Hát ru là nếp sinh hoạt văn hóa dân dã tự nhiên, có truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em hay bất cứ một người nào đều có thể hát ru đưa trẻ thơ vào giấc ngủ. Lời ru thường là những câu ca dao, đồng dao giản dị mộc mạc nhưng cũng vô cùng phong phú và tinh tế được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mỗi vùng đất, mỗi dân tộc trên mọi miền đất nước đều có những bài ca ngọt ngào mang theo tính cách, phong tục tập quán và hơi thở của riêng mình. Với những làn điệu trầm bổng ngọt ngào trìu mến yêu thương thổi dần vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu cuộc sống và đạo lý làm người. Có thể từ ấu thơ, các bé chưa hiểu hết nội dung những câu hát ru về con cò con vạc, cái bống cái bang, thằng Cuội, thằng Bờm hoặc các công việc làm ăn, quan hệ con người, lẽ sống đạo lý ở đời và mọi hiện tượng thiên nhiên xã hội…Nhưng âm hưởng du dương dịu dàng của nó là sợi dây giao cảm diệu kỳ của người mẹ, người hát ru đến với trái tim và tâm hồn con trẻ.
Mẹ tôi, khi sinh thời, người một nắng hai sương tảo tần nuôi cháu con học hành khôn lớn và cho chúng tôi cảm nhận được những lo toan vất vả: “Làm đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hát đắng cay muôn phần”. Khi những đứa con của mẹ đã trưởng thành, gặp thành công hay thất bại ở đời, người vẫn còn hát ru thay cho lời động viên căn dặn:
Làm trai quyết chí tu thân
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo
Khi nên trời giúp công cho
Làm trai năm liệu bảy lo mới hào…
Những tình cảm và triết lý nhân sinh từ kho tàng ca dao đó cứ mãi được bồi đắp. Để đến hôm nay chúng tôi lại truyền cho con cháu mình nối tiếp ngọn nguồn quá khứ và hiện tại “Thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vun đắp thêm tình yêu quê hương đất nước…
Đáng tiếc, nhiều ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay ít hoặc không biết hát ru con – dù họ say mê hát nhạc rock và nhạc trẻ một cách sành điệu. Tôi từng chứng kiến nhiều người mẹ trẻ bật rađio, băng cat set hoặc đầu đĩa một cách ầm ĩ thay cho việc ru con. Có những “từ mẫu” thế hệ 8X lại ru con bằng những câu bốc lửa: “Em muốn sống bên anh trọn đời!...” thay cho những câu “Công cha như núi Thái Sơn”. v.v…Nhưng tất cả những việc làm đó nhiều khi phản tác dụng, khiến cháu bé càng khóc to hơn, hoặc có thể vì quá sợ hãi mà phải nín để đến khi ngủ, trong cơn mê bé vẫn giật mình thon thót. Bởi vì tuy là những ca từ rất hay nhưng nó quá mạnh mẽ, thiếu truyền cảm từ trái tim con người trong hoàn cảnh cụ thể. Nó khác hẳn với những câu hát ru dù là mộc mạc đơn sơ nhưng có cả nhịp lắc lư của tao nôi, cánh võng hay cánh tay, ánh mắt dịu dàng, nụ cười trìu mến vỗ về âu yếm ấm áp, từ mùi hương đặc trưng nồng nàn đằm thắm của người mẹ. Tất cả những dư ba ấy tạo nên một sự chở che đùm bọc, bình yên đến diệu kỳ.
Hát ru có điệu thức rất đơn giản. Thường không cần bài bản dài mà có thể từ những câu thơ lục bát, đoạn ca dao rất dễ nhớ dễ thuộc. Bất kỳ ai cũng có thể hát được và đổi lời cho phù hợp với mình. Ví dụ như: “Ru con, con ngủ cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu” thành “Cháu ơi, cháu ngủ cho muồi” hoặc “Ru em, em ngủ cho muồi”. v.v…Nhưng điều quan trọng hơn là qua hát ru, ta đã đưa vẻ đẹp tinh thần, những bài học đạo đức tinh tế vào tâm hồn trẻ thơ, để các cháu cảm nhận được sự dịu ngọt, lấp lánh của cuộc sống. Giúp trẻ dần dần hình thành nhân cách và tự tin hơn về mình. Có thể có ý kiến cho rằng: “Trẻ ngày nay tuy ít được nghe hát ru, nhưng bù lại với cuộc sống đầy đủ chúng vẫn khỏe mạnh, thông minh và tiếp thu nhanh những công nghệ mới”. Vâng. Có thể là như thế thật.
Nhưng phải chăng vì vắng lời hát ru, thiếu những câu chuyện cổ tích “Vừa nhân nghĩa lại tuyệt vời sâu xa” mà trẻ con ngày nay dường như sống khô khan, thực dụng, tách rời với sự hồn hậu tự nhiên ngàn đời của dân gian? Do đó, không những chúng ta mà một số các cháu thiếu niên đã phát biểu rằng: “Không được nghe lời hát ru của mẹ, của bà, con người bị thiệt thòi rất lớn. Bị mất đi niềm hạnh phúc quý giá lẽ ra phải có ở buổi đầu đời”. Lẽ đương nhiên món quà hát ru không chỉ là hạnh phúc của tuổi thơ mà còn là hạnh phúc giản dị được ban tặng, gửi gắm, là kỷ niệm êm đềm, là niềm tin, vinh dự, là sự an ủi của người mẹ đối với chính bản thân mình. Vì vậy, trong nhịp sống công nghiệp hiện đại vẫn mong lắm, cần lắm những lời hát ru “ầu ơ” dịu dàng tha thiết ngân lên trong mỗi mái ấm gia đình nơi làng quê, phố thị yên bình.
Nguồn: Trương Quang Thứ - http://thegioidisan.vn