Người đi sông đi biển lúc nào cũng coi ghe thuyền là vật linh và quan tâm đến việc trang trí con mắt ghe sao cho thật sinh động, giống như truyền linh hồn cho ghe.
Ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại, làm ăn, vừa là công cụ gắn liền với phong tục. Ảnh: Internet
Những điều kiêng kỵ trên sông nước
Ngư dân và người làm nghề sông nước rất tin tưởng vào Bà – Cậu, nơi trang thờ dưới ghe lúc nào cũng có dĩa trái cây, ba chung nước và thường xuyên nhang khói. Những người trên ghe không bao giờ dám xúc phạm, thậm chí không được nói những điều xui xẻo, nhảm nhí.
Những người đi sông, đi biển rất kiêng cử những lời độc địa chua cay, quái gở, đồng thời tránh dùng những tiếng úp, lật, rơi, rớt, đổ, ngã, sẩy, trở, lăn, té, nhào… Chủ ghe cũng tin vào các cổ lệ như ghe thuyền đóng xong, muốn xuất hành hay khởi công đều tránh giờ Mẹo vì đó là giờ sinh cùa Bà Cậu. Các chủ ghe và trại đóng ghe xuồng rất kỵ những ai sờ vào mắt ghe, nhất là người lạ mặt. Khi bán ghe, chủ ghe không bao giờ bán đòn dài và máng tát nước. Nếu bỏ nghề, có thể đem tặng cho người khác.
Trên đường đi, người ngồi trên ghe xuồng kỵ gặp rắn và ngỗng lội trước mũi ghe, kỵ chở mèo và rùa (thậm chí tài công và chủ ghe cũng không ăn thịt mèo và rắn). Trái lại khi gặp chó lội ngang sông là điềm hên, gặp đom đóm bay nhiều là điềm tốt lành. Ngoài ra, khi ngồi trên thuyền làm cá lỡ để rơi con dao xuống nước, phải lặn mò cho được vì việc mất dao dưới đáy nước là điều cấm kỵ.
Một vài nơi còn giữ tục nhuộm lưới, xông lưới, dọn rửa ghe thuyền hoặc cúng vái để giải trừ xui xẻo mỗi khi gặp chuyện không may hoặc lỡ phạm vào điều cấm kỵ.
Mỗi người thợ đóng ghe thuyền đều có những kinh nghiệm và bí quyết riêng trong nghề. Ảnh: Internet
Con mắt ghe – Một nét văn hóa độc đáo
Ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại, làm ăn, vừa là công cụ gắn liền với phong tục, tập quán, lối sống của cư dân vùng sông nước. Người đi sông đi biển lúc nào cũng coi ghe thuyền là vật linh và quan tâm đến việc trang trí con mắt ghe sao cho thật sinh động, giống như truyền linh hồn cho ghe. Tuy nhiên, mỗi vùng miền đều có một quan niệm khác nhau về con mắt ghe.
Có truyền thuyết cho rằng vẽ giống mắt thuồng luồng sẽ xua các loài thủy quái. Lại có truyền thuyết nên vẽ giống mắt chim ó, khiến thủy quái không dám lại gần. Người sống bằng nghề sông nước lâu năm chỉ cần nhìn vào hình dáng, màu sắc của con mắt ghe là biết được xuất xứ của ghe thuyền từ đâu đến. Chẳng hạn như ghe thuyền ở ĐBSCL thường vẽ mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, toát lên thần thái hiền hòa.
Ngoài con mắt ghe, thợ đóng ghe thuyền còn tôn trọng những quy định thật nghiêm ngặt dù bất thành văn. Chẳng hạn như sau khi cúng ghim lô, miếng ván chuẩn đầu tiên đóng vào sườn ghe phải buộc vải đỏ, tuyệt đối không ai được nằm, ngồi trên miếng ván lô. Sau khi xong, chủ ghe thu lại những cây đinh hoặc bù lon đóng trên miếng ván lô cất kỹ, hoặc ném ra giữa sông rồi trám lại lỗ đinh bằng cây. Làm như thế sẽ không bị kẻ xấu hại. Có người nghĩ rằng nếu dùng đinh đóng lên miếng ván lô sẽ khiến cho thuyền dễ đụng, húc vào thuyền khác.
Mỗi người thợ đóng ghe thuyền đều có những kinh nghiệm và bí quyết riêng trong nghề. Bởi thế dân gian mới có câu “Làm ruộng ăn theo mùa. Làm ghe ăn theo mẹo”.
Tín ngưỡng và những kiêng kỵ thể hiện tấm lòng cầu mong bình an đến với những người sống ở đầu sóng ngọn gió.
Nguồn: Báo Cần Thơ