinh hoạt như xoong, chảo, thau, xô,...
Bên cạnh đó còn có những ghe, xuồng nhỏ từ các vùng quê chở các nông sản do gia đình tự sản xuất được mang ra đây bán để tăng thu nhập.
Từ miệt vườn Tiền Giang, Cần Thơ, ghe bán trái cây xuôi về Cà Mau. Trên mui ghe, họ cắm một cây sào dài hay còn gọi là cây bẹo, trên đó có treo những loại trái cây mà ghe có bán để người mua dễ dàng nhận biết- một hình thức “quảng cáo” độc đáo, đặc trưng trên sông.
Ngược lại, các ghe thuyền từ Cà Mau lên vùng trên thường mang theo những đặc sản của địa phương.
Cuộc sống thương hồ lênh đênh sông nước không dễ gì. Buôn bán là kế mưu sinh duy nhất. Người dân thương hồ phải bươn chải từng ngày để có thu nhập nuôi sống gia đình.
Họ chọn cuộc sống thương hồ chỉ vì không có đất đai để canh tác. Đời thương hồ rày đây mai đó, có hôm ngủ bến Phong Điền, mai lại trôi dạt về xứ Sa Đéc, Cà Mau.
Cuộc sống là những chuỗi ngày gian nan vật lộn với sông nước. Nhiều khi nồi cơm nấu xong, chưa kịp ăn đã bị sóng nước xô ngã nghiêng, đành phải ngậm ngùi nấu nồi cơm khác!
Nhiều em nhỏ đến tuổi đi học, nhưng biết học nơi đâu, đành theo cha mẹ buôn bán mưu sinh, cam phận! Trên sông nước Nam Bộ, những thân phận như thế nhiều không kể xiết.
Tuy vậy, đời sống tinh thần của dân thương hồ lại vô cùng phong phú. Đi nhiều nơi, tiếp xúc, va chạm với nhiều người, họ hiểu nên sống như thế nào cho phải.
Vì vậy, dù ít chữ, cách đối đãi của họ không thua kém ai. Khi chiều xuống, ghe thuyền thường neo đậu gần nhau, ngủ qua đêm để sáng mai lại tiếp tục cuộc hành trình.
Cây bẹo là hình thức quảng cáo độc đáo của những khu chợ trên sông như thế này.
Chẳng ai biết ai, nhưng chỉ cần vài ba câu hỏi thăm, họ đã thành bạn. Họ cùng ăn cơm, thăm hỏi cuộc sống hàng ngày.
Có người từ miệt Sa Đéc xuống, có người tận đất mũi Cà Mau lên, phút chốc đã thành những người bạn, có khi còn là tri kỷ, thông gia... Cũng chính vì vậy mà trên miền quê sông nước này đã hình thành câu ca:
“Bớ chiếc ghe sau, chèo mau tôi đợi,
Khúc sông này bờ bụi khó qua!”
Ba mẹ tôi cũng là dân thương hồ, cuộc sống rày đây mai đó khá vất vả nên chị em tôi được gửi về ở cùng ngoại để thuận tiện cho việc học tập.
Về sau ba, mẹ tôi cũng “lên bờ” vì muốn gần gũi với con cái. Dù vậy những kỷ niệm trong mấy mươi năm gắn bó cùng con nước lớn ròng, cùng những người bạn “tứ chiến” vẫn in đậm trong lòng ông, bà. Những lúc “trà dư tửu hậu”, câu chuyện về nhịp sống trên sông ấy lại được ba tôi nhắc đến.
Ba hay bảo, những người buôn bán trên sông rất tin vào vận may, hên xui may rủi. Họ cho rằng buôn bán trên sông là nghề “Bà Cậu”, đầu xuôi thì đuôi lọt, mua nhanh bán nhanh, mua may bán đắt, nên khi khách xuống ghe mua hàng, bao giờ họ cũng đón tiếp rất niềm nở, lịch sự và thân thiện, thao tác nhanh nhẹn, không để người mua phải đợi lâu.
Vào mỗi buổi sáng, họ cầu mong gặp được một người mở hàng có duyên cho một ngày bán đắt. Để lấy sự may mắn, khi mở hàng, người bán thường rao sát giá, nhưng không bán liền, mà chờ người mua mặc cả một vài lần cho không khí thêm rôm rả. Khi đã thuận mua, vừa bán, ấy là lúc họ cảm thấy rất hài lòng.
Những ngày tết, có nhiều ghe thuyền xa quê không về được. Ngày 30 tết, họ làm mâm cơm, đặt trước mũi ghe, khấn vái rước ông bà cùng về ăn tết với họ.
Nhiều ghe thuyền neo cạnh nhau, cùng tổ chức một cái tết trên sông thật đầm ấm. Kẻ có gà, người có vịt, cùng nhau chuẩn bị những món ăn ngon, thưởng thức mùa xuân xa xứ.
Tuy xa xứ, nhưng với họ, đâu cũng là quê hương, đâu cũng là gia đình. Tình thương hồ đã khiến họ cảm thấy được an ủi nhiều.
Nghề buôn bán trên sông thật chênh vênh và lắm thăng trầm. Cuộc sống của dân thương hồ càng khó khăn hơn khi ngày nay, siêu thị mọc lên ở khắp nơi, sức mua sức bán của chợ nổi đã giảm.
Tuy nhiên, cho dù văn minh hiện đại đến đâu thì chợ nổi vẫn tồn tại. Chỉ khi nào sông cạn nước thì khi đó, chợ nổi mới không còn. Đó là triết lý sống của người dân xứ vườn châu thổ này.
Nguồn: NGỌC LIỄU (Báo Vĩnh Long)